Top 10 cổ phiếu nổi bật phiên 8/8: VIC, HHS, VIX, ITA, POW, HAG, DBC,...
Kết phiên 8/8, VN-Index tăng gần 1 điểm và bảo vệ thành công mốc 1.240. Nhiều cổ phiếu như VIC, DBC, HHS vẫn đang duy trì nhịp tăng giá mạnh.
VIC - Tập đoàn Vingroup: Kéo trụ
Nối tiếp VCB, HPG, cổ phiếu VIC là mã trụ tiếp theo đóng vai trò công thần giúp thị trường chứng khoán duy trì mạch tăng điểm trong hơn 3 tháng qua.
Kết phiên 8/8, cổ phiếu VIC tăng 4,9% lên 67.000 đồng/cp, đóng góp cho VN-Index hơn 3,1 điểm và giúp chỉ số hồi trở lại tham chiếu.
Sau gần 2 tuần, cổ phiếu Vingroup tăng tới 31,4%. Cổ phiếu VIC tăng giá giúp Chủ tịch Phạm Nhật Vượng trở lại Top 1 tỷ phú giàu nhất sàn chứng khoán.
Thông tin liên quan, Vingroup dự lấy ý kiến cổ đông về phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP).
Sau chuỗi tăng 195% từ cuối tháng 2 cùng lượng thanh khoản tăng đột biến, cổ phiếu VIX giảm mạnh 4,7% về 16.100 đồng/cp phiên 8/8. Đáng nói, biên độ giảm được nới rộng sau lệnh bán gần 2,9 triệu cổ phiếu phiên ATC.
Dòng tiền cá mập đang chi phối cuộc chơi tại cổ phiếu chứng khoán này trong 1 tháng qua. Trước mắt, cố phiếu VIX không thích hợp cho các động thái trading T+.
Về câu chuyện kinh doanh, quý 2/2023, Chứng khoán VIX báo lợi nhuận trước thuế 704 tỷ đồng (cao nhất toàn ngành chứng khoán); lãi sau thuế tăng 9,7 lần YoY lên 566 tỷ đồng.
Gần 22 triệu cổ phiếu PVS đã được khớp lệnh trong phiên mã tăng 5% (tương ứng giá trị 776 tỷ đồng - chiếm 28% giá trị toàn sàn HNX). Đây cũng là mức thanh khoản cao nhất kể từ nửa cuối tháng 4/2022.
Tại mức giá đóng 36.000 đồng/cp, PVS tiếp tục là cổ phiếu đầu tàu nhóm dầu khí họ P với mức tăng 68% từ đầu năm.
Giá dầu thế giới chạm mức gần như cao nhất trong 3 tháng qua. Những động thái cắt giảm nguồn cung đến từ hai trong những nước có nguồn dầu lớn nhất thế giới đang giúp cho giá dầu có động lực trở lại đỉnh trung hạn trong thời gian này.
Siêu dự án Lô B-Ô Môn tiếp tục là được kỳ vọng đem đến công ăn việc làm cho nhóm danh nghiệp dầu khí.
Cổ phiếu ITA bất ngờ tăng trần lên mức 6.220 đồng/cp cùng thanh khoản 12,6 triệu đơn vị - cao hơn trung bình 8 tháng. Mã hiện đang hướng về giá cũ 6.390 đồng (phiên 13/6) với tín hiệu tăng mua của dòng tiền tạo lập.
Thông tin hỗ trợ đà tăng đến từ việc phía Tân Tạo vừa có văn bản gửi HOSE cho biết công ty đã đáp ứng đủ điều kiện đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo theo quy định.
Điểm trừ là việc kết quả kinh doanh quý 2 và bán niên 2023 của công ty giảm mạnh so với cùng kỳ.
HHS - Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy: Thanh khoản kỷ lục
Cổ phiếu HHS có phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp đồng thời là phiên tăng thứ 12/14 phiên gần nhất. Chuỗi tăng giá gần 40% kéo thị giá HHS lên sát mốc 7.000 đồng/cp - cao nhất 14 tháng.
Dòng tiền lớn tiếp tục gia tăng hiện diện ở cổ phiếu này trong 3 tuần gần nhất. Chỉ báo RSI vượt mức 70 điểm và bước vào vùng quá mua. Trong phiên giao dịch tới, nếu tiếp tục vượt kháng cự vùng giá cũ cuối tháng 5/2022, mã có nhiều khả năng hướng lên mức 7.5x đồng/cp (giá cũ tháng 4/2022).
Thông tin tích hỗ trợ: Trong quý 2, HHS ghi nhận doanh thu 91 tỷ đồng - giảm 58,8% YoY. Dù vậy, sau thuế tăng gần 58% lên mức 64,5 tỷ đồng.
Dịch vụ Hoàng Huy hiện có khoản đầu tư gần 3.127 tỷ đồng vào Bất động sản CRV - tương đương 43,56% vốn CRV. Đây là công ty thành viên nhóm Hoàng Huy Group và hiện đang nắm giữ hơn 5.060 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn.
DBC - HAG - HNG: Giá heo tăng, tiền lớn nhập cuộc
Giá heo hơi ngày 8/8 đồng loạt tăng cao ở nhiều địa phương trên toàn quốc, đặc biệt là tại khu vực miền Bắc với mức tăng lên tới 3.000 đồng/kg tại Thái Nguyên, Thái Bình và Tuyên Quang lên mức 63.000 - 64.000 đồng/kg cao nhất cả nước.
Theo thông tin từ Anova Feed, giá heo hơi hôm nay dao động ổn định quanh mức 59.800 đồng/kg - hồi phục gần 30% so với mức đáy thiết lập hồi cuối tháng 3/2023.
Trợ lực từ chuyển động giá heo, cổ phiếu DBC của Dabaco Việt Nam đóng cửa phiên 8/8 tăng trần lên sát mốc 28.000 đồng/cp, khối lượng khớp lệnh đạt 14,8 triệu đơn vị (mức cao thứ 2 trong lịch sử niêm yết). 73% khối lượng giao dịch phiên này đến từ mua chủ động.
Chuỗi tăng giá của cổ phiếu Dabaco đã kéo dài 5 tháng qua, thị giá tăng 110% từ 13.3x đồng/cp.
Dù tình hình kinh doanh chưa có nhiều cải thiện song cổ phiếu HNG của HAGL Agrico bất ngờ ghi nhận sự xuất hiện trở lại của dòng tiền tạo lập sau 16 tháng; giá tăng 12,5% lên mức 4.500 đồng/cp.
Điều cần lưu ý lúc này là việc mã đang test trở lại đường EMA200 (mức 4.505 đồng). Vượt đường EMA trong những phiên tới, xu hướng hồi phục trung hạn của cổ phiếu HNG sẽ được xác lập.
Tương tự, cổ phiếu HAG của Tập đoàn HAGL tăng 6,9% trong phiên 8/8 với thanh khoản cao nhất toàn thị trường (hơn 47,1 triệu đơn vị). Thị giá áp sát 10.000 đồng/cp. Kể từ phiên 27/7, cổ phiếu HAG hiện đã tăng 15% và bứt khỏi đường EMA200.
Điều cần lưu ý lúc này là việc HAG đã 2 lần chinh phục thất bại mốc 10.000 đồng/cp sau nhịp giảm mạnh trong quý 4 năm ngoái (đầu tháng 12/2022 và cuối tháng 1/2023).
POW - PV Power: Chính thức vượt 14.000 đồng
Đứa trẻ không chịu lớn POW - cổ phiếu VN30 gây thất vọng nhất từ đầu năm đã chính thức vượt trở lại mốc 14.000 đồng/cp (giá cũ giữa tháng 9/2022) sau khi tăng 2,9% lên mức 14.100 đồng. Khớp lệnh cuối phiên gần 28 triệu đơn vị (cao hơn trung bình 10 tháng trước đó).
Tín hiệu cho điểm mua đã xuất hiện trong phiên này. Tuy nhiên nhà đầu tư vẫn cần chờ mã vượt kháng cự 14.450 đồng/cp trước khi gia tăng vị thế.
Câu chuyện đáng quan tâm: Lợi nhuận sau thuế quý 2/2023 của PV Power chỉ đạt 182 tỷ đồng - giảm 69% so với cùng kỳ trong khi doanh thu hợp nhất tăng 13% lên 8.555 tỷ.
Công ty cho biết, trong quý 2, các nhà máy thủy điện trực thuộc đều sụt giảm sản lượng do lưu lượng nước về hồ thấp khiến doanh thu giảm trong khi giá vốn không giảm tương ứng. Các nhà máy điện khí gặp khó khăn khi giá nhiên liệu tăng làm cho giá vốn tăng cao.
IBC - APAX Holdings: Mở Gap
Cổ phiếu IBC của APAX Holdingscó phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp, đóng cửa tại mức 2.390 đồng/cp. Sau khi thủng mốc 1.800 đồng (phiên 10/7), dòng tiền đầu cơ gia tăng tăng vị thế giúp mã hồi phục 34,3% lên mức hiện tại.
Thông tin hỗ trợ: Trong cuộc họp cổ đông và nhà đầu tư mới đây, ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Apax Leaders cho biết, chuỗi dạy tiếng Anh này có doanh thu từ học sinh mới tăng liên tục từ mức 465 triệu đồng (tháng 4) lên khoảng 2,8 tỷ đồng (tháng 7).
Kết quả này có được sau khi Apax Leaders tái cấu trúc từ cuối năm 2022 đến quý 1 năm nay. Trước giai đoạn tái cấu trúc, công ty này ghi nhận doanh thu bằng 0 bởi nhiều bê bối chất lượng giảng dạy, nợ lương giáo viên, chậm bồi thường học phí cho phụ huynh khi đóng cửa chi nhánh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận