Sacombank sẽ bán 32,5% cổ phần tại VAMC cho nước ngoài
Báo cáo cập nhật về Sacombank (STB), Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết, đặt mục tiêu có thể tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC ngay trong 2023 thông qua hai phương án.
KBSV cho hay, Sacombank có kế hoạch bán đấu giá 32,5% cổ phần của ngân hàng cho đối tác nước ngoài và xử lý khoản nợ được đảm bảo bằng Khu công nghiệp Phong Phú để tất toán toàn bộ nợ xấu tại VAMC.
Cụ thể, Sacombank bán đấu giá 32,5% cổ phần đang được VAMC quản lý, ban lãnh đạo ngân hàng cho biết giá bán phải từ 32.000 - 34.000 đồng/cổ phiếu mới có thể xử lý toàn bộ VAMC và đấu giá 18 khoảng nợ được đảm bảo bằng Khu công nghiệp Phong Phú, dư nợ gốc và lãi là khoảng 16.000 tỷ đồng.
Số cổ phần đấu giá nói trên dự kiến sẽ được rao bán cho đối tác nước ngoài trong năm 2023. Giá trị khoản nợ này là khoảng 10.000 tỷ đồng tương ứng mức giá chào bán là khoảng 18.000 - 19.000 đồng/cổ phiếu.
Với 18 khoản nợ được đảm bảo bằng Khu công nghiệp Phong Phú, sau nhiều lần đấu giá không thành công, Sacombank đã phải giảm giá khởi điểm của khoản nợ đấu giá xuống còn khoảng 8.640 tỷ đồng, tương đương 53% tổng dư nợ. Nhóm phân tích KBSV kỳ vọng ngân hàng có thể thu hồi được ít nhất 5.134 tỷ đồng dư nợ gốc vào cuối năm nay.
Trước đó, năm 2015, bảng cân đối của Sacombank xuất hiện một khoản nợ xấu tương đối lớn từ việc sát nhập Ngân hàng Phương Nam. Số dư nợ xấu tăng gấp 7 lần cùng kỳ, đạt 10.778 tỷ đồng, bên cạnh đó còn khoảng 34 nghìn tỷ đồng nợ cần xử lý (được để trong nhóm 1). Ngân hàng đã bán khoảng 43.000 tỷ đồng cho VAMC và giữ lại một phần nợ xấu để xử lý.
Ngân hàng đã có những nỗ lực đáng khích lệ trong việc xử lý nợ xấu theo đề án tái cơ cấu mà nhờ đó tính đến cuối năm 2021 nợ xấu theo Đề án giảm mạnh xuống chỉ còn khoảng 1.689 tỷ đồng (được ghi nhận trên nhóm 5) và dư nợ trái phiếu VAMC theo đề án còn khoảng 17.000 đồng.
Trong 9 tháng 2022, Sacombank đã hoàn thành việc trích lập dự phòng và được loại bỏ toàn bộ nợ xấu theo Đề án ra khỏi bảng cân đối. Các khoản nợ này sẽ tiếp tục được xử lý ngoại bảng và được kỳ vọng có những khoản hoàn nhập dự phòng.
Theo bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc Sacombank, đến nay, Ngân hàng đã xử lý được trên 76.000 tỷ đồng nợ xấu...từ các khoản nợ xấu và tài sản tồn đọng, đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng giảm xuống còn 0,86% đến cuối tháng 9/2022.
Bà Diễm cho hay, đó là sự nỗ lực rất lớn của ban điều hành cũng như sự chỉ đạo của NHNN, Chính phủ. Với tốc độ này, dự kiến vào năm 2023 chúng tôi sẽ hoàn thành tái cấu trúc.
Trong báo cáo cập nhật mới phát hành của KBSV cũng cho biết Sacombank đang rất gần mục tiêu xử lý toàn bộ nợ xấu tại VAMC.
Bên cạnh đó, khoảng 5.000 tỷ đồng dự phòng trái phiếu VAMC cũng đã được trích lập nâng tỷ lệ bao phủ dự phòng VAMC từ 26% cuối 2021 lên mức 50% vào cuối quý 3/2022.
Tuy nhiên, KBSV cũng không loại trừ khả năng bán đấu giá tài sản không khả quan dẫn đến việc Sacombank tiếp tục đẩy mạnh trích lập dự phòng VAMC trong năm 2023 từ nguồn thu từ lãi đã được cải thiện. Khi đó tăng trưởng lợi nhuận sẽ vượt trội hơn cho năm 2024.
Tính đến hết quý III/2022, Ngân hàng tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định với tổng tài sản của Sacombank đạt gần 564.200 tỷ đồng, tăng 8,3% so với đầu năm; tổng huy động đạt 502.535 tỷ đồng, tăng 8,2% so với đầu năm; dư nợ tín dụng đạt hơn 421.000 tỷ đồng, tăng 8,4% so với đầu năm; tỷ lệ nợ xấu 0,86%.
Lợi nhuận trước thuế đạt 4.440 tỷ đồng, hoàn thành 84,1% kế hoạch, trong đó tỷ trọng thu ngoài lãi là 39,4%. Để đạt được kết quả tăng trưởng trong những năm qua, Sacombank cũng đã nỗ lực để xử lý được tồn đọng trong thời kỳ hậu sáp nhập.
Trên thị trường chứng khoán, kết phiên ngày 2/12, giá cổ phiếu STB của Sacombank đứng ở mức 20.850 đồng/cổ phiếu, tăng nhẹ so với cuối tháng 11/2022.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận