menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Lê Long

Thị trường chứng khoán: Một năm sôi động

(Xây dựng) - Mặc dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng đối với thị trường chứng khoán, đây là năm sôi động khi VNINDEX liên tục tạo đỉnh mới, gần đâ

(Xây dựng) - Mặc dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng đối với thị trường chứng khoán, đây là năm sôi động khi VNINDEX liên tục tạo đỉnh mới, gần đây nhất đã lập đỉnh 1.500 điểm, dần trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn. Tính đến tháng 10/2021, vốn hóa thị trường đạt 9.193,118 tỷ đồng, tương đương 147,97% GDP - đây là con số vô cùng ấn tượng.

thi truong chung khoan mot nam soi dong
Ông Ngô Đức Hoàng - Trưởng phòng Tư vấn Đầu tư Công ty CP Chứng khoán VPS lý giải về biến động của thị trường chứng khoán năm 2021.

Động lực tăng trưởng của ngành VLXD và BĐS

Tính từ đầu năm 2021, giá đóng cửa của VNINDEX ngày 04/01/2021 là 1120.47 điểm, lúc cao nhất VNINDEX tăng lên 1.500 tương đương tăng 33,87%. Cùng với đà tăng của thị trường chung nhóm cổ phiếu thuộc ngành VLXD và BĐS có một năm tăng giá ấn tượng.

Đánh giá chung về cổ phiếu nhóm VLXD, ông Ngô Đức Hoàng - Trưởng phòng Tư vấn Đầu tư Công ty CP Chứng khoán VPS chia sẻ: Những tháng đầu năm 2021, nhóm ngành này chưa có nhiều biến động, hầu hết cổ phiếu tích lũy đi ngang trong biên độ hẹp dần, đà tăng của nhóm này bắt đầu xuất hiện từ tháng 7/2021 và đang có xu hướng tăng vào cuối năm. Với mức thanh khoản trung bình 500 triệu đ/phiên, 95% cổ phiếu thuộc ngành này tăng giá, trong đó 91% số mã tăng trên 20% trong năm nay. Một số cổ phiếu đáng chú ý có thể kể đến như: BCC (Xi măng Bỉm Sơn), HT1 (Xi măng Hà Tiên), NKG (Thép Nam kim), HPG (Thép Hòa Phát), KSB (Khoáng sản Bình Dương)…

Ngoài ra, về nhóm cổ phiếu BĐS, ông Ngô Đức Hoàng cho biết: Đây là nhóm ngành có vốn hóa lớn, ảnh hưởng nhiều đến chỉ số VN INDEX. Nhìn chung, năm 2021 là năm nhiều cổ phiếu nhóm ngành này tăng giá. Cũng giống như VLXD, BĐS có đà tăng mạnh vào những tháng cuối năm. Theo thống kê, 97% cổ phiếu BĐS năm qua đều tăng giá, trong đó có đến 93% cổ phiếu tăng trên 20%.

Trong giai đoạn vừa rồi, một số cổ phiếu có sự bứt phá rất lớn, tăng mạnh trong khoảng thời gian ngắn. Các cổ phiếu thuộc nhóm mid, penny tăng tốt hơn nhóm có vốn hóa lớn như: IDJ, HQC (Địa ốc Hoàng Quân), API (Công ty CP Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương). Ngoài ra, có một số anh lớn trong ngành cũng có mức tăng tốt như: NLG (Công ty Đầu tư Nam Long), DIG (Tổng công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng), KBC (Tổng công ty Phát triển Kinh Bắc, HDC (Công ty CP Phát triển nhà Bà Rịa - Vũng Tàu)…

Năm 2021 là năm bùng nổ của chứng khoán. Theo thông tin từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), số lượng tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 11 là 221.314 tài khoản; ghi nhận tháng thứ 9 liên tiếp vượt mức 100.000 tài khoản kể từ tháng 02/2021 đến nay. Đây cũng là con số lớn nhất trong lịch sử 21 năm thành lập thị trường. Tính đến thời điểm hiện tại, thị trường chứng khoán có 4.083.325 tài khoản, thanh khoản thị trường có phiên lên tới 52 nghìn tỷ. Lượng tiền đổ vào thị trường chứng khoán lớn là yếu tố quan trọng khiến cả BĐS, VLXD nói riêng có nhịp tăng giá ấn tượng trong năm nay.

Tác động của dịch bệnh đến nhóm ngành VLXD và BĐS

Nhiều nhóm ngành khác bị tác động xấu từ dịch do phải thực hiện nguyên tắc 3 tại chỗ khiến chi phí đội lên gấp nhiều lần dẫn đến lợi nhuận của DN ngày càng thu hẹp và khó khăn để cải thiện.

Nhưng đặc thù nhóm VLXD, điển hình như nhóm thép thì lại được hưởng lợi nhiều nhờ Nhà nước thúc đẩy đầu tư công để tăng trưởng GDP của cả nền kinh tế. Hơn hết, tình hình dịch bệnh dẫn đến giá hàng hóa tăng mạnh do bị đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong khi đó, các nhà máy sản xuất của nhóm này đa số là hoạt động tự động nên ngày càng tăng công suất chứ không bị ảnh hưởng bởi việc thiếu hụt lao đông. “Thiên thời địa lợi” làm cho quý II/2021, lợi nhuận các DN tăng trưởng gấp nhiều lần và gần như đạt đỉnh trong giai đoạn đó.

Có thể thấy, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 với những diễn biến phức tạp, khó lường đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng tới kinh tế Việt Nam, dẫn đến các nhóm ngành nghề gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là lĩnh vực BĐS. Ngoài ra, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh, tạo áp lực đến nhóm xây dựng, các dự án BĐS tăng giá theo, dẫn đến thanh khoản trên thị trường không được sôi động.

Tuy nhiên, ông Ngô Đức Hoàng khẳng định: Trong bối cảnh khó khăn chung, nhiều DN vẫn tích cực đẩy mạnh tái cấu trúc nhằm cắt giảm chi phí vận hành, quản lý. Bên cạnh đó, Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước về giãn nợ, khoanh nợ và Nghị định 52 về gia hạn tiền thuế thu nhập DN, thuế đất cũng mang lại lợi thế không nhỏ cho bài toán cơ cấu kết quả kinh doanh, từ đó giúp các DN có được “bức tranh” sáng sủa hơn.

Những mã cổ phiếu ấn tượng

Trao đổi với phóng viên Báo Xây dựng, anh N.T.A - nhà đầu tư F0 chia sẻ về những mã cổ phiếu ấn tượng trong năm 2021: Đối với mình, là nhóm cổ phiếu ngành thép. Nửa đầu năm chứng kiến sự bứt phá ngoạn mục đối với những mã đầu ngành như HPG (Thép Hòa Phát), HSG (Tập đoàn Hoa Sen), NKG (Thép Nam Kinh). Thậm chí, những mã mang tính “đầu cơ” cao như TLH (Thép Tiến Lên), VGS (Ống thép Việt Đức VG PIPE), SMC (Công ty CP Đầu tư thương mại SMC) còn “tăng bằng lần”. Trên khắp các diễn đàn về chứng khoán đều râm ran cụm từ “Bank - chứng - thép”. Cảm giác chỉ cần mua và nắm giữ những cổ phiếu thép là sẽ có lời, bất chấp các diễn biến thị trường do diễn biến cắt giảm sản xuất thép để bảo vệ môi trường ở Trung Quốc dẫn tới thiếu hụt nguồn cung & đẩy giá thép lên cao, đặc biệt các DN xuất khẩu đi châu Âu như HSG (Tập đoàn Hoa Sen), NKG (Thép Nam Kinh) được hưởng lợi lớn. Tuy nhiên nửa cuối năm lại là sắc thái ngược lại hoàn toàn. Đa số các cổ phiếu thép đều rơi vào giai đoạn giảm sâu. Cá nhân mình cũng nếm trái đắng đầu tiên trong đầu tư chứng khoán khi nắm giữ cổ phiếu thép giai đoạn này. Dù kết quả kinh doanh quý III đầy ấn tượng nhưng cổ phiếu HPG (Thép Hòa Phát) lại chứng kiến đà lao dốc khó hiểu, đi ngược lại với những gì mình nghe từ các chuyên gia phân tích cơ bản và định giá cổ phiếu. Nhưng dù sao tổng kết lại cả năm mình vẫn thu được lợi nhuận và rất nhiều kinh nghiệm đầu tư quý giá với một “nhà đầu tư F0” khi nắm giữ cổ phiếu thép trong năm 2021.

Bà V.N.D - một nhà đầu tư có hơn 10 năm kinh nghiệm thì lại cho rằng: Điểm nhấn đáng chú ý nhất trong năm 2021 là nhóm cổ phiếu BĐS, vươn lên trở thành dòng cổ phiếu dẫn dắt. Đầu tiên phải nhắc tới cổ phiếu của các DN sở hữu quỹ đất lớn và ở vị trí đắc địa được định giá cao như DIG (Tổng công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng), KDH (Công ty nhà Khang Điền), NLG (Công ty Nam Long). Các cổ phiếu này đều chứng kiến mức tăng từ 50 - 100% trong vài tháng, mức tăng trưởng đáng mơ ước với nhiều nhà đầu tư trong những năm trước đó. Không thể không nhắc tới nhóm cổ phiếu nhỏ hơn nhưng có những câu chuyện riêng hay gọi là “có game” để thúc đẩy đà tăng giá như LCG (Công ty CP LICOGI 16), CKG (Xây dựng Kiên Giang), CEO (Tập đoàn C.E.O), ITA (Công ty CP Đầu tư và công nghiệp Tân Tạo), SCR (Địa ốc Sài Gòn - Thương Tín)… Những cổ phiếu này có mức tăng tốt nhưng thường xuyên trải qua những nhịp rung lắc với biên độ lớn do tính chất “đầu cơ” cao hơn. Ngoài ra, vài cổ phiếu BĐS khác cũng có mức tăng giá ổn, tuy nhiên lại vướng tới các vấn đề về pháp lý như NDN (Công ty CP Đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng) hay TDH - Công ty Phát triển nhà Thủ Đức (có lãnh đạo bị bắt). Đây là những cổ phiếu các nhà đầu tư cần thận trọng để tránh thiệt hại đáng tiếc.

Khi được hỏi về nhóm ngành nào sẽ hấp dẫn trong những tháng đầu năm 2022, ông P.V.L chia sẻ: Tôi nghĩ điểm nhấn trong cuối 2021 và đầu 2022 sẽ là việc thúc đẩy đầu tư công. Do vậy, các DN trong lĩnh vực hạ tầng và vật liệu xây dựng sẽ được hưởng lợi lớn khi đầu tư công được đẩy mạnh. Cụ thể: C4G (CIENCO4), CII (Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM), HHV (Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả) là các DN nổi bật trong lĩnh vực hạ tầng; KSB (Khoáng sản Xây dựng Bình Dương), DHA (Công ty CP Hóa An), C32 (Công ty CP CIC39) trong ngành nghề đá xây dựng; HT1 (Xi măng VICEM Hà Tiên), BCC (Xi măng VICEM Bỉm Sơn) trong lĩnh vực xi măng; PLC (Petrolimex) trong mảng nhựa đường hoặc thậm chí các DN sản xuất thép như HPG (Hòa Phát) có thể được hưởng lợi.

Năm 2021 đã trôi qua, đánh dấu một năm đầy sôi động của thị trường chứng khoán với việc các kỷ lục về thanh khoản, dự nợ cho vay margin hay số lượng tài khoản mở mới liên tục “vượt đỉnh”. Nhà đầu tư hãy cùng chờ đón năm 2022 với những kỳ vọng phục hồi - tăng trưởng của nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng, đặc biệt đối với các cổ phiếu dòng BĐS và VLXD.

Diệu Anh

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại