Tiêu điểm kinh tế: Giá vàng điên đảo; thấy gì từ vụ rút tiền ồ ạt tại Ngân hàng SCB?
Giá vàng tăng lên trên 92 triệu đồng/lượng; Ngân hàng ồ ạt rao bán bất động sản hàng trăm tỷ; Đề xuất tăng trợ cấp xã hội lên 750.000 đồng/tháng; Tác động từ việc người dân ồ ạt rút tiền tại Ngân hàng SCB... là những thông tin đáng chú ý trong tuần qua.
Giá vàng SJC lao dốc chóng mặt
Sáng 12/5, giá vàng miếng SJC giảm mạnh hơn 3 triệu đồng/lượng so với sáng 11/5. Theo đó, giá vàng lùi về mốc 89 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Doji niêm yết giá vàng miếng SJC 87,7 - 89,2 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, giảm 3,2 triệu đồng/lượng so với sáng qua. Đây là doanh nghiệp niêm yết vàng miếng SJC thấp nhất trên thị trường.
Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng miếng SJC 87,8 - 90,1 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, giảm 2,1 triệu đồng/lượng so với sáng qua. Công ty vàng Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC 87,3 - 90,1 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.
Trong khi đó, sáng 11/5, giá vàng miếng SJC tăng lên trên 92 triệu đồng/lượng còn vàng nhẫn tiến sát mốc 77 triệu đồng/lượng. Công ty Vàng Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC 90 - 91,18 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra. Tập đoàn Doji niêm yết giá vàng miếng SJC 90,1 - 92,4 triệu đồng/lượng.
Giá vàng miếng SJC quay đầu giảm mạnh ngày cuối tuần.
Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường vàng tuần qua tăng quá “nóng” sau khi Ngân hàng Nhà nước đấu thầu thành công phiên thứ 2, bán ra 3.400 lượng vàng, với giá rất cao là 86,05 triệu đồng/lượng. Nhiều nhà đầu tư nhận định rằng, giá đấu thầu bán ra của Ngân hàng Nhà nước quá cao đã đẩy mặt bằng giá vàng trên thị trường tăng mạnh.
Trước diễn biến bất thường nói trên, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng, việc tuân thủ các quy định liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định tại Nghị định số 24, quy định pháp luật về cạnh tranh và các quy định pháp luật có liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trong tháng 5.
Ngân hàng Nhà nước được giao quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng miếng, kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là các hành vi vi phạm pháp luật, buôn lậu, thẩm lậu, trục lợi, đầu cơ, thao túng, đẩy giá, cạnh tranh không đúng quy định; trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật kịp thời chuyển ngay hồ sơ đến Bộ Công an và các cơ quan chức năng để xử lý theo quy định.
Tác động từ việc người dân ồ ạt rút tiền tại Ngân hàng SCB
Chính phủ có báo cáo gửi Quốc hội về tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Báo cáo cho biết, tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,12% - mức cao nhất trong giai đoạn 2011-2022; sang năm 2023, tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,05%, mặc dù thấp hơn mục tiêu đề ra, nhưng là mức khá cao so với các quốc gia trên thế giới và trong khu vực.
Về lãi suất, Chính phủ cho rằng áp lực mất giá của đồng Việt Nam rất lớn trong năm 2022 khi các nước thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng mạnh lãi suất và đồng đô la tăng giá rất mạnh; vào thời điểm tháng 9 - 10/2022, đồng Việt Nam đã chịu áp lực mất giá lên đến 9-10%.
Việc rút tiền hàng loạt tại SCB là các yếu tố tổng hợp làm gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước, tạo sức ép lên lạm phát.
Trong bối cảnh đầy thách thức với sức ép lớn đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành với mức tăng 0,8-2%/năm trong tháng 9 và 10/2022 nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi kinh tế, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng .
“Việc tăng lãi suất là phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô trong nước cũng như bối cảnh quốc tế khi nền kinh tế của Việt Nam có độ mở lớn, hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế”, Chính phủ khẳng định.
Năm 2023, trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo cao, từ tháng 3/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất với mức giảm 0,5-2,0%/năm.
Ngân hàng ồ ạt rao bán bất động sản hàng trăm tỷ
Ngân hàng Agribank chi nhánh thành phố Đà Nẵng vừa thông báo bán đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại thửa đất số 52, tờ bản đồ 8. Lô đất này có địa chỉ tại lô A2.1 khu đầu cầu Tuyên Sơn, thuộc vệt khai thác quỹ đất dự án nâng cấp mở rộng đường Lê Văn Hiến, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Diện tích lô đất gần 3.930 m2, mục đích sử dụng kinh doanh thương mại. Theo Agribank, giá khởi điểm của lô đất này khoảng 470 tỷ đồng.
Ngân hàng này cũng thông báo đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại thửa đất số 370, tờ bản đồ 45 địa chỉ lô 10+11+41+42 Trần Bạch Đằng, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Diện tích đất là hơn 1.223 m2, mục đích sử dụng: Đất ở tại đô thị.
VietinBank chi nhánh Thành An cũng vừa có thông báo bán đấu giá (lần 4) khoản nợ của Công ty CP Khách sạn Bến Du Thuyền. Các tài sản đảm bảo đem ra đấu giá là Quyền sử dụng 5.965,5m2 đất và tài sản hình thành trong tương lai gắn liền với đất tại: Khu A, ô số 8, Khu đô thị Vĩnh Hòa, phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Khu đô thị Vĩnh Hòa, phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Toàn bộ động sản thuộc Dự án Trung tâm Bến Du Thuyền Hoàng Gia - Swisstouches Laluna Resort - Khu A …. Các tài sản bất động sản này là tài sản đảm bảo cho khoản nợ hơn 600 tỷ đồng của doanh nghiệp.
VietinBank chi nhánh Hội An vừa thông báo bán quyền sử dụng hơn 636 m2 đất, khách sạn và toàn bộ trang thiết bị gắn liền với đất tại thửa số 89, phường Tân An, TP Hội An.
Đây là tài sản đảm bảo của Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Hoàng Ngọc Phát. Theo đó, tài sản trên đất là khách sạn 4 sao Le Pavillon Paradise Hoi An Hotel & Spa với tổng diện tích sàn hơn 2.600 m2. Khách sạn có một hồ bơi với diện tích sàn hơn 120 m2. Giá khởi điểm hơn 100 tỷ đồng.
Thiếu máy bay nghiêm trọng: Chỉ còn 170 chiếc, giá thuê quá 'chát'
Theo Cục Hàng không Việt Nam, tính đến ngày 2/5, tổng số tàu bay của các hãng hàng không trong nước đạt 199 chiếc, giảm 32 tàu bay so với năm 2023. Trong đó, số lượng tàu bay đang khai thác thực tế dao động từ 165-170 chiếc, giảm khoảng 40-45 chiếc so với mức trung bình năm ngoái.
Số lượng máy bay khai thác thực tế của các hãng hàng không Việt Nam chỉ ở mức tối đa 170 chiếc.
Nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm số lượng tàu bay đến từ việc nhà sản xuất động cơ Pratt&Whitney (PW) thực hiện triệu hồi động cơ PW1100 để kiểm tra và sửa chữa chuyên sâu nhằm khắc phục lỗi sản xuất. Tại Việt Nam, các động cơ này đang được sử dụng trên một số tàu bay A321NEO khai thác bởi Vietnam Airlines và VietJet Air. Vấn đề triệu hồi dẫn tới một số tàu bay phải dừng khai thác trong khoảng thời gian năm 2024 - 2025.
Kế hoạch nhận tàu bay của các hãng hàng không trong năm nay cũng bị ảnh hưởng. Vietjet Air sẽ không nhận thêm bất kỳ tàu bay nào, Vietnam Airlines chỉ nhận thêm 2 tàu bay Boeing 787 vào tháng 6 đến tháng 7 năm nay. Hiện tại Pacific Airlines không khai thác tàu bay nào. Bamboo Airways chỉ khai thác 5 tàu bay, giảm 25 chiếc so với năm ngoái.
Một số hãng hàng không trong nước đều thông báo không tìm được tàu bay thuê theo kế hoạch. Giá thuê động cơ đối với máy bay Airbus A321 tăng gấp đôi so với năm 2019; giá thuê tàu bay Boeing B-787 là 160.000 USD/tháng vào năm 2022, hiện ở mức 370.000 USD/tháng. Chi phí phụ tùng vật tư tăng từ 10-13% so với thời điểm trước năm 2019.
Việc giảm cung vận tải nội địa do giảm tàu bay là nguyên nhân ảnh hưởng đến biến động về giá vé, đặc biệt trong các dịp lễ, tết. Tình trạng chênh lệch cung cầu dự báo sẽ tiếp tục xảy ra trong giai đoạn cao điểm hè 2024.
Bốn tháng hơn 86.000 doanh nghiệp dừng hoạt động
Trong 4 tháng đầu năm, cả nước có 86.400 doanh nghiệp rút lui; trung bình, mỗi tháng có 21.600 doanh nghiệp dừng hoạt động, cao gấp hơn 2 lần thời điểm 2021. Theo khu vực kinh tế, doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy; công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng; kinh doanh bất động sản.
Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cũng cho thấy, Việt Nam có gần 920.000 doanh nghiệp đang hoạt động, gần 98% doanh nghiệp thuộc nhóm siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Doanh nghiệp chưa kịp phục hồi hoàn toàn sau COVID-19, lại tiếp tục phải đối diện với nhiều khó khăn thách thức do tác động của các bất ổn kinh tế, địa, chính trị thế giới.
Trung bình, mỗi tháng có 21,6 nghìn doanh nghiệp dừng hoạt động (ảnh: Như Ý).
Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân trong báo cáo Thủ tướng về tình hình doanh nghiệp nêu rõ, doanh nghiệp đối diện với 5 khó khăn chính, gồm: Đơn hàng, dòng tiền, thực hiện các thủ tục hành chính và đáp ứng quy định pháp luật, nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế, tiếp cận vốn vay. Chính phủ cần có chính sách, kế hoạch thực hiện cụ thể để vực dậy các doanh nghiệp đang “chết lâm sàng” mà không thể làm thủ tục ngừng kinh doanh hoặc giải thể. Dù khó khăn vẫn tiếp diễn, nhưng khảo sát về triển vọng vĩ mô, tiếp cận vốn, thị trường, đánh giá hiệu quả hỗ trợ niềm tin của doanh nghiệp đã quay trở lại.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận