Quý 2: Giá heo tăng chưa thể “tô hồng” bức tranh của nhóm chăn nuôi
So với thời điểm cuối tháng 03/2023, giá heo trung bình cả nước tăng thêm 20% trong quý 2. Tuy nhiên, mức tăng ấy không giúp các doanh nghiệp chăn nuôi heo có được kỳ kinh doanh khởi sắc.
Theo số liệu của Anova Feed, thời điểm cuối tháng 03/2023, giá heo hơi trung bình cả nước là 50,000 đồng/kg. Còn thời điểm cuối tháng 6, giá trung bình là 60,600 đồng/kg. Có nghĩa, giá heo hơi đã tăng 21% trong quý 2.
Dẫu vậy, mức tăng này dường như chưa đủ để “tô hồng” bức tranh kinh doanh của nhóm chăn nuôi heo. Thống kê từ VietstockFinance cho thấy, trong số 8 doanh nghiệp chăn nuôi heo công bố BCTC quý 2/2023, chỉ 1 doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng; 6 doanh nghiệp báo lãi giảm và 1 doanh nghiệp thua lỗ.
Tăng lãi khủng mà… chẳng nhờ heo?
Dabaco (DBC) là cái tên báo lãi tăng mạnh nhất trong nhóm chăn nuôi quý 2 với khoản lợi nhuận ròng hơn 327 tỷ đồng, gấp tới gần 23 lần so với cùng kỳ 2022. Giá heo tăng là 1 trong những nguyên nhân được Doanh nghiệp đưa ra để giải thích cho sự tăng trưởng này, bên cạnh giá nguyên liệu sản xuất thức ăn giảm và dịch bệnh được kiểm soát.
Tuy nhiên, với một mặt hàng nhạy cảm về giá như thịt heo, câu chuyện tăng giá cần phải nhìn chi tiết hơn. Giá heo hơi leo dốc mạnh mẽ chủ yếu diễn ra trong tháng 6 nên tác động đến kết quả kinh doanh không thực sự khác biệt. Trên thực tế, mảng giúp Dabaco tăng lãi mạnh là nhờ khoản doanh thu gần 754 tỷ đồng từ dự án chung cư cao cấp Parkview tại Bắc Ninh.
Quý 1/2023, Dabaco lỗ nặng, cơ cấu doanh thu cũng không ghi nhận khoản doanh thu từ Parkview. Kết thúc nửa đầu năm, Dabaco chỉ đạt 6.3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, đạt 1.1% mục tiêu kinh doanh cả năm.
Tương tự là mảng nông nghiệp của Hòa Phát (HPG). Doanh thu mảng này trong quý 2 của HPG giảm 13%, đạt gần 1.5 ngàn tỷ đồng, nhưng lãi sau thuế đạt 54 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ. Đây cũng là điểm tích cực khi mảng này đã có thể báo lãi sau 2 quý liên tiếp thua lỗ. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu, theo HPG giải thích, lại đặc biệt nhờ mảng chăn nuôi bò Úc. Dẫu vậy, HPG cũng đề cập đến giá bán heo cùng trứng gà đã chuyển biến theo hướng tích cực, nên phần nào giúp Doanh nghiệp hưởng lợi.
Lao dốc
Việc giá heo tăng trong quý 2 đã không tạo khác biệt nhiều cho nhóm doanh nghiệp chăn nuôi heo còn lại. Đa phần đều báo lãi giảm sâu so với cùng kỳ.
Hoàng Anh Gia Lai (HAG) của doanh nhân Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) báo doanh thu tăng 18%, lên gần 1.5 ngàn tỷ đồng, nhưng lợi nhuận giảm tới 58%, còn 113 tỷ đồng.
Mổ xẻ doanh thu, mảng chăn nuôi heo mang lại khoảng 444 tỷ đồng, tăng 71% so với cùng kỳ. Tuy vậy, giá vốn chăn nuôi heo cũng bật tăng khiến lợi nhuận mảng chăn nuôi của HAG giảm 3% so với cùng kỳ, còn 56 tỷ đồng. Trừ chi phí, doanh nghiệp “heo ăn chuối” thậm chí lỗ thuần hơn 163 tỷ đồng và chỉ có thể thoát lỗ nhờ khoản lợi nhuận khác hơn 247 tỷ đồng do mua rẻ được Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao Bolaven.
Lũy kế 6 tháng, HAG đạt lợi nhuận 405 tỷ đồng, hoàn thành được 36% kế hoạch cả năm.
Doanh nghiệp “heo ăn chay” Nông nghiệp BAF cũng tiếp tục chứng kiến một kỳ kinh doanh ảm đạm. Doanh thu tăng 15%, đạt hơn 1.6 ngàn tỷ đồng, nhưng các mảng chi phí tăng mạnh khiến lãi ròng chỉ còn 11 tỷ đồng, giảm 73% so với cùng kỳ.
BAF giải thích, dù giá heo có phục hồi nhưng lại chỉ diễn ra ở giai đoạn cuối quý 2, còn nhìn chung giá heo duy trì ở nền thấp hơn năm trước. Thêm vào đó, Doanh nghiệp phải cắt giảm hoạt động kinh doanh nông sản theo lộ trình để tập trung vào hoạt động chăn nuôi chuỗi khép kín (3F - Feed-Farm-Food). Sản lượng heo bán ra cũng chưa tăng tương ứng với quy mô đàn, nhiều trại heo chỉ mới được đưa vào vận hành trong năm nay. Ngoài ra, Công ty giữ lại lượng heo cai sữa để nuôi bán thịt, thay vì phải bán ra như trước đây.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, BAF lãi sau thuế đạt 16 tỷ đồng, giảm 87% và mới chỉ đạt 5.3% kế hoạch năm.
Masan Meatlife (MML) - công ty con của Tập đoàn Masan (MSN) thậm chí lỗ nặng hơn cùng kỳ, với khoản lỗ ròng 125 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 182 tỷ đồng). Trong đó, MML ghi nhận doanh thu tăng mạnh gần 70%, lên hơn 1.7 ngàn tỷ đồng, nhưng đó là nhờ việc có thêm doanh thu từ CTCP Masan Jinju (MSJ), sau khi Tập đoàn nắm quyền kiểm soát các chính sách tài chính và hoạt động của MSJ. Nhưng cũng vì nắm MSJ mà chi phí bán hàng tăng mạnh, khiến khoản lỗ trong kỳ tăng cao so với thời điểm quý 2/2022.
Rủi ro từ heo nhập lậu
Sự khó khăn của các doanh nghiệp chăn nuôi heo một phần còn nằm ở tình trạng heo xuất nhập lậu gia tăng trong thời gian qua. Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), giá heo giữa Việt Nam và các nước láng giềng chênh lệch cao khiến tình trạng xuất - nhập lậu tăng mạnh.
Giá heo hơi tại Việt Nam thời gian qua thấp hơn Trung Quốc và Thái Lan khiến heo xuất lậu tăng. Ở chiều ngược lại, giá heo tại Lào và Campuchia thấp hơn so với Việt Nam cũng khiến tình trạng nhập lậu tăng mạnh. “Điều này làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm như bệnh dịch tả heo châu Phi, lở mồm long móng cũng như ảnh hưởng tới giá sản phẩm trong nước" - trích thông báo từ Bộ NN&PTNT.
Để ngăn chặn tình trạng này, ngày 01/08, Thủ tướng Chính phủ có công điện gửi UBND các tỉnh thành, Bộ trưởng các Bộ NN&PTNT, Quốc phòng, Công an, Tài chính, Công Thương, Thông tin - Truyền thông, Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia) về việc ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép heo qua biên giới vào Việt Nam.
Với sự chỉ đạo quyết liệt từ Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành, tình trạng heo nhập lậu sớm được ngăn chặn, có thể quý 3 sẽ là thời điểm doanh nghiệp nhóm chăn nuôi heo ngóng chờ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường