Trái chiều bức tranh kinh doanh từ cổ phiếu ngành thuỷ sản
Quý đầu năm 2024, trong khi các doanh nghiệp tôm ghi nhận sự vượt trội về doanh số thì ngược lại các đơn vị đầu ngành cá tra lại báo cáo những con số kém sáng.
Cụ thể, quý I/2024, Thủy sản Minh Phú (MPC) báo cáo doanh thu thuần đạt 2.504 tỷ đồng, tăng tới 25% so với cùng kỳ; lãi ròng cũng ở mức 7,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm tới 98 tỷ đồng.
Năm 2024, dù còn đối mặt với khó khăn nhưng Thuỷ sản Minh Phú vẫn đề ra mục tiêu 15.805 tỷ đồng doanh thu, tăng khoảng 46% so với thực hiện của năm 2023; lợi nhuận sau thuế đạt 1.021 tỷ đồng. Nếu đạt được kết quả này, đây sẽ là mức lãi cao nhất của doanh nghiệp kể từ năm 2008 đến nay.
Quý I, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm ghi nhận sự khởi sắc.
Cũng trong ngành tôm, Thực phẩm Sao Ta (FMC) đạt 1.460 tỷ đồng doanh thuần, tương ứng tăng tới 44% so với cùng kỳ; lãi trước thuế đạt 57,4 tỷ đồng, tăng 13%. Hiện, Sao Ta là doanh nghiệp Việt xuất khẩu tôm lớn nhất sang Nhật Bản, lớn thứ 4 sang Mỹ và lớn thứ 9 sang Hàn Quốc.
Một doanh nghiệp lớn ngành tôm khác là Camimex (CMX) cũng cho biết doanh thu 3 tháng đầu năm cao gấp 3,2 lần so với cùng kỳ, lên mức 789 tỷ đồng; trong đó doanh thu bán thành phẩm tăng từ 323 tỷ đồng lên 758 tỷ đồng. Dù vậy, giá vốn và các chi phí khác tăng cao đã khiến lãi ròng của doanh nghiệp chỉ tăng 36%, đạt 31,3 tỷ đồng.
Chiều ngược lại, Đầu tư và phát triển Đa quốc gia I.D.I (IDI) ghi nhận giảm 7,5% về doanh thu, còn 1.629 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ thành phẩm cá tra và dịch vụ đạt lần lượt 643 tỷ đồng và 10,1 tỷ đồng, tương ứng mức giảm lần lượt là 20% và 38%. Lãi ròng trong quý của doanh nghiệp cũng chỉ đạt 16,5 tỷ đồng, giảm 5,7% so với cùng kỳ.
Thuỷ sản Nam Việt (ANV) ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm sâu 81% so với cùng kỳ còn 16,1 tỷ đồng trong quý I mặc dù doanh thu chỉ giảm ở mức 12%.
Đáng chú ý, cho đến hiện tại, “nữ hoàng cá tra” Vĩnh Hoàn (VHC) vẫn chưa công bố báo cáo tài chính quý I. Đây là lần thứ 2 trong vòng chưa đầy một năm, Vĩnh Hoàn chậm nộp báo cáo tài chính và bị nhắc nhở vì chậm công bố thông tin.
Trước đó, trong quý IV/2023, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu đạt 2.395,7 tỷ đồng, giảm 3,2% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế ghi nhận 47,64 tỷ đồng, giảm 74,7%. Trong đó, biên lợi nhuận gộp suy giảm mạnh từ 19,2% về chỉ còn 8,2% (mức thấp kỷ lục).
Được biết, theo dữ liệu trên iBoard của Chứng khoán SSI, kể từ năm 2015 tới năm 2022, chưa quý nào biên lợi nhuận gộp của Vĩnh Hoàn giảm xuống 8,2%, thấp nhất ghi nhận là quý IV/2015 với giá trị 10,69%. Tuy nhiên, trong năm 2023, biên lợi nhuận gộp liên tục suy giảm, quý I ghi nhận 17,31%, quý II ghi nhận 20,65%, quý III ghi nhận 10,56%, và quý IV/2023 ghi nhận 8,2%.
Có thể thấy, kết quả trái ngược của 2 nhóm thuỷ sản diễn ra trong bối cảnh ngành tôm Việt Nam ghi nhận tăng tới 14% về kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ năm trước (YoY), tương ứng lên mức 686 triệu USD. Các thị trường chủ lực của ngành tôm là Mỹ cũng tăng 16% YoY, đạt 121 triệu USD; Trung Quốc và Hong Kong tăng tới 75%, đạt 128 triệu USD.
Trái ngược với sự tăng trưởng của ngành tôm, cá tra lại chỉ mang về 411 triệu USD trong quý đầu năm 2024, tương ứng giảm 3% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường lớn nhất là Trung Quốc và Hong Kong đã giảm 22% YoY, còn gần 112 triệu USD.
Trên thị trường, trước thông tin Mỹ cân nhắc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, nhiều mã cổ phiếu tôm, cá tra đã có dấu hiệu bật tăng trong 2 phiên gần đây.
Đối với tôm, cổ phiếu nhóm ngành này trong 2 phiên vừa qua tăng mạnh. Chẳng hạn, FMC từ hôm qua đến hôm nay cũng tăng lần lượt là 0,19% và 4,25%; MPC cũng tăng 1,86% và 4,9%...
Một số cổ phiếu nhóm doanh nghiệp cá tra cũng tăng nhẹ. Trong đó, cổ phiếu IDI phiên hôm qua tăng 2,68%, trong hôm nay tăng 1,74%; cổ phiếu ACL (Thủy sản Cửu Long An Giang) cũng tăng 4,05% trong phiên ngày 9/5.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận