Quỹ Tundra: Nhà đầu tư trong nước đã hỗ trợ thị trường giữa lúc khối ngoại bán ròng
Nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 135 triệu USD cổ phiếu Việt trong tháng 8/2019, chủ yếu là các cổ phiếu vốn hóa lớn như HPG, VJC, SSI… Thị trường được hỗ trợ bởi giao dịch của nhà đầu tư trong nước, với niềm tin Việt Nam sẽ hưởng lợi từ việc các doanh nghiệp Mỹ rời khỏi Trung Quốc, Tundra nhận định.
Trong tháng 8/2019, NAV/ccq (giá trị tài sản ròng trên mỗi chứng chỉ quỹ) của Tundra Vietnam Fund tăng trưởng 3% (xét bằng đồng SEK), trong khi chỉ số tham chiếu FTSE Vietnam TR (SEK) chỉ tăng trưởng 1.4%.
Thành tích hoạt động của Tundra
Nguồn: Tundra
Các thương vụ mà Tundra đặt cược bên ngoài chỉ số tham chiếu (không thuộc rổ cổ phiếu FTSE Vietnam TR) ở các lĩnh vực hàng tiêu dùng không thiết yếu (DRC, PNJ), công nghệ thông tin (FPT) và bất động sản (DXG, LDG) là những yếu tố chính đóng góp vào thành tích tích cực của Quỹ.
Trong tháng 8/2019, Tundra có vẻ đã tiến hành giải ngân thêm tiền mặt vào các khoản đầu tư. Cụ thể, tỷ trọng tiền và tương đương tiền trong quỹ giảm từ mức 3% vào cuối tháng 7 xuống mức 1% vào cuối tháng 8.
Cơ cấu phân bổ tài sản trong danh mục Tundra vào cuối tháng 8/2019
Nguồn: Tundra
Cùng với đó, tỷ trọng của các khoản đầu tư lớn của Tundra cũng có những thay đổi đáng chú ý trong tháng 8/2019. Trong đó, nổi bật là FPT vươn lên trở thành khoản đầu tư lớn nhất, chiếm 8.5% danh mục vào cuối tháng 8 từ mức 6.9% vào cuối tháng 7; tỷ trọng VIC được nâng lên mức 5.9% (trở thành khoản đầu tư lớn thứ ba) từ mức 5.3%. Các khoản đầu tư được nâng tỷ trọng đáng kể còn có MSN và VHM.
Chiều ngược lại, tỷ trọng của các khoản đầu tư lớn VCB, VRE và VNM trong danh mục Quỹ này đã giảm đáng kể trong tháng 8 vừa qua.
Danh sách 10 khoản đầu tư lớn nhất của Tundra vào cuối tháng 8/2019…
… và cuối tháng 7/2019
Nguồn: Tundra
Ngoài ra, Tundra cũng cho biết đã tiến hành thoái vốn đối với các khoản đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp (PC1) và tài chính (HDB) trong tháng 8/2019.
Bây giờ, xét cụ thể một số khoản đầu tư của Tundra, cổ phiếu FPT tăng giá tích cực trong tháng 8 khi doanh nghiệp vừa ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận lên đến 29% (so với cùng kỳ) trong 7 tháng đầu năm 2019, nhờ kết quả khả quan của lĩnh vực gia công phần mềm. Cổ phiếu DXG tăng tốt trong tháng 8/2019 nhờ doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh tốt hơn dự báo, và cũng vì giá cổ phiếu này đã giảm trong những tháng trước đó sau đợt phát hành cổ phiếu mới. Dù vậy, cả FPT và DXG vẫn chưa phải là cổ phiếu trong danh mục Tundra tăng giá mạnh nhất vào tháng 8/2019, mà chính là KDF.
Các cổ phiếu (Tundra sở hữu) có thị giá tăng mạnh nhất trong tháng 8/2019
Nguồn: Tundra
Theo đó, cổ phiếu KDF đạt thành quả tốt nhờ doanh nghiệp có lợi nhuận cao trong 7 tháng đầu 2019. Đồng thời, việc doanh nghiệp này mua lại cổ phiếu quỹ đi kèm khả năng cổ phiếu sẽ được niêm yết lên HOSE vào cuối năm 2019 là những thông tin hỗ trợ tích cực.
Những “thủ phạm” kéo lùi thành tích của Tundra trong tháng 8 vừa qua là nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu (HSG, HT1), nhóm tài chính (SSI, VND) và bất động sản (VIC). Nhưng nếu xét khía cạnh thị giá giảm mạnh nhất thì PAC mới là cổ phiếu đứng đầu.
Các cổ phiếu (Tundra sở hữu) có thị giá giảm mạnh nhất trong tháng 8/2019
Nguồn: Tundra
Trong tháng 8/2019, Vingroup thông báo sẽ bước vào ngành hàng không với cái tên Vinpearl Airline. Hãng hàng không này bày tỏ nguyện vọng sẽ thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên vào giữa năm 2020, khởi đầu với 6 tàu bay. Là một đơn vị dẫn đầu trong ngành du lịch, Vingroup cho thấy mong muốn phát triển dựa trên việc tận dụng nền tảng từ những tài sản đã xây dựng được và các hoạt động bán chéo, Tundra nhận định.
Thị trướng chứng khoán tháng 8: Ngoại xuất thì nội tiếp ứng
Theo Tundra, thị trường chứng khoán Việt Nam mang tâm lý tiêu cực giữa bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang với các đòn thuế mới.
Nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 135 triệu USD cổ phiếu Việt Nam trong tháng 8/2019, chủ yếu là các cổ phiếu vốn hóa lớn như HPG, VJC, SSI… Thị trường được hỗ trợ bởi giao dịch của nhà đầu tư trong nước, với niềm tin Việt Nam sẽ hưởng lợi từ việc các doanh nghiệp Mỹ rời khỏi Trung Quốc. Các công ty thông báo mua cổ phiếu quỹ (như KDF, VPB, HDB, VJC) cũng góp phần khuấy động tâm lý nhà đầu tư. Thanh khoản thị trường cải thiện trong tháng 8 vừa qua, cụ thể, giá trị giao dịch trung bình hàng ngày đã tăng lên mức 197.5 triệu USD.
Theo quy tắc mới vừa được ban hành gần đây, các công ty quản lý tài sản trong nước có thể khởi tạo các quỹ ETF dựa trên nhóm cổ phiếu đã đạt tới giới hạn về sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (còn gọi là nhóm cổ phiếu FOL). Nhờ đó, khối ngoại có thêm cách thức để đầu tư vào những doanh nghiệp mà trước đây họ không thể hoặc phải trả cái giá quá cao khi mua lại từ những cổ đông nước ngoài khác.
Diễn biến trên được các bên tham gia thị trường hoan nghênh và kỳ vọng sẽ gia tăng nhu cầu của giới đầu tư về việc rót tiền vào những cổ phiếu FOL. Hiện tại, khoảng 19% tỷ trọng danh mục của Tundra nằm ở nhóm cổ phiếu FOL.
Tundra cho biết Bộ Chính trị Việt Nam lần đầu ban hành nghị quyết về thu hút vốn FDI với định hướng chỉ thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực chọn lọc, đồng thời phải có giá trị gia tăng cao, liên kết với chuỗi cung ứng toàn cầu, áp dụng công nghệ tiên tiến và thân thiện với môi trường. Chính phủ được cho là nên tránh các dự án chất lượng thấp và xét đến vấn đề an ninh quốc gia trong việc cấp phép hoạt động, khi các công ty Trung Quốc đang kéo sang Việt Nam để né tránh thuế quan của Mỹ. Bộ Chính trị đặt mục tiêu vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài sẽ vào khoảng 30-40 tỷ USD hàng năm (giải ngân được 20-30 tỷ USD) trong giai đoạn từ năm 2021-2025 và 40-50 tỷ USD hàng năm (giải ngân 30-40 tỷ USD) trong giai đoạn từ năm 2026-2030.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đưa ra cảnh báo đối với vài ngân hàng thương mại, khi nhóm này nâng lãi suất tiền gửi ngắn hạn (trên 8%) vì thiếu hụt thanh khoản và tăng phân bổ vốn vào kênh trái phiếu doanh nghiệp có lãi suất cao được phát hành bởi các công ty bất động sản.
Theo Tundra, nền kinh tế Việt Nam vẫn vững mạnh với nhiều tín hiệu khởi sắc và cũng chưa có dấu hiệu giảm tốc trên toàn cầu. Các con số sản lượng công nghiệp cùng với doanh số bán lẻ của Việt Nam tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Thặng dư thương mại tháng 8/2019 đạt 1.7 tỷ USD (lũy kế 8 tháng là 3.4 tỷ USD), nhờ đà tăng của mặt hàng điện thoại di động và phụ kiện. Tổng giá trị thương mại của Việt Nam đạt 336 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 170 tỷ USD (tăng 7.3% so với cùng kỳ năm trước).
Trong 8 tháng đầu 2019, FDI đăng ký tại Việt Nam đạt 13 tỷ USD (giảm 31% so với cùng kỳ năm trước), nhưng FDI đã giải ngân đạt đến con số 12 tỷ USD (tăng 6.3%). Chỉ số CPI cốt lõi trong 8 tháng đầu 2019 tăng nhẹ lên mức 1.95%, bởi sự gia tăng đối với giá dịch vụ y tế và giáo dục.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận