Những doanh nghiệp ngồi trên 'núi tiền'
Hiện tại, có gần 20 doanh nghiệp niêm yết thuộc nhóm phi tài chính nắm giữ trên 10.000 tỷ đồng tiền nhàn rỗi, qua đó thu về hàng trăm tỷ đồng lãi tiền gửi mỗi năm.
Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất tiền gửi ngân hàng đang tăng liên tục từ cuối quý I đến nay, một loạt doanh nghiệp niêm yết sở hữu lượng tiền nhàn rỗi lớn đang hưởng lợi bởi xu hướng này. Nhờ lượng tiền gửi ngân hàng "khổng lồ" bất chấp những biến động của thị trường kinh doanh, các doanh nghiệp này vẫn đều đặn thu về từ vài trăm tỷ cho tới cả nghìn tỷ đồng lãi tiền gửi mỗi năm.
Theo thống kê, hiện tại, có khoảng 19 doanh nghiệp phi tài chính (trừ nhóm ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm) sở hữu lượng tiền nhàn rỗi trên 10.000 tỷ đồng. Tổng số dư tiền và các khoản tương đương tiền, tiền gửi ngân hàng nhóm doanh nghiệp này sở hữu ước đạt gần 456.000 tỷ đồng, tương đương hơn 18,2 tỷ USD.
Ngồi trên "núi tiền"
Cụ thể, báo cáo tài chính hợp nhất quý II năm nay của Tổng công ty Khí Việt Nam - PV Gas (HoSE: GAS) - cho biết doanh nghiệp này tiếp tục giữ vững vị trí “vua tiền mặt” trên sàn chứng khoán khi sở hữu gần 44.000 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, tiền gửi ngân hàng, tăng gần 8% so với đầu năm. Đây cũng là số dư tiền cao kỷ lục mà tổng công ty này từng ghi nhận được.
Hiện số dư tiền nhàn rỗi này chiếm tới 46% tổng tài sản của PV Gas. Riêng lượng "tiền tươi" mà PV Gas nắm giữ đã lớn hơn vốn hóa của trên 1.500 doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam, bao gồm cả những tên tuổi lớn như Vincom Retail, Hóa chất Đức Giang.
Ngay cả với nhóm ngân hàng, lượng tiền nhàn rỗi của PV Gas hiện lớn hơn vốn hóa của khoảng 15 nhà băng, bao gồm cả những ngân hàng cỡ vừa và lớn như SHB, TPBank, MSB, OCB.
Công ty Chứng khoán MB (MBS) từng đánh giá việc tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu ở mức thấp trong khi lượng mặt lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng mang lại cho PV Gas vị thế tài chính vững chắc để triển khai các dự án đầu tư trong tương lai, đặc biệt là việc tham gia vào quá trình khai thác, vận chuyển, phân phối khí từ dự án Lô B Ô Môn.
Bên cạnh PV Gas, nhiều doanh nghiệp nhóm dầu khí cũng thường xuyên duy trì lượng tiền mặt "khổng lồ" trong cơ cấu tài sản.
Với gần 40.000 tỷ đồng tiền nhàn rỗi, tăng 5% so với đầu năm, CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) đang giữ vị trí “á quân" tiền mặt trong nhóm doanh nghiệp niêm yết. Tương tự, PV Gas, BSR cũng lập kỷ lục về số dư tiền trong quý vừa qua.
Thực tế, quy mô tiền mặt lẫn tỷ trọng khoản mục này trong cơ cấu tài sản của đơn vị vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) đã liên tục phình to qua các năm.
Tương tự, 2 "ông lớn" ngành dầu khí khác là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (HoSE: PLX) và Tổng công ty Dầu Việt Nam - PV Oil (UPCoM: OIL) cũng nằm trong nhóm doanh nghiệp nắm trên 10.000 tỷ đồng tiền nhàn rỗi, lần lượt sở hữu trên 28.300 tỷ đồng (-5%) và gần 13.900 tỷ đồng (-9%).
Ngoài nhóm dầu khí, danh sách các doanh nghiệp ngồi trên "núi tiền" còn có một loạt doanh nghiệp vốn hóa lớn như Tập đoàn Vingroup (gần 32.800 tỷ đồng), Vinhomes (gần 20.900 tỷ đồng), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (hơn 17.200 tỷ đồng). Hay nhóm doanh nghiệp bán lẻ với Thế Giới Di Động (hơn 31.100 tỷ đồng), Masan (gần 20.500 tỷ đồng); nhóm thực phẩm và đồ uống có Vinamilk (hơn 24.200 tỷ đồng), Sabeco (gần 23.400 tỷ đồng); hay nhóm công nghệ có Viettel Global (hơn 29.500 tỷ đồng), FPT (gần 26.800 tỷ đồng), FOX (hơn 10.800 tỷ đồng).
Trong khi lượng tiền mặt tại các doanh nghiệp chủ yếu tăng hoặc đi ngang, Tập đoàn Hòa Phát là trường hợp hiếm hoi ghi nhận số dư tiền giảm mạnh 18% trong nửa đầu năm nay, xuống gần 28.500 tỷ đồng. Lượng tiền nhàn rỗi của Hòa Phát đi xuống trong bối cảnh tập đoàn đẩy mạnh sản xuất và giải ngân vốn đầu tư vào các dự án.
Đến cuối tháng 6, giá trị hàng tồn kho của Hòa Phát đạt trên 40.000 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm. Tương tự, giá trị tài sản dở dang dài hạn tăng 74% lên 45.400 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí xây dựng cơ bản dở dang, riêng giá trị tại dự án Dung Quất 2 đã chiếm gần 42.400 tỷ đồng, tăng 88% so với đầu năm.
Tiền đẻ ra tiền
Với “núi tiền” sở hữu, các doanh nghiệp kể trên cũng đều đặn thu về hàng trăm tỷ, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng lãi tiền gửi, tiền cho vay mỗi năm. Tuy nhiên, do biến động giảm của mặt bằng lãi suất từ cuối năm 2023 đến quý I năm nay, khoản thu nhập này tại hầu hết doanh nghiệp đã giảm so với cùng kỳ.
Dù vậy, báo cáo tài chính quý II của PV Gas vẫn cho biết tổng công ty này đã ghi nhận hơn 900 tỷ đồng doanh thu hoạt động tài chính nửa năm nay, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, lãi tiền gửi và tiền cho vay chiếm hơn 90%, tương đương hơn 830 tỷ đồng. So với nửa đầu năm 2023, số lãi tiền gửi và cho vay của PV Gas cũng đã giảm 20%.
Trong năm gần nhất, hàng chục nghìn tỷ đồng tiền gửi ngân hàng đã mang về cho PV Gas tới hơn 2.000 tỷ đồng tiền lãi.
Tương tự, chủ Nhà máy lọc dầu Dung Quất - BSR - nửa đầu năm nay cũng đã thu về tới 640 tỷ đồng lãi tiền gửi ngân hàng, giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn chiếm hơn một nửa doanh thu hoạt động tài chính của doanh nghiệp. Trong năm liền trước, tiền lãi BSR nhận được từ các khoản tiền gửi ngân hàng cũng lên tới gần 1.600 tỷ đồng.
Trong nửa đầu năm nay, bất chấp những biến động trái chiều trong hoạt động kinh doanh, điểm chung của các doanh nghiệp sở hữu lượng tiền nhàn rỗi "khổng lồ" kể trên vẫn là hàng trăm tỷ đồng lãi tiền gửi.
Theo đó, Tập đoàn Vingroup đã thu về hơn 2.150 tỷ đồng lãi tiền gửi và cho vay trong nửa đầu năm 2024; Thế Giới Di Động thu về gần 960 tỷ đồng; Viettel Global thu về gần 675 tỷ đồng; Hòa Phát đạt 710 tỷ đồng; hay Petrolimex ghi nhận được hơn 510 tỷ đồng lãi tiền gửi từ đầu năm...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận