"Nội soi" danh mục tự doanh của các công ty chứng khoán trong quý II/2024
Trong quý II, mảng tự doanh của các công ty chứng khoán có sự phân hoá. Nhiều ông lớn báo lãi bằng lần từ mảng này, nhưng cũng không ít doanh nghiệp lao đao vì tự doanh.
Trong quý II/2024, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến sự điều chỉnh khi VN-Index giảm 3% xuống 1.245,3 điểm. Điều này cũng ảnh hưởng ít nhiều đến tình hình kinh doanh của các công ty chứng khoán. Song, vẫn có những công ty chứng khoán sống khoẻ nhờ mảng tự doanh khi hiện thực hóa lợi nhuận một số khoản đầu tư.
Những cái tên thắng lớn từ tự doanh
CTCP Chứng khoán Vietcap (VCSC - HoSE: VCI) là cái tên nổi bật trong danh sách này. Theo đó, trong quý II/2024 công ty ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 915,8 tỷ đồng, tăng gần 415 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái, tương ứng 83%. Trừ đi các chi phí, lãi sau thuế của doanh nghiệp tăng tới 2,4 lần cùng kỳ lên 279,2 tỷ đồng nhờ mảng tự doanh lãi đậm khi đầu tư vào IDP, FPT, KDH.
Cụ thể, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) tăng 4,4 lần lên 447,6 tỷ đồng, trong khi đó lỗ từ tài sản FVTPL tăng 5,5 lần lên 198,4 tỷ đồng. Như vậy, công ty lãi thuần từ mảng này đến 249,2 tỷ đồng, cao gấp gần 4 lần so với cùng kỳ.
Phía công ty cho biết, nhờ điều kiện thị trường diễn biến tích cực mảng tự doanh đã hiện thực hóa lợi nhuận của một số khoản đầu tư dẫn tới doanh thu từ tài sản tài chính FVTPL tăng mạnh.
Vietcap đang lãi 3.206 tỷ đồng ở mục tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS).
Danh mục các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) của Vietcap tăng 7,2 lần so với đầu năm từ 125 tỷ đồng lên 1.016 tỷ đồng; bao gồm 975,5 tỷ đồng chứng khoán niêm yết và 40,6 tỷ đồng trái phiếu.
Trong khi đó, danh mục tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) ghi nhận giá gốc khoảng 5.306,8 tỷ đồng, tăng tới 15% so với đầu năm. Theo trong khi đó, giá trị thị trường ở mức 8.513,4 tỷ đồng, tương ứng công ty đang lãi 3.206 tỷ đồng ở danh mục này.
Trong đó, gồm các cổ phiếu IDP giá trị 2.201 tỷ đồng (giá gốc 441 tỷ đồng và lãi tới 1.760 tỷ đồng); KDH có giá trị 1.016,7 tỷ đồng (giá gốc 805 tỷ đồng và lãi 211 tỷ đồng); FPT giá trị 548,6 tỷ đồng (giá gốc 382 tỷ đồng và lãi 166 tỷ đồng); TDM giá trị 760 tỷ đồng (giá gốc 648 tỷ đồng và lãi 111 tỷ đồng); PNJ giá trị 84 tỷ đồng (giá gốc 77 tỷ đồng và lãi gần 7 tỷ đồng).
Tương tự, theo báo cáo tài chính quý II/2024 vừa công bố, CTCP Chứng khoán VPS ghi nhận nhiều điểm sáng từ hoạt động tự doanh và lãi từ các khoản cho vay, dù mảng môi giới không còn đem lại lợi nhuận chính cho công ty nhưng vẫn chiếm tỉ trọng lớn trong doanh thu.
Tính chung trong quý II/2024, doanh thu hoạt động của Chứng khoán VPS đạt 1.707,6 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhà môi giới chứng khoán này ghi nhận lãi trước thuế 653,2 tỷ đồng và lãi sau thuế 522,5 tỷ đồng, tăng gấp 6,3 lần so với cùng kỳ.
Lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) giảm 60% so với cùng kỳ từ 593,8 tỷ đồng xuống còn 237,6 tỷ đồng, chủ yếu do cổ tức, tiền lãi phát sinh và lãi bán các tài sản tài chính giảm. Điểm sáng là khoản lỗ từ tài sản FVTPL lại giảm 97% so với cùng kỳ xuống còn 17,3 tỷ đồng, tương ứng giảm tới 608,2 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc VPS lãi 220,3 tỷ đồng ở mảng này, trong khi cùng kỳ lỗ 31,7 tỷ đồng.
Danh mục FVTPL của VPS có giá trị 5.581,6 tỷ đồng, giảm 18 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, phần lớn là công cụ thị trường tiền tệ với 5.251,4 tỷ đồng, trái phiếu niêm yết 300 tỷ đồng và cổ phiếu niêm yết 14,7 tỷ đồng, cổ phiếu chưa niêm yết 15,4 tỷ đồng.
Thời điểm 30/6/2024, danh mục tài chính FVTPL của CTCP Chứng khoán FPT (FPTS - HoSE: FTS) có giá gốc gần 1.086,4 tỷ đồng, tăng 184 tỷ đồng so với đầu năm. Song, giá trị hợp lý lại ghi nhận 1.533,5 tỷ đồng, tương ứng FPTS đang lãi tới 447,1 tỷ đồng ở danh mục này.
Phần lãi đến từ cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch có giá gốc 14,4 tỷ đồng; nhưng giá trị hợp lý lên đến gần 462 tỷ đồng. Đến cuối quý II, FPTS tạm lãi hơn 447 tỷ đồng khi đầu tư vào cổ phiếu CTCP May Sông Hồng (MSH), gấp 34 lần giá mua.
Ngoài ra, các khoản đầu tư khác trong danh mục tài chính FVTPL không có biến động so với giá gốc, gồm trái phiếu niêm yết 497,7 tỷ đồng; tiền gửi có kỳ hạn cố định, chứng chỉ tiền gửi hơn 452 tỷ đồng; trái phiếu chưa niêm yết 120 tỷ đồng.
CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC - HoSE: VDS) cũng không ngoại lệ. Đến cuối quý II/2024, danh mục FVTPL của công ty có giá trị gốc 804,8 tỷ đồng, tăng 34% so với thời điểm đầu năm. Giá trị thị trường ghi nhận ở mức 929,3 tỷ đồng. Như vậy, công ty đang lãi ở danh mục này 124,5 tỷ đồng.
Danh mục tự doanh của Chứng khoán Rồng Việt.
Chi tiết về danh mục FVTPL, công ty mua thêm 111,5 tỷ đồng HSG; 93 tỷ đồng MWG 64 tỷ đồng GEX. Trong đó, công ty lãi 8,6 tỷ đồng từ HSG, hơn 43 tỷ đồng từ MWG, hơn 2 tỷ đồng từ GEX, lãi hơn 74 tỷ đồng từ các cổ phiếu khác và lỗ 1,8 tỷ đồng khi đầu tư vào VNM.
Thời điểm 30/6/2024, danh mục AFS của công ty có giá trị gốc 417,8 tỷ đồng, giá thị trường 431,2 tỷ đồng. Tương ứng, VDSC đang lãi danh mục này 13,4 tỷ đồng.
Theo đó, công ty mua mới 78 tỷ đồng mã CTG và tạm lỗ hơn 2,2 tỷ đồng; hạ tỉ trọng mã DBC từ gần 47 tỷ đồng xuống 24,6 tỷ đồg và đang lãi 9,3 tỷ đồng; mã CMG giữ nguyên mức đầu tư hơn 20 tỷ đồng và lãi tới hơn 14 tỷ đồng.
Đuối sức vì tự doanh
Bên cạnh những công ty chứng khoán lãi đậm nhờ tự doanh, thì cũng có những doanh nghiệp lao đao vì tự doanh.
Đơn cử như Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect (HoSE: VND) bị mảng này lại kéo lùi lợi nhuận sau quý đầu năm thắng lớn từ tự doanh.
Cụ thể, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) đạt 809,7 tỷ đồng, giảm 15% so với con số 948,5 tỷ đồng cùng kỳ. Song, lỗ từ tài sản FVTPL lại tăng tới 36% so với cùng kỳ lên 537,9 tỷ đồng. Như vậy trong quý này, lãi thuần từ tự doanh của VNDirect là 271,8 tỷ đồng, giảm một nửa so với cùng kỳ.
Theo VNDirect, đà giảm do lãi coupon chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu tổ chức tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp giảm mạnh.
Danh mục tự doanh của Chứng khoán VNDirect.
Tính tới 30/6/2024, danh mục FVTPL của VNDirect có giá gốc 21.067,5 tỷ đồng, tăng 27% so với hồi đầu năm và tạm lỗ 47 tỷ đồng. Trong đó, công ty đầu tư gần 8.599 tỷ đồng trái phiếu chưa niêm yết; hơn 7.390 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi; hơn 2.177 tỷ đồng trái phiếu niêm yết.
Thời điểm cuối quý II, VNDirect nắm giữ mã VPB giá trị 457,8 tỷ đồng và tạm lỗ 43,8 tỷ đồng; LTG có giá gốc 115,3 tỷ đồng và tạm lỗ 44,8 tỷ đồng; C4G có giá gốc 285,3 tỷ đồng và tạm lỗ 15 tỷ đồng; giá trị đầu tư vào các cổ phiếu khác là 428,7 tỷ đồng và lỗ 23 tỷ đồng.
CTCP Chứng khoán VIX (HoSE: VIX) còn buồn hơn khi tự doanh "bết bát" bào mòn lợi nhuận của công ty.
Theo đó, doanh thu hoạt động của công ty ghi nhận 378,8 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Biến động chủ yếu từ hoạt động tự doanh khi lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) bốc hơi 52% xuống 222,4 tỷ đồng.
Trong khi đó, công ty lỗ từ các tài sản chính FVTPL tới 159,4 tỷ đồng, cách xa khoản lãi hơn 39 tỷ đồng cùng kỳ. Trừ đi, Chứng khoán VIX ghi nhận lãi thuần 63 tỷ đồng ở mảng này, sụt giảm tới 87% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo giải trình của VIX, chứng khoán Việt Nam có những nhịp sụt giảm sâu trong tháng 4 và 6 đã ảnh hưởng đến hoạt động tự doanh của công ty.
Danh mục tự doanh của Chứng khoán VIX.
Giá gốc tài sản FVTPL ở thời điểm cuối quý II ghi nhận 5.426 tỷ đồng, trong khi đó giá thị trường ở mức 5.761 tỷ đồng. Như vậy, công ty đang lãi 335 tỷ đồng ở danh mục này.
Trong đó, cổ phiếu niêm yết ghi nhận giá trị gốc 2.843 tỷ đồng, công ty lãi 84 tỷ đồng; cổ phiếu chưa niêm yết ghi nhận giá trị gốc 601,6 tỷ đồng, công ty lãi 124,6 tỷ đồng. Trái phiếu chưa niêm yết và ủy thác đầu tư giữ nguyên giá trị gốc là 450 tỷ đồng và 1.531 tỷ đồng.
Khấu trừ mọi chi phí, Chứng khoán VIX báo lãi sau thuế 123,8 tỷ đồng, sụt giảm tới 78% so với con số 565,6 tỷ đồng đạt được cùng kỳ.
Cùng hoàn cảnh, CTCP Chứng khoán DNSE (HoSE: DSE) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2024 với nghịch lý doanh thu tăng lợi nhuận giảm do mảng tự doanh kéo lùi.
Cụ thể, doanh thu hoạt động của công ty đạt 198,2 tỷ đồng, tăng 12% so với quý cùng kỳ. Khấu trừ đi các chi phí, DNSE báo lãi sau thuế quý II/2024 gần 34,2 tỷ đồng, giảm 33% so với con số 51 tỷ đồng đạt được cùng kỳ.
Lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) của DNSE giảm 80% còn 9,7 tỷ đồng. Lỗ từ các tài sản chính lại ghi nhận tới 24 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn lãi gần 4,5 tỷ đồng. Như vậy, kỳ này công ty lỗ từ tài sản chính tới 14,3 tỷ đồng.
Danh mục FVTPL của DNSE toàn bộ là cổ phiếu, ghi nhận giá gốc 125,5 tỷ đồng, giảm 59% so với hồi đầu năm. Tuy nhiên, giá trị hợp lý chỉ ghi nhận 109 tỷ đồng, tương ứng công ty đang tạm lỗ 16,4 tỷ đồng ở danh mục này. Chi tiết các cổ phiếu không được công ty thuyết minh.
Danh mục các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) có giá trị 3.889 tỷ đồng tại cuối quý II; bao gồm 1.255 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn, hơn 1.259,5 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi và 1.374 tỷ đồng trái phiếu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận