24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hồ Anh Tài
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

'Siêu chu kỳ hàng hóa', Masan High - Tech Materials có tận dụng được cơ hội?

Masan High - Tech Materials ban đầu mua lại phần vốn góp dự án Núi Pháo của Dragon Capital

Vonfram là một loại nguyên liệu có nhiều ứng dụng hữu ích trong cuộc sống của con người với đặc tính nhiệt độ nóng chảy cao nhất trong các kim loại, độ bèn kéo cao nhất trong các nguyên tố và khả năng chống ăn mòn tốt. Trong suốt hơn 100 năm qua, vonfram được ứng dụng trong bóng đèn sợi đốt. Ngày nay, kim loại này là một nguyên liệu quan trọng được sử dụng trong nhiều lĩnh vực như thiết bị điện tử, quân sự và công nghiệp ô tô.

Việt Nam sở hữu một mỏ đa kim chứa hàm lượng vonfram lớn nằm ở Núi Pháo, tỉnh Thái Nguyên. Núi Pháo được Tiberon Minerals, một công ty của Canada, phát hiện trong những năm 1990. Sau một giai đoạn dài thực hiện khảo sát, đánh giá chất lượng và hàm lượng quặng, lập dự án tiền khả thi, đến năm 2004, Tiberon Minerals được cấp phép đầu tư.

Nhưng vào cuối năm 2006, theo Bloomberg, Tiberon Materials đã bán lại sở hữu mỏ cho Dragon Capital với giá 225 triệu USD. Tại thời điểm này, việc đền bù giải tỏa mới chỉ được bắt đầu. Để triển khai tiếp dự án này, Dragon Capital cần có một nguồn tài chính lớn. Tuy nhiên, việc thu xếp vốn để triển khai tiếp dự án lại gặp khó khăn bởi năm 2008 kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng và giá các loại khoáng sản giảm mạnh.

Đến lúc này, Masan Group (HoSE: MSN), ông lớn ngành hàng tiêu dùng, bất ngờ đứng ra mua lại phần vốn góp của Dragon Capital ở Núi Pháo trong một giao dịch không dùng tiền mặt. Quỹ tỷ đô khi đó nhận được quyền chọn mua cổ phần của Masan Group. Hoán đổi cổ phần là một chiến lược mà Masan Group dùng khi có thương vụ M&A lớn. Năm 2019, công ty đã nhận 83,74% cổ phần của Vincommerce (nay là Wincommerce) đổi lấy quyền chọn nhận cổ phần của TheCrownX (sở hữu Wincommerce và Masan Consumer Holdings).

Masan Group dường như nhìn được thấy cơ hội của vonfram và các loại khoáng sản. Chủ tịch Masan Group ông Nguyễn Đăng Quang dự kiến doanh thu hàng năm của Masan High - Tech Materials (MHT - UPCoM: MSR) - công ty vận hành dự án Núi Pháo - vào khoảng 400 triệu USD (khoảng 7.400 tỷ đồng theo tỷ giá USD/VND đầu năm 2010) trong giai đoạn ổn định. EBITDA hàng năm dự kiến từ 250 triệu USD đến 300 triệu USD (tương đương 4.625 tỷ đồng đến 5.550 tỷ đồng).

Cơ hội tối ưu chi phí giá vốn cũng là rất lớn bởi mỏ Núi Pháo là mỏ lộ thiên nên tỷ lệ bóc đất thấp. Báo cáo của Chứng khoán APEC cho rằng, công ty vận hành dự án Núi Pháo sẽ trở thành một trong những công ty sản xuất vonfram có chi phí rẻ nhất thế giới, chỉ bằng 1/10 lần so với mỏ trong lòng đất. Điều này sẽ giúp cho công ty chịu được mọi biến động của giá.

Dù có những triển vọng, rủi ro tài chính là chi phí phát triển tiếp dự án là rất lớn. Từ khi mua lại dự án từ Dragon Capital cho đến khi đi vào hoạt động sản xuất thương mại, MHT đã nhận được khoản vay lớn từ các đối tác: 200 triệu USD từ các ngân hàng trong nước và 80 triệu USD từ ngân hàng Standard Chartered.

Masan High - Tech Materials kinh doanh ra sao khi bắt đầu sản xuất thương mại?

Công ty đã ký kết hợp đồng bao tiêu với H.C.Starck, 5N Plus Inc và CMC Cometal cho vonfram và khoáng sản khác như florit và bismut. Đồng thời, đơn vị này thành lập liên doanh với H.C.Starck để chế biến khoáng sản. MHT khi bắt đầu được thành lập và sản xuất thương mại được kỳ vọng sẽ phá thế độc quyền của Trung Quốc trong mảng vonfram và đóng góp được nhiều lợi nhuận cho tập đoàn Masan.

Thực tế, công ty gặp nhiều bất lợi khi tham gia vào thị trường cung cấp vonfram, dù có được lợi thế mỏ lộ thiên. Giá của vonfram ở trong xu hướng giảm cho đến năm 2017. Báo cáo của chứng khoán APEC cho rằng nhu cầu về volfram giai đoạn này không có động lực tăng trưởng khi các ngành tiêu thụ chính là thép và ô tô có dấu hiệu chững với mức tăng trưởng thấp hơn 3%. Ngoài ra, nguồn cung vonfram gia tăng bởi các mỏ mới ở Australia, Anh và Tây Ban Nha đi vào hoạt động. Lượng vonfram tái chế ngày càng gia tăng do nguồn cung khoáng sản về dài hạn có hạn chế.

'Siêu chu kỳ hàng hóa', Masan High - Tech Materials có tận dụng được cơ hội?
Biểu đồ giá Tungsten APT (muối Amoni và Vonfram). Nguồn: MarketCap

MHT đã có chiến lược để đối phó với điều này. Mặc dù giá hàng hóa liên tục giảm, doanh thu của công ty liên tục tăng trưởng nhờ tăng sản lượng (trước khi chững lại và giảm trong năm 2019 do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung) và chiến lược cao cấp hóa sản phẩm để tăng giá bán. Tuy nhiên, doanh thu chưa đạt được kỳ vọng ban đầu của ban lãnh đạo từ khi hoạt động cho đến năm 2019. Công ty chỉ đạt được mục tiêu khi hợp nhất nền tảng kinh doanh của H.C.Starck năm 2020.

'Siêu chu kỳ hàng hóa', Masan High - Tech Materials có tận dụng được cơ hội?
Đơn vị: tỷ đồng

Như đã đề cập ở trên, rủi ro về chi phí của MHT là tương đối lớn bởi chi phí lãi từ các khoản vay. Để so sánh, ngay trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, chi phí lãi vay là 589 tỷ đồng trong khi lợi nhuận gộp đạt 739 tỷ đồng. Năm 2015, chi phí lãi vay là 706 tỷ đồng trong khi lợi nhuận gộp đạt 763 tỷ đồng. Chi phí lãi vay chiếm đa số các chi phí hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (bao gồm chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp).

'Siêu chu kỳ hàng hóa', Masan High - Tech Materials có tận dụng được cơ hội?
Đơn vị: tỷ đồng

Lợi nhuận khác và doanh thu tài chính thường là “cứu cánh” của MHT để tránh cho công ty thua lỗ. Năm 2014, công ty có một khoản lợi nhuận khác đạt 226 tỷ. Ngay trong năm sau, doanh thu tài chính 555 tỷ đồng đã góp phần giúp cho công ty thành viên của tập đoàn Masan tránh lỗ. Với áp lực chi phí cao, biên lợi nhuận sau thuế của MHT đạt trung bình 4,1% trong giai đoạn từ năm 2014-2021.

Cơ hội của nhà chế biến khoảng sản

Năm 2020 đánh dấu một sự kiện lớn của MHT khi công ty hợp nhất nền tảng kinh doanh với H.C.Starck để vươn ra toàn cầu. Thương vụ này là bước đi chiến lược của MHT để đi sâu vào chuỗi giá trị và phục vụ cho tầm nhìn trở thành nhà cung cấp vật liệu cao cho các công ty trên toàn thế giới. Cũng trong năm này, MHT làm đối tác chiến lược với Mitsubishi Materials Corporation sau khi bán 10% vốn cho công ty này.

Giá vonfram đã tăng mạnh trở lại từ năm 2021 cho đến hiện tại bởi cuộc xung đột Nga – Ukraina và nền kinh tế phục hồi. Nguồn cung khan hiếm, hàng tồn kho ở mức thấp, khiến giá APT (quặng vonfram đã được xử lý và tách ra, dạng hóa học - ammonium paratungstate) giao ngay tại châu Âu luôn ở mức cao. Giá châu Âu đối với APT có hàm lượng vonfram trioxit 88,5% đã tăng gần 39% kể từ đầu năm 2021 lên mức 320-325 USD/mtu vào đầu tháng 12/2021, báo cáo triển vọng của Argus Analytics cho biết.

Ngoài ra, nhu cầu về xe điện lớn dần giúp cho MHT hưởng lợi khi vonfram được ứng dụng trong công nghệ sản xuất pin. Theo Cơ quan năng lượng quốc tế IEA, nếu như vào năm 2012, số lượng xe điện bán ra trên toàn cầu chỉ có 120.000 chiếc thì chỉ gần 10 năm sau, số lượng đã tăng lên thành 6,6 triệu xe và gấp đôi năm trước đó. Với 2 động lực này, công ty chứng khoán Mirae Asset nhận định giá vonfram còn có thể trở lại đỉnh năm 2011, giúp cải thiện kết quả kinh doanh của MHT.

Cơ hội đi vào thị trường Mỹ của MHT cũng lớn hơn bởi Trung Quốc đang giảm dần xuất khẩu vonfram vào Mỹ, theo báo cáo tổng kết hàng hóa khoáng sản năm 2019 của Cục Địa chất Hoa Kỳ.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
80.90 +0.60 (+0.75%)
13.20 +0.60 (+4.76%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả