menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thái Thủy

"Sức khỏe" 3 đại gia phố núi suy yếu, cổ phiếu ra sao?

Đã có thời Hoàng Anh Gia Lai, Đức Long Gia Lai và Quốc Cường Gia Lai “vang danh” không chỉ ở Tây Nguyên mà còn mở rộng sức ảnh hưởng ra cả nước. Tuy nhiên, sau những năm tháng rực rỡ, “sức khỏe” bộ ba đại gia phố núi đều suy yếu dần.

Khởi nghiệp từ phố núi Gia Lai, 3 đại gia trên đều có xuất phát điểm từ kinh doanh gỗ, kế đến là bất động sản, và bộ ba doanh nghiệp phố núi Gia Lai đều từng chạm tay vào vinh quang trước khi đối diện với bức tranh kinh doanh xám màu trong những năm gần đây.

Vật lộn với những khoản lỗ

Hoàng Anh Gia Lai (HAG) là doanh nghiệp gắn với tên tuổi doanh nhân Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức). Sau giai đoạn đỉnh cao, doanh nghiệp này không tránh khỏi những khó khăn từ cuộc suy thoái kinh tế hồi năm 2008. Từ năm 2012 trở đi, bầu Đức từng bước thoái vốn khỏi bất động sản (khi đó thị trường đang suy thoái), bán dần các quỹ đất là thế mạnh của công ty để dốc toàn lực phát triển nông nghiệp tại Lào và Campuchia. Song, nông nghiệp sau đó thua lỗ nhiều năm vì nhiều lý do về thị trường, đồng thời lại luôn chịu áp lực xử lý nợ.

Giai đoạn 2015-2016, nợ vay của Hoàng Anh Gia Lai vượt mức 27.000 tỷ đồng. Trong nhiều năm sau đó, công ty luôn gặp vấn đề về dòng tiền kinh doanh và nợ vay/tổng tài sản chiếm tỷ trọng lớn 40-50%.

Một trong những biện pháp cải thiện dòng tiền cho doanh nghiệp là bầu Đức chọn bán công ty con - Công ty Nông nghiệp HAGL (HAGL Agrico) cho tỷ phú Trần Bá Dương (Thaco).

Tại thời điểm 31/3/2024, Hoàng Anh Gia Lai có tổng dư nợ vay là 7.816,4 tỷ đồng, bằng 111% vốn chủ sở hữu.

Còn tại Quốc Cường Gia Lai (QCG), sau giai đoạn thăng hoa, bức tranh ảm đạm bao trùm lên tình hình kinh doanh chung của doanh nghiệp này. Lũy kế cả năm 2023, Quốc Cường Gia Lai ghi nhận doanh thu thuần đạt 432 tỷ đồng, giảm còn 1/3 so với năm trước. Đây là mức doanh thu thấp nhất trong vòng 6 năm trở lại. Lợi nhuận gộp cũng lao dốc mạnh khi chỉ đạt 83 tỷ đồng, giảm 40% so với mức 137 tỷ của năm trước. Sau trừ đi tất cả chi phí, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt hơn 10 tỷ đồng - mức thấp nhất trong vòng một thập kỷ qua.

Tới quý I/2024, tình hình doanh thu của Quốc Cường Gia Lai vẫn chưa đạt kỳ vọng. Doanh thu thuần chỉ đạt 39 tỷ đồng, giảm 77% so với cùng kỳ và lãi ròng chỉ đạt gần 1,4 tỷ đồng.

Trong khi đó, vào thời kỳ hoàng kim những năm 2015-2016, Đức Long Gia Lai có doanh thu khoảng gần 3.000 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, từ năm 2021, nguồn thu liên tục lao dốc, đỉnh điểm năm 2022 và 2023, đại gia phố núi này lỗ lần lượt 1.197 tỷ đồng và 578 tỷ đồng.

Kết thúc quý I/2024, theo báo cáo tài chính, Đức Long Gia Lai đạt doanh thu thuần hơn 266 tỷ đồng, lãi sau thuế đạt hơn 35 tỷ đồng. Tuy vậy, lỗ lũy kế tính đến hết tháng 3/2024 là 2.636 tỷ đồng, nợ phải trả là 4.455 tỷ đồng, gấp gần 8 lần vốn chủ sở hữu.

Đáng chú ý, Đức Long Gia Lai cũng bán sạch vốn góp tại Công ty TNHH Mass Noble Investments Limited (Mass Noble) – công ty đang tạo ra doanh thu chính cho doanh nghiệp này.

Không chỉ vậy, hơn một năm qua, Đức Long Gia Lai đã 2 lần bị yêu cầu mở thủ tục phá sản. Trong lần thứ hai, Lilama 45.3 đòi mở thủ tục phá sản với Đức Long Gia Lai liên quan đến khoản nợ có phần gốc gần 14,8 tỷ đồng và lãi chậm thanh toán gần 2,4 tỷ đồng. Trước đó, tháng 7/2023, doanh nghiệp này cũng nộp yêu cầu trên.

Cổ phiếu lao dốc cùng kết quả kinh doanh

Cùng với kết quả kinh doanh ảm đạm, trên sàn chứng khoán, ngoại trừ cổ phiếu HAG thì 2 cổ phiếu còn lại là QCG và DLG đều giao dịch dưới mệnh giá, thậm chí thị giá cổ phiếu DLG "không bằng một cốc trà đá”.

Ngược thời gian, thời đỉnh cao, cổ phiếu HAG niêm yết trên HoSE từng giúp bầu Đức trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Cổ phiếu này đã đạt được mức giá kỷ lục khoảng 40.000 đồng/cp (giá đã điều chỉnh) giai đoạn 2009-2010.

Tuy nhiên, kinh doanh “cài số lùi” đã đẩy thị giá cổ phiếu dần đi xuống và có thời điểm suýt bị hủy niêm yết do kinh doanh lỗ 3 năm liên tiếp.

Cổ phiếu HAG đã vào diện cảnh báo từ 11/10/2022 do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến 31/12/2021 là số âm. Hiện, cổ phiếu đang dừng ở mức giá 11.750 đồng/cp.

Tương tự, trong giai đoạn đầu khi mới lên sàn, kết quả kinh doanh tích cực giúp thị giá cổ phiếu QCG tăng nhanh, đưa CEO Nguyễn Thị Như Loan - Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai nhiều lần nằm trong nhóm những người phụ nữ giàu nhất sàn chứng khoán.

Dù vậy, nhắc đến cổ phiếu QCG, nhiều nhà đầu tư cũng tỏ ra quan ngại vì cổ phiếu này được đánh giá có tính đầu cơ cao, nhiều thời điểm tăng trần nhưng sau đó lập tức có thể “chìm nghỉm” dưới đáy.

QCG từng lập đỉnh lịch sử khi giao dịch vượt mốc 30.000 đồng/cp vào giữa năm 2017 cùng những tin đồn về thương vụ chuyển nhượng dự án khu dân cư Phước Kiển và rồi lại “hạ nhiệt” chóng vánh.

Trong giai đoạn nửa cuối năm 2021, giữa năm 2023..., cổ phiếu QCG cũng xuất hiện nhiều đợt "sóng". Và rồi kịch bản lặp lại khi giá cổ phiếu sau tăng “nóng” thì vội vã quay đầu.

Năm 2024, cơn sốt giá cổ phiếu QCG lại "ập" đến trong bối cảnh tòa án buộc Quốc Cường Gia Lai trả lại cho bà Trương Thị Mỹ Lan liên quan đến vụ tranh chấp với Sunny Island (công ty trong hệ sinh thái của Vạn Thịnh Phát). Với nhiều phiên tăng sốc sau khi có phán quyết từ tòa, thị giá QCG đã được đẩy lên mốc 18.000 đồng/cp, cao nhất trong vòng 7 tháng kể từ giữa tháng 9/2023 rồi lại quay đầu điều chỉnh.

Cho đến gần đây, cổ phiếu QCG liên tục duy trì chuỗi giảm điểm, đỉnh điểm là sau khi CEO Nguyễn Thị Như Loan vướng lao lý. Ngày 19/7/2023, bà Loan bị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) bắt tạm giam về hành vi Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự.

Phiên 25/7, cổ phiếu QCG tiếp tục nằm sàn phiên thứ 5 liên tiếp trong tình trạng mất thanh khoản về mức 6.800 đồng/cp - mức thấp nhất trong vòng một năm qua. Tính trong 10 phiên giảm điểm gần đây, cổ phiếu QCG có tới 6 phiên giảm sàn, mất hơn 40,3% giá trị.

Về cổ phiếu DLG, kể từ khi được giao dịch trên sàn HoSE, giá cổ phiếu DLG trải qua các giai đoạn biến động mạnh mẽ với biên độ dao động lớn. Sau khi đạt mức giá cao nhất là 23.580 đồng/cp vào 5/5/2011 (tính theo giá điều chỉnh), giá cổ phiếu DLG có xu hướng giảm, đặc biệt lao dốc rất mạnh trong năm 2012. Sau khi hồi phục trong năm 2014, giá cổ phiếu DLG tiếp tục xu hướng giảm trong thời gian dài.

Mặc dù có thời điểm vào “sóng” tăng giá nhưng đến nay, thị giá cổ phiếu này vẫn lẹt đẹt dưới mức giá “trà đá”. Chốt phiên 25/7, cổ phiếu DLG giảm về mức 1.790 đồng/cp, nhỉnh hơn chút ít so với mức giá thấp nhất là 1.300 đồng/cp vào 19/11/2020 (tính theo giá điều chỉnh).

Hiện, cổ phiếu DLG đang trong diện kiểm soát. Nguyên nhân là lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính kiểm toán trong 2 năm gần nhất (2022-2023) của tổ chức niêm yết là số âm, thuộc diện chứng khoán bị kiếm soát theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 38 Quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành kèm theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31/3/2022 của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Mã liên quan
Giá
Biểu đồ

6.33

-0.47 (-6.91%)

Biểu đồ mã QCG

12.05

+0.30 (+2.55%)

Biểu đồ mã HAG
Xem thêm Xem thêm
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả