Tình hình loạt doanh nghiệp do ông Phạm Nhật Vượng làm 'cha đẻ'
CapitaLand Group đang đàm phán một thương vụ trị giá 1,5 tỷ USD với Vinhomes. Tập đoàn Singapore được cho là đang xem xét mua một phần dự án Ocean Park 3.
Hôm 17/3, Công ty CP Vinhomes (mã chứng khoán: VHM) công bố thông tin bất thường về việc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại các công ty con. Theo đó, Vinhomes bán phần vốn góp tại Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Phát Đạt và Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Trường Lộc. Cả hai công ty này đều có trụ sở tại Hưng Yên với tỷ lệ vốn góp của Vinhomes chiếm đến 99,9%.
Đáng chú ý, cả hai công ty này đều vừa được Vinhomes công bố nghị quyết thông qua việc góp vốn thành lập ngày 5/3 với tổng giá trị góp vốn tại 2 công ty này là 11.400 tỷ đồng. Cụ thể, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển bất động sản Trường Lộc có trụ sở tại dự án Khu đô thị sinh thái Dream City, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Công ty này có vốn điều lệ gần 4.425 tỷ đồng, trong đó Vinhomes góp 99,9% vốn.
Vinhomes vừa bán 2 công ty bất động sản ở Hưng Yên - nơi có các dự án Ocean Park.
Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Phát Đạt có trụ sở tại Khu đô thị Đại An, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Công ty Bất động sản Phát Đạt có vốn điều lệ là hơn 7.008 tỷ đồng do Vinhomes góp 99,9% vốn.
Hai nguồn tin của Reuters mới đây tiết lộ, CapitaLand Group đang đàm phán một thương vụ trị giá khoảng 1,5 tỷ USD với Vinhomes. Tập đoàn Singapore được cho là đang xem xét mua một phần dự án Ocean Park 3 của Vinhomes hoặc một dự án khác ở Hải Phòng. Đến nay, cả Vinhomes lẫn CapitaLand Development đều chưa đưa ra thông tin xác thực.
Ngày 6/3, ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán: VIC) - công bố thành lập Công ty CP Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM) với số vốn 3.000 tỷ đồng để cung cấp dịch vụ cho thuê ô tô, xe máy điện và dịch vụ taxi VinFast.
GSM sẽ cho các hãng dịch vụ vận chuyển như taxi, xe ôm công nghệ và nhân viên của họ thuê ô tô, xe máy điện để chở khách. Đồng thời, GSM cũng tự vận hành dịch vụ taxi bằng ô tô điện. Đây là mô hình dịch vụ vận tải phức hợp xanh lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam cũng như trên thế giới mà theo VinFast, là nhằm phổ cập trải nghiệm di chuyển điện hóa.
GSM và Be Group bắt tay nhau để đưa ô tô điện và xe máy điện vào hoạt động dịch vụ vận tải đầu tiên tại Việt Nam.
Đến ngày 21/3, GSM và Be Group - Công ty công nghệ Việt Nam sở hữu nền tảng tiêu dùng đa dịch vụ Be đã ký kết thoả thuận hợp tác đầu tư, nhằm đưa ô tô điện và xe máy điện vào hoạt động dịch vụ vận tải đầu tiên tại Việt Nam.
Trước đó, Tập đoàn Vingroup công bố kết quả giao dịch cổ phiếu của Chủ tịch Hội đồng quản trị Phạm Nhật Vượng. Theo đó, ông Vượng đã chuyển nhượng hơn 243 triệu cổ phiếu VIC cho Công ty CP Quản lý và đầu tư Bất động sản VMI - VMI JSC.
Ông Phạm Nhật Vượng sở hữu hơn 985,5 triệu cổ phiếu (tương ứng 25,47% vốn điều lệ Vingroup). Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của ông Vượng tại VIC hạ xuống còn 742 triệu cổ phiếu, chiếm 19,18% vốn điều lệ. Bên nhận chuyển nhượng là VMI JSC nắm 6,29% vốn điều lệ VIC và trở thành cổ đông lớn của Vingroup.
Hồi tháng 10/2022, ông Phạm Nhật Vượng công bố sẽ góp vốn và trở thành cổ đông chính của VMI JSC. VMI JSC được thành lập với mục tiêu hỗ trợ các nhà đầu tư vốn nhỏ có cơ hội đầu tư bất động sản, quản lý các bất động sản và phát triển thị trường thứ cấp nhằm tăng thanh khoản và giá trị cho các bất động sản của Vinhomes.
VMI có vốn điều lệ 18.000 tỷ đồng, trong đó ông Phạm Nhật Vượng góp 90% vốn bằng giá trị cổ phiếu Vingroup. Cụ thể, ông Vượng sẽ góp vốn bằng 243 triệu cổ phiếu Vingroup, tương đương 16.200 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận