SBS trình phương án đổi tên, tăng vốn hơn gấp đôi và chuyển trụ sở
Sacombank – SBS xây dựng kế hoạch làm mới toàn diện từ đổi tên, chuyển trụ sở đến tăng vốn khủng.
Đổi tên, tăng vốn khủng, chuyển sàn
Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2022, ban lãnh đạo Công ty Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - SBS, UPCoM: SBS) hé lộ kế hoạch làm mới công ty và tăng vốn mạnh.
Cụ thể, căn cứ tình hình thực tế hoạt động, định hướng mới, HĐQT trình việc đổi tên và địa điểm trụ sở chính của công ty. Chi tiết cụ thể chưa được tiết lộ và HĐQT đề nghị cổ đông ủy quyền quyết định tên công ty phù hợp với chiến lược phát triển lâu dài, bền vững kể từ 2022, cũng như lựa chọn địa chỉ trụ sở chính mới.
Đồng thời, lãnh đạo công ty đưa ra phương án phát hành riêng lẻ 150 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược. Cổ phiếu phát hành riêng lẻ bị hạn chế chuyển nhượng tối thiểu 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và 1 năm với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Vốn điều lệ doanh nghiệp dự kiến gấp 2,1 lần từ 1.267 tỷ đồng lên 2.767 tỷ đồng. Với giá chào bán 10.000 đồng/cp, công ty kỳ vọng thu 1.500 tỷ đồng bổ sung cho hoạt động môi giới chứng khoán, giao dịch ký quỹ, tự doanh…
Ban lãnh đạo xác định, trong năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ về quy mô và thanh khoản, thu hút nhiều nhà đầu tư mới tham gia thị trường, mở ra nhiều cơ hội phát triển cho các công ty chứng khoán. Hướng tới mục tiêu nắm bắt các cơ hội tăng trưởng, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp cùng ngành, việc tăng nguồn lực vốn để đáp ứng các yêu cầu nêu trên là nhu cầu tất yếu.
Ngoài ra, sau khi phát hành riêng lẻ thành công, HĐQT muốn cổ đông thông qua phương án niêm yết mã cổ phiếu SBS trên Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE). Thời gian dự kiến thực hiện việc chuyển sàn trong giai đoạn 2023-2024 ngay sau khi đáp ứng đầy đủ các quy định chuyển sàn của UBCK, HoSE và các quy định pháp luật có liên quan.
Cổ đông lâu năm dần rút vốn
Bên cạnh kế hoạch “lột xác” thì cơ cấu cổ đông của SBS cũng có sự thay đổi đáng kể. Bà Hà Thị Thu Hồng, cổ đông lớn lâu năm liên tục bán ra cổ phiếu SBS từ đầu năm đến nay, giảm dần tỷ lệ sở hữu từ 19,49%. Ngày 21/2 vừa qua, bà chính thức không còn là cổ đông lớn của công ty sau khi bán xong hơn 10,4 triệu cổ phiếu SBS còn lại.
Một cổ đông lâu năm khác, bà Lưu Thị Lợi bán toàn bộ 21 triệu cổ phiếu SBS, tương đương tỷ lệ sở hữu gần 16,5% vốn trong tháng 11/2021. Theo thông báo giao dịch gần nhất, bà Lợi bán ra 6 triệu cổ phiếu giảm sở hữu về 3 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ 2,37% vốn và không còn cổ đông lớn kể từ 10/11.
Cuối cùng, Sacombank (HoSE: STB) có chủ trương thoái toàn bộ vốn tại Chứng khoán SBS để cơ cấu lại các khoản đầu tư không hiệu quả và gia tăng nguồn thu. Sacombank từng là ngân hàng mẹ nắm giữ 65% vốn SBS nhưng thoái dần vốn và giảm sở hữu xuống 20,2 triệu đơn vị, tỷ lệ 15,96% vốn SBS.
Cổ phiếu SBS hiện giao dịch vùng giá 13.500 đồng/cp, gần như đi ngang kể từ đầu năm.
Còn nhiều khó khăn
Chứng khoán SBS được thành lập từ 2006, từng nằm trong top 5 thị phần môi giới tại HoSE, là công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất thị trường trong năm 2007 và đơn vị đi đầu trong việc mở rộng hoạt động ra nước ngoài khi lập công ty con tại Lào, Campuchia, Singapore.
Tuy nhiên, SBS không duy trì được vị thế của mình, hoạt động kinh doanh dần sa sút kể từ 2011 và hầu như không có điểm nhấn đáng kể trên thị trường chứng khoán trong nhiều năm qua. Lợi nhuận các năm qua chỉ vỏn vẹn vài trăm triệu đồng, riêng năm 2021 tăng vọt lên 7,6 tỷ đồng nhờ bối cảnh chung thuận lợi của thị trường.
Tính đến cuối năm 2021, doanh nghiệp vẫn còn khoản lỗ lũy kế lớn 1.301,4 tỷ đồng, lớn hơn vốn điều lệ 1.267 tỷ đồng.
Tổng tài sản ghi nhận 745,8 tỷ đồng, tăng thêm hơn 181 tỷ đồng so với đầu năm 2021. Riêng các khoản cho vay là 612 tỷ đồng, gồm hỗ trợ giao dịch chứng khoán cho nhà đầu tư 440 tỷ đồng và ứng trước tiền bán cho nhà đầu tư 171,5 tỷ đồng.
Với năm 2022, ban lãnh đạo đề ra mục tiêu doanh thu thuần khoảng 250 tỷ đến 350 tỷ đồng, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh 50 tỷ đến 100 tỷ đồng. Chưa thực hiện chia cổ tức và phân phối các quỹ trong năm 2022.
Kế hoạch kinh doanh dự trên điều kiện VN-Index đạt từ 1.600 đến 1.700 điểm. Ban Điều Hành xác định nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian sắp tới là nhân lúc thị trường đang trên đà tăng trưởng, tích cực tăng cường nhân lực và mở rộng mạng lưới kinh doanh, tìm kiếm thêm nguồn thu; cải tiến sản phẩm và dịch vụ hiện có, phát triển sản phẩm mới và quản lý hỗ trợ giao dịch; đẩy mạnh số lượng cộng tác viên; đảm bảo an toàn trong tất cả các mặt hoạt động.
Trong bối cảnh các công ty chứng khoán đều tăng cường năng lực từ nguồn vốn, quản trị đến công nghệ để bắt kịp sự phát triển của thị trường thì kế hoạch “lột xác” của SBS gặp rất nhiều thách thức, đặc biệt là khi đơn vị còn khoản lỗ lũy kế lớn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường