Thị trường sắp đón loạt tân binh chào sàn HNX và HoSE
Dù không phải là doanh nghiệp lớn, nhưng hàng loạt công ty đang có kế hoạch chuyển sàn và niêm yết mới, góp phần tăng lượng hàng hoá trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Trong xu hướng thị trường đang tăng dần cùng diễn biến tích cực của hàng loạt nhóm ngành, hai sàn chứng khoán HNX và HoSE lần lượt chào đón những doanh nghiệp niêm yết mới, phát hành thêm và chuyển từ sàn giao dịch UPCoM sang.
Gần đây nhất, ngày 12/7/2023, 6,3 triệu cổ phiếu DTG của CTCP Dược phẩm Tipharco (Tipharco) sẽ được giao dịch chuyển sàn chính thức lên sàn HNX, với mức giá chào sàn là 25.000 đồng/cổ phiếu.
Tipharco được thành lập từ năm 1976 với tên gọi Công ty Dược phẩm Tiền Giang, chủ yếu sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu. Năm 2022, sau khi được tái cấu trúc, với năng lực của các cổ đông tổ chức mới, sản phẩm của Tipharco đã được đưa vào các chuỗi phân phối hiện đại như Long Châu, Pharmacy…
Về kết quả kinh doanh, kết thúc năm 2022, Tipharco đạt doanh thu 297,1 tỷ đồng, tăng 46%; lợi nhuận sau thuế cao gấp 19 lần năm 2021, đạt 18,1 tỷ đồng, thậm chí còn cao nhất kể từ khi thành lập năm 2006. Trong đó, mục hàng tự sản xuất tăng tới 200% so với năm trước đó.
Cuối tháng 7/2022, CTCP Bamboo Capital (HoSE: BCG) đã trở thành cổ đông lớn sau khi mua vào 1,3 triệu cổ phiếu, tương đương tỉ lệ sở hữu 21,01%. Tipharco lý giải nguyên nhân kết quả kinh doanh năm 2022 tăng trưởng vượt bậc là do quá trình tái cấu trúc, chuyển đổi doanh nghiệp diễn ra hiệu quả với sự hỗ trợ của Bamboo Capital.
Tại quý I/2023, công ty ghi nhận đạt 89,7 tỷ đồng doanh thu và 7,1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 25,5% và gấp 2,67 lần so với cùng kỳ 2022.
Năm 2023, Tipharco đặt kế hoạch đạt doanh thu là 360 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 30 tỷ đồng, lần lượt tăng 21% và 66% so với thực hiện năm 2022. Với kết quả đạt được trong quý I, công ty mới hoàn thành 25% chỉ tiêu doanh thu và 23% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Sau khi chuyển đăng ký giao dịch cổ phiếu từ UPCoM lên niêm yết trên HNX, công ty sẽ thực hiện tăng vốn điều lệ. Theo Nghị quyết ĐHCĐ 2023, Tipharco sẽ phát hành hơn 22,3 triệu cổ phiếu ra công chúng theo tỉ lệ 1:3, tức cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được mua 3 cổ phiếu mới, chia cổ tức năm 2022 gồm 5% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu.
Nguồn vốn huy động thêm sẽ được Tipharco bổ sung vốn lưu động, đầu tư các hạng mục máy móc thiết bị cho các nhà máy, nghiên cứu phát triển sản phẩm và đầu tư mở rộng hệ thống phân phối tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ.
Ngoài Tipharco, ngày 8/8 tới đây, gần 93 triệu cổ phiếu SIP của CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (Sài Gòn VRG) dự kiến chào sàn HoSE.
Sau khi công bố thông tin Sài Gòn VRG được chấp thuận chuyển sàn, giá cổ phiếu SIP trên UPCoM đã có diễn biến khả quan, hiện đạt 115.500 đồng/cổ phiếu, tăng gần gấp đôi so với hồi đầu năm 2023.
Ngày 21/6/2023, Sài Gòn VRG đã chi hơn 300 tỷ đồng để trả cổ tức còn lại năm 2022 với tỉ lệ 35% bằng tiền mặt. Ngoài ra, Công ty có kế hoạch thưởng cổ phiếu cho cổ đông với tỉ lệ 100%. Theo đó, vốn điều lệ của Sài Gòn VRG sẽ tăng lên gấp đôi, từ 909 tỷ đồng lên 1.818 tỷ đồng.
CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG hoạt động chính trong lĩnh vực Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp, trong đó bao gồm Đất khu công nghiệp; Nhà xưởng cho thuê; Nhà kho cho thuê cùng với phát triển các dự án Thương mại - Dịch vụ và Khu dân cư nhằm hỗ trợ Khu công nghiệp.
Ngoài ra, tại quý III/2023, CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) cũng kế hoạch niêm yết cổ phiếu BSR lên HoSE. HĐQT Lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết sẽ thực hiện niêm yết cổ phiếu tại HoSE sau Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 khi đã đáp ứng các quy định hiện hành. Thời gian dự kiến vào quý 3/2023.
Trước đó, BSR cho biết công ty chưa thể thực hiện việc niêm yết cổ phiếu do chưa đủ điều kiện về hồ sơ niêm yết. Trong 9 điều kiện, công ty đã đáp ứng được 8 điều kiện, còn duy nhất một điều kiện công ty chưa đáp ứng được, đó là "không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên một năm tính đến thời điểm đăng ký niêm yết" liên quan đến công ty con CTCP Nhiên liệu Sinh học Dầu khí Miền Trung
Hiện nay, có không ít doanh nghiệp đã nộp hồ sơ niêm yết, đến từ cả doanh nghiệp trên UPCoM và doanh nghiệp đại chúng ngoài sàn như CTCP Tập đoàn Dược Bảo Châu, CTCP Tập đoàn Cơ khí công nghệ cao Siba, CTCP Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm An Giang, CTCP Thương mại và Xây dựng Đông Dương, CTCP Xây dựng và Năng lượng VCP, CTCP Tập đoàn Bất động sản CRV, CTCP Cảng Quy Nhơn, CTCP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam, Ngân hàng Nam Á...
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp lớn còn lựa chọn dừng kế hoạch niêm yết cổ phiếu như Tôn Đông Á cũng đã bất ngờ gửi công văn đến HoSE về việc rút hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu hồi tháng 4/2023.
Lý do xin rút hồ sơ Tôn Đông Á đưa ra là tình hình kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước dẫn đến kết quả kinh doanh năm 2022 toàn ngành nói chung và công ty nói riêng không khả quan. Công ty chưa đáp ứng được các điều kiện niêm yết theo quy định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận