Thị trường chứng khoán: VN-Index liên tục vượt ngưỡng cản, nhưng thanh khoản chưa thực sự ủng hộ
Thị trường chứng khoán trong nước tuần (15 - 19/1) diễn biến khá tích cực, đặc biệt là về mặt điểm số. Chỉ số VN-Index liên tục vượt ngưỡng cản 1.160, 1.170 và 1.180 điểm tương đối dễ dàng. Tuy nhiên, thanh khoản lại suy giảm và dòng tiền vẫn chưa chuyển trụ rõ ràng, khiến đà tăng của chỉ số vẫn chưa để lại sự an tâm đối với nhà đầu tư. Xu hướng của thị trường vẫn phải chờ dòng tiền quyết định, nhất là áp lực chốt lời cận Tết.
Thị trường chứng khoán trong nước trải qua một tuần giao dịch khá tích cực khi đà tăng của chỉ số được củng cố. Thị trường đón nhận nhiều thông tin vĩ mô và một số doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2023 đã hỗ trợ đà tăng, giúp chỉ số VN-Index liên tiếp vượt các ngưỡng cản quan trọng 1.160 điểm, 1.170 điểm và 1.180 điểm.
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần, chỉ số VN-Index VN-Index đạt 1.181,5 điểm, tăng +2,2% so với tuần trước. Trong khi đó, chỉ số HNX-Index giảm nhẹ -0,4% xuống 229,48 điểm và UPCoM-Index tăng nhẹ +0,6% để đóng cửa tại 87,46 điểm.
Thị trường chứng khoán nhận được sự hậu thuận lớn từ nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản và chứng khoán. Trong khi đó, đa số các nhóm ngành khác biến động trong biên độ hẹp, phân hóa với thanh khoản suy giảm.
Thanh khoản toàn thị trường giảm khá mạnh so với tuần qua. Tính chung trên cả 3 sàn, giá trị giao dịch bình quân phiên chỉ đạt 15.868 tỷ đồng/phiên, giảm tới -28,7% so với tuần trước.
Theo đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng với ảnh hưởng tích cực từ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng giao từ đầu năm và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được thông qua là tâm điểm của thị trường trong tuần. Nhiều mã ngân hàng tiếp tục tăng gia mạnh về giá và thanh khoản, trong đó tập trung vào nhóm ngân hàng lớn và các ngân hàng có kết quả kinh doanh quý IV/2023 tăng trưởng mạnh, như: BID (+8,37%), LPB (+4,82%), VCB (+4,40%), CTG (+3,49%), MBB (+3,28%)... Tuy vậy, trong tuần vẫn có nhiều mã ngân hàng giảm điểm như: KLB (-4,72%), ABB (-2,35%), SGB (-1,52%)...
Các cổ phiếu bất động sản, khu công nghiệp cũng có diễn biến khá nổi bật trong tuần khi Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua. Đa số các mã ngành này đều duy trì đà tăng trong tuần với thanh khoản khá tốt như: NLG (+7,14%), SZC (+6,41%), NDN (+6,12%), TIP (+5,31%), KDH (+5,02%)...
Bên cạnh đó, các cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán phân hóa mạnh với thanh khoản khá đột biến khi nhiều mã bắt đầu công bố báo cáo tài chính quý IV/2023, nổi bật với TVB (+14,90%), BSI (+10,11%), DSC (+6,77%), FTS (+2,50%)... Ngược lại, trong nhóm này vẫn có nhiều mã chịu áp lực điều chỉnh mạnh như: BMS (-6,19%), PSI (-3,33%)...
Tính riêng trên HOSE, tổng giá trị giao dịch trong tuần chỉ đạt 70.340 tỷ đồng, giảm khá mạnh -28,4% so với tuần trước. Trên HNX, tổng giá trị giao dịch cũng giảm mạnh hơn -35,8% với 5.840 tỷ đồng được giao dịch.
Trong tuần, khối ngoại quay trở lại mua ròng, với giá trị mua ròng đạt 455 tỷ đồng trên cả 3 sàn. Trong đó, khối ngoại mua ròng với giá trị gần 586 tỷ đồng trên HOSE, bán ròng 39 tỷ đồng trên HNX và bán ròng 92 tỷ đồng trên UPCoM. Lũy kế từ đầu năm 2024 tới nay, khối ngoại vẫn bán ròng 1.345 tỷ đồng trên toàn thị trường.
Thị trường chứng khoán trong tuần nhận được sự hỗ trợ từ thông tin vĩ mô trong nước. Nổi bật nhất là Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Đây cũng là dòng thông tin chủ yếu hỗ trợ nhóm cổ phiếu ngân hàng và bất động sản tăng điểm trong tuần.
Cùng với đó, các doanh nghiệp đã dần công bố kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2023 với con số lợi nhuận tương đối tích cực. Dòng tiền cũng đã phân hóa và mem theo dòng thông tin về kết quả kinh doanh.
Thị trường chứng khoán tuần tới sẽ thiếu vắng các thông tin vĩ mô hỗ trợ, phiên đáo hạn phái sinh cũng đã qua đi, nên thông tin về kết quả kinh doanh có thể là dòng thông tin chính. Nhiều dự báo cho thấy, kết quả kinh doanh quý IV/2023 sẽ cho thấy sự hồi phục tích cực hơn của doanh nghiệp, tuy nhiên, sự phân hóa về kết quả kinh doanh cũng sẽ khiến dòng tiền phân hóa.
Thị trường chứng khoán trong nước nhìn chung đã có một tuần giao dịch khá ấn tượng về điểm số. Mặc dù vẫn có sự giằng co trong từng phiên, nhưng chỉ số VN-Index đã có một tuần tăng khá tốt, khi không quá khó để vượt qua các ngưỡng kháng cự quan trọng, đặc biệt là mốc 1.180 điểm.
Tuy nhiên, thị trường vẫn chưa cho thấy sự an tâm của nhà đầu tư khi thanh khoản trong tuần lại sụt giảm khá mạnh. Dòng tiền vẫn chưa có sự lan tỏa và luân chuyển sang các nhóm khác mà vẫn phụ thuộc vào nhóm ngân hàng và một số mã trụ. Điều này cho thấy sự phân hóa rõ rệt và dòng tiền mua chủ động vẫn chưa tự tin.
Trong ngắn hạn, mặc dù việc chỉ số vượt ngưỡng kháng cự là tích cực, nhưng thanh khoản chưa tăng mạnh nên khả năng sẽ chịu áp lực chốt lời tăng. Cùng với đó, đà tăng vẫn phụ thuộc vào nhóm ngân hàng và một số cổ phiếu đơn lẻ nên độ bền của đà tăng chưa thực sự được củng cố. Thị trường vẫn cần sự xác nhận của dòng tiền bên mua để vượt qua được áp lực tăng cung chốt lời trong tuần tới.
Theo các chuyên gia của SHS, xét dưới góc nhìn ngắn hạn, thị trường chứng khoán trong nước vận động tích cực và đã hình thành nhịp tăng ngắn hạn mới. Tuy nhiên, VN-Index sẽ sớm gặp cản tâm lý 1.200 điểm và có thể có rung lắc, cản mạnh thực sự của nhịp tăng ngắn hạn sẽ là cản trên của kênh tích lũy trung hạn quanh vùng 1.250 điểm.
Về mặt kỹ thuật, các chuyên gia của SSI Research cho rằng, các tín hiệu kỹ thuật chỉ báo sức mạnh tương đối (RSI) và chỉ báo xu hướng (ADX) vận động ở tín hiệu mạnh, thể hiện xu hướng tăng trưởng duy trì. Chỉ số VN-Index có thể hướng đến vùng mục tiêu 1.188 - 1.190 điểm.
Trong bối cảnh thị trường hiện nay, điểm số sẽ không quá quan trọng bằng dòng tiền. Chính vì vậy, việc quản trị danh mục và bảo vệ thành quả sẽ cần quan tâm nhiều hơn. Tâm lý cận Tết kết hợp với việc VN-Index có thể sẽ tiệm cận ngưỡng cản lớn tại 1.200 điểm làm tăng áp lực chốt lời, trong khi đó, thanh khoản chưa tăng mạnh và độ luân chuyển, lan tỏa chưa cao.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận