Thoái vốn dồn dập về đích?
Nhìn vào các thương vụ thoái vốn lớn từ đầu 2019 đến nay có thể thấy hầu như tất cả các thương vụ được thị trường kỳ vọng thì kết quả thoái vốn lại diễn ra èo uột.
Rộn ràng nhưng vắng khách
Trong bối cảnh chỉ còn gần 2 tháng nữa kết thúc năm 2019, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đang dồn dập thông báo thoái vốn. Đơn cử ngày 15/11, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo về phiên đấu giá 3,2 triệu cổ phần của Công ty cổ phần Sơn Tổng hợp Hà Nội do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) nắm giữ với giá khởi điểm 24.296 đồng/cp.
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), hôm đó cũng thông báo sẽ thoái vốn toàn bộ 1,51 triệu cổ phần tại Công ty cổ phần Hợp tác lao động với nước ngoài (Inlaco - HP) với mức giá khởi điểm 2.700 đồng/cp. Trong khi đó, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cũng thông tin sẽ bán hết số cổ phần sở hữu tại Công ty cổ phần Công trình giao thông Bình Thuận vào cuối tháng 11 với giá khởi điểm 12.600 đồng/cp.
Những thông báo này đang có sự nóng lên vào thời điểm các tháng cuối năm, nhưng sự chú ý của giới đầu tư thì đã âm thầm từ mấy tháng trước đây.
Trên thị trường các thương vụ thoái vốn Nhà nước diễn biến chậm cả về khối lượng và giá trị. Trong 9 tháng đầu năm, SCIC chỉ bán vốn thành công tại 6 DNNN, đạt 7% so với kế hoạch về số lượng 108 DN cần thoái vốn đặt ra hồi đầu năm. Về giá trị, SCIC đặt mục tiêu doanh thu năm 2019 đạt 6.499 tỷ đồng. Nhiều khả năng đây là con số chưa tính doanh thu thoái vốn các DN có quy mô lớn, vì nếu tính cả các DN có quy mô thoái vốn lớn thì doanh thu 2019 của SCIC phải đạt hơn 21.000 tỷ đồng.
Nhìn vào các thương vụ thoái vốn lớn từ đầu 2019 đến nay có thể thấy hầu như tất cả các thương vụ được thị trường kỳ vọng thì kết quả thoái vốn lại diễn ra èo uột. Các vụ bán vốn lớn tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Sa Giang (SGC), Công ty cổ phần Dược Domesco (DMC), Vocarimex... đều không có nhà đầu tư đăng ký mua.
Trong khi đó, các vụ thoái vốn tại Tổng công ty Dược Việt Nam (DVN), Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVNFinance), Công ty cổ phần Cảng An Giang, Công ty cổ phần Xây dựng Bình Dương (Biconsi), Công ty cổ phần Phân bón Miền Nam (SFG), Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - Công ty cổ phần (VEA)… đều gặp trục trặc về định giá hoặc “lùm xùm” về tài sản, đất đai và hiệu quả kinh doanh.
Thực tế, theo SCIC, các năm 2017, 2018 tiến độ cổ phần hóa các DNNN đã có sự chậm chạp, áp lực thoái vốn bị đẩy nặng sang các năm 2019-2020. Đáng ngại hơn là hiện nay làn sóng “lùng” cổ phiếu thoái vốn trên thị trường chứng khoán hầu như đã không còn sôi động như giai đoạn 2016-2018.
Chờ cổ đông ngoại và dòng tiết kiệm
Theo phân tích của các công ty chứng khoán, từ giữa tháng 11 đến nay với sự kích hoạt của đợt bán vốn tại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk – VNM) thị trường đầu tư đã bắt đầu có sự kỳ vọng vào nhóm cổ phiếu đầu ngành. Theo đó, từ nay đến cuối năm các đợt bán vốn của nhóm các DN lớn như: Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP), Nhựa Tiền Phong (NTP), Domesco, Vinaconex, FPT... sẽ tạo ra được hiệu ứng cả về tâm lý đầu tư và biến động giá cổ phiếu.
Ông Vũ Đức Tiến - Tổng giám đốc Công ty chứng khoán SHS cho rằng, thời gian qua với sự kích hoạt tâm lý từ cổ phiếu VNM, lo ngại về ngưỡng tăng giá đối với nhà đầu tư nội đã phần nào được tháo gỡ. Vì thế, các đợt thoái vốn tiếp theo của nhóm DN đầu ngành sẽ thu hút được thêm nhà đầu tư nội, trong đó nhiều khả năng là các dòng vốn tiết kiệm cũng sẽ tham gia mua vốn, chứ không đơn thuần chỉ có nhà đầu tư lướt sóng.
Đại diện SCIC cũng nhận định, các tháng tới việc bán vốn tại các DN lớn DMC, BMP sẽ có nhiều thuận lợi vì cổ đông ngoại hiện sở hữu tỷ lệ lớn tại các DN này đều đang mong muốn tiếp tục nâng tỷ lệ sở hữu của mình. Trong khi đó, SCIC mới đây đã chủ động đề xuất với Chính phủ, Bộ Tài chính, NHNN và Ủy ban Chứng khoán để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư trong việc đặt cọc tiền USD, gia hạn thời gian đăng ký mã số giao dịch, đơn giản hóa quy trình thanh toán…
Hiện Bộ Tài chính, đã lên phương án sửa đổi Nghị định 32/2018 của Chính phủ. Trong đó, đề xuất bãi bỏ quy định về tính giá trị văn hóa, lịch sử khi xác định giá trị các khoản vốn nhà nước cần thoái. Theo kế hoạch trong năm nay, dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 32/2018 sẽ được công bố và lấy ý kiến các bộ, ngành địa phương và ban hành trong năm 2020. Vì vậy, những bất cập về xác định giá trị DN cần cổ phần hóa, xác định giá khởi điểm bán cổ phiếu sẽ sớm được xử lý, tạo thuận lợi trong việc thoái vốn Nhà nước, hoàn thành kế hoạch thoái vốn giai đoạn 2017-2020.
Vẫn còn 40 DN chưa thoái vốn theo kế hoạch Theo cập nhật của SCIC, lũy kế từ năm 2017 đến hết tháng 9/2019 đơn vị đã bán vốn thành công tại tại 53 DN, trong đó bán hết vốn tại 49 DN và bán bớt vốn tại 4 DN. Tổng giá trị thu được là 20.133 tỷ đồng, trên giá vốn là 3.483 tỷ đồng, chênh lệch bán vốn là 16.651 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 5,8 lần so với giá vốn.
Như vậy, nếu so với mục tiêu Chính phủ đề ra là cổ phần hóa 93 DN và thoái vốn tại 72 DN trong giai đoạn 2019 – 2020 thì hiện nay vẫn còn 40 DNNN cần phải thoái vốn mà chưa thực hiện được. Với tiến độ thoái vốn chậm như hiện nay, áp lực thoái vốn Nhà nước trong năm 2020 được xác định là rất lớn và rất nhiều khả năng khó đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận