Nhu cầu lúa gạo tăng lên vì Covid-19, lợi nhuận doanh nghiệp gạo vẫn đì đẹt, cổ phiếu ngành gạo ảm đạm
Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8 đã có tác động tích cực đến ngành hàng lúa gạo, do dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhu cầu về lúa gạo của thế giới đang tăng lên. Dù vậy, nhóm cổ phiếu ngành lúa gạo vẫn chưa thực sự thu hút giới đầu tư.
Thống kê của Bộ NNPTNT, 7 tháng đầu năm 2020, Việt Nam xuất khẩu được khoảng 3,9 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt 1,9 tỷ USD, giảm 1,4% về khối lượng, nhưng tăng gần 11% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá gạo xuất khẩu bình quân 7 tháng năm 2020 đạt 487,6 USD/tấn, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2019.
Hiện, nhu cầu gạo tại nhiều quốc gia tăng do ảnh hưởng dịch bệnh, thiên tai... Trong đó, Philippines là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 36,9% thị phần. Các thị trường còn lại là Trung Quốc, Malaysia, Ghana, Iraq.
Mặc dù giá gạo xuất khẩu tăng cao, nhu cầu gạo tại nhiều quốc gia cũng tăng nhưng trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu các doanh nghiệp (DN) ngành gạo vẫn được giao dịch khá ảm đạm. Nguyên nhân một phần cũng vì kết quả kinh doanh nửa đầu năm của các DN này có phần khá… "bết bát".
Chẳng hạn, tại Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời (mã chứng khoán LTG), 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu của LTG đạt gần 2.253 tỷ đồng, giảm 51% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu từ mảng thuốc bảo vệ thực vật đạt 1.347 tỷ đồng, đóng góp 60% tổng doanh thu và giảm đến 54% so với quý 2 năm ngoái. Doanh thu từ mảng bán gạo - lương thực cũng giảm hơn 60%, xuống còn 436 tỷ đồng... Kết quả, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm của LTG chỉ đạt 116 tỷ đồng, giảm 54% so với cùng kỳ năm 2019.
Tính đến hết quý 2, lượng hàng tồn kho của Lộc Trời tăng 310 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, lên 2.803 tỷ đồng, chủ yếu tăng giá trị tồn kho. Tổng tài sản của Lộc Trời đạt 5.749 tỷ đồng. Tổng nợ đi vay tính đến hết quí 2 của Lộc Trời đạt 3.162 tỷ đồng. Ngoài ra, LTG hiện vẫn còn khoản nợ quá hạn khó đòi với thời gian nợ lên đến trên 3 năm, chủ yếu là từ các cá nhân với tổng số tiền nợ lên đến 351 tỷ đồng, trong đó công ty đã trích lập dự phòng gần 254 tỷ đồng.
Mặc dù doanh thu nửa đầu năm 2020 suy giảm mạnh, thế nhưng dòng tiền thuần hoạt động kinh doanh của Lộc Trời vẫn ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, đạt 256 tỷ đồng, tăng 21%. Trong khi đó, dòng tiền từ hoạt động tài chính cũng tăng đột biến, từ âm hơn 63 tỷ đồng lên chính dương 73 tỷ đồng chốt nửa đầu năm nay.
Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên giao dịch cuối tuần qua (28/8), cổ phiếu LTG giao dịch ở mức giá 20.900 đồng/CP; lượng cổ phiếu đang lưu hành gần 80,6 triệu cổ phiếu và mức vốn hóa đạt 1.684 tỷ đồng. So với thời điểm mới lên sàn (ngày 24/7/2017, cổ phiếu LTG khi đó có giá tham chiếu đạt 55.000 đồng/CP, vốn hóa thị trường đạt 3.696 tỷ đồng) thì nay mức giá cổ phiếu này đã "bay" mất 62% giá trị; vốn hóa cũng "bốc hơi" hơn... 2.000 tỷ đồng.
Một cổ phiếu ngành gạo khác là Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex, mã: AGM), trong quý 2 cũng chỉ đạt doanh thu hợp nhất 517 tỷ đồng, giảm gần 7,6% so với cùng kỳ. Mặc dù chi phí bán hàng có giảm 11,8%, thu nhập tài chính và thu nhập khác cũng tăng nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (khiến xuất khẩu gạo gặp khó), nên lợi nhuận sau thuế của DN giảm 30,6% so với cùng kỳ, chỉ đạt hơn 8,6 tỷ đồng.
Hiện, cổ phiếu AGM cũng giao dịch khá ảm đạm, hiện đang quanh vùng giá 13.000 đồng/CP, thậm chí có thời điểm AGM còn giảm xuống hơn 9.000 đồng/CP (hồi đầu tháng 3/2020).
Một "ông lớn" ngành gạo khác không thể không kể đến là Vinafood II (top 10 DN xuất khẩu gạo lớn nhất Việt Nam). Tuy nhiên, cổ phiếu VSF của Vinafood II lại chào sàn UPCoM với giá tham chiếu "khiêm tốn", chỉ 10.100 đồng/CP hồi tháng 4/2018.
Đến nay, sau hơn 2 năm lên sàn, VSF đang về mức giá dưới thị giá. Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 28/8, cổ phiếu VSF đứng tại mức giá 7.200 đồng/CP.
Tuy nhiên, thê thảm nhất trong nhóm cổ phiếu ngành gạo có lẽ phải kể đến cổ phiếu FDG của Docimexco. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/8, thị giá FDG đóng cửa tại mức 500 đồng/CP, và đang trong diện hạn chế giao dịch.
Trong một diễn biến mới đây, triển vọng xuất khẩu gạo đang được mở ra khi Hiệp định thương mại Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8. Trong đó, cam kết cụ thể EU dành cho Việt Nam là hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát; 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm) và tự do hóa hoàn toàn với gạo tấm. Sau 3 - 5 năm, thuế suất cho các sản phẩm từ gạo sẽ về 0%.
Tất nhiên, nếu tận dụng được cơ hội này, nhiều khả năng cổ phiếu ngành gạo sẽ thăng hoa hơn thời gian tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường