Nhóm hóa chất lãi đậm quý 3
Trong quý 3/2024, nhiều đơn vị nhóm hóa chất ghi nhận tăng trưởng ấn tượng. Trong khi đó, nhóm phân bón (đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh phân đạm) tỏ ra tương đối ảm đạm.
Thống kê từ VietstockFinance, trong số 17 doanh nghiệp ngành hoá chất – phân bón công bố BCTC quý 3, có 8 doanh nghiệp đạt lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ (gồm 1 đơn vị chuyển lỗ thành lãi). Số còn lại chứng kiến lợi nhuận đi lùi
Kết quả kinh doanh của nhóm phân bón – hóa chất trong quý 3/2024
Các ông lớn đi lùi
3 trong số 4 ông lớn của ngành phân bón – hóa chất đón nhận kết quả đi xuống trong quý 3/2024, dù mức giảm không quá mạnh.
Thực tế, quý 3 thường là thời điểm nhóm phân đạm chứng kiến doanh thu giảm sút do thời điểm qua đỉnh vụ Hè - Thu. Ngay cả DCM (Phân bón Cà Mau hay Đạm Cà Mau) cũng ghi nhận doanh thu giảm tới 12%. Tuy nhiên, nhờ kiểm soát tốt giá vốn, DCM vẫn lãi ròng tới 120 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ.
Việc các quý trước làm ăn tốt nhờ mức nền khá thấp cùng kỳ giúp bức tranh luỹ kế của 3 ông lớn trở nên tươi sáng. Sau 9 tháng, DCM đạt gần 1.1 ngàn tỷ đồng lợi nhuận ròng, tăng 71%; BFC đạt 285 tỷ đồng, gấp 2.6 lần cùng kỳ; DPM đạt 558 tỷ đồng, tăng trưởng 31%. Cả 3 doanh nghiệp đều đã vượt hoặc gần hoàn thành kế hoạch đặt ra cho ĐHĐCĐ 2024.
Trong khi đó, ông lớn Hóa chất Đức Giang (DGC) có quý thứ 8 liên tiếp giảm lợi nhuận, nhưng mức giảm chỉ 7%. Dù giảm, lãi ròng quý 3 vẫn đạt hơn 706 tỷ đồng, là thành quả không tệ khi vượt xa những con số trước quý 4/2021 - thời điểm lãi bùng nổ nhờ hưởng lợi từ cơn sốt hàng hóa toàn cầu, và xấp xỉ kết quả những quý gần đây. Ngoài ra, Doanh nghiệp cũng vượt kế hoạch đặt ra cho quý 3 (2.4 ngàn tỷ đồng doanh thu và 720 tỷ đồng lãi sau thuế).
Hóa chất lãi đậm
Khác với các ông lớn, tình hình của nhóm còn lại tỏ ra khá đồng đều. Nhiều đơn vị hoá chất toả sáng với nhiều cái tên thuộc nhóm Vinachem (Tập đoàn Hoá chất Việt Nam), đồng thời các đơn vị phân bón kinh doanh không tệ nhờ kiểm soát được chi phí.
Đơn cử là CSV (Hóa chất Cơ bản miền Nam) tăng mạnh về cả doanh thu và lợi nhuận, ghi nhận 73 tỷ đồng lợi nhuận ròng, hơn cùng kỳ 51%. Doanh nghiệp cho biết, lãi gộp trong kỳ tăng mạnh do doanh thu tiêu thụ tốt hơn cùng kỳ, từ các sản phẩm chính như NaOH (tăng 29%), HCL (49%), Clor lỏng (25%), H2SO4 (gấp đôi), Javel (16%)… Tương tự, doanh thu tiêu thụ các sản phẩm tại công ty con như phốt pho vàng tăng tới 80%, giá bán cũng tăng nhẹ.
Với đóng góp lớn từ quý 3, CSV đạt 186 tỷ đồng lãi ròng sau 9 tháng, tăng 16% so với cùng kỳ, và gần như hoàn thành mục tiêu lãi trước thuế của cả năm.
Một cái tên khác thuộc Vinachem là HVT (Hóa chất Việt Trì) cũng lãi đậm với 27 tỷ đồng lợi nhuận ròng, gấp 23 lần cùng kỳ. Nguyên nhân tương tự như CSV, do tiêu thụ các sản phẩm chính ổn định và giá bán các mặt hàng tăng cao trong quý 3. Ngoài ra, một phần cũng vì mức nền cùng kỳ quá thấp.
Trong nhóm phân bón, LAS (Supe Phốt phát và Hoá chất Lâm Thao) kinh doanh tốt với doanh thu đi ngang và 33 tỷ đồng lãi ròng, tăng 14%. Nguyên nhân chủ yếu do giá vốn trong kỳ giảm mạnh nhờ mua được những lô nguyên liệu có giá hợp lý.
DDV (DAP – Vinachem) thậm chí lãi gấp 3 cùng kỳ, đạt hơn 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế lãi gộp chỉ đi ngang, còn nguyên nhân chính giúp tăng lãi đến từ việc chi phí bán hàng lùi mạnh vì sản lượng tiêu thụ giảm.
Một trường hợp khác là DHB (Đạm Hà Bắc) báo lãi 38 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 309 tỷ đồng). Mức lợi nhuận này chỉ bằng 3.7% doanh thu có được, phần lớn do giảm chi phí lãi vay nhờ tái cơ cấu khoản nợ khổng lồ tại Ngân hàng Phát triển (VDB) vào cuối năm 2023. Dẫu vậy, với khoản lỗ bất ngờ tại quý 2, DHB vẫn lỗ 61 tỷ đồng sau 9 tháng đầu năm.
Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2024 của các doanh nghiệp phân bón – hóa chất
Kỳ vọng phục hồi
Bộ Công Thương cho biết, nhu cầu tiêu thụ phân bón tại Việt Nam đang rơi vào khoảng 11 triệu tấn/ năm, bao gồm các loại: Ure, DAP, NPK, Kali... Trong đó, chiếm tỷ trọng cao nhất là phân urê, với tổng công suất ước đạt 3 triệu tấn/năm.
Phần lớn nguyên liệu đầu vào được khai thác từ các mỏ khí trong nước như Bạch Hổ, Nam Côn Sơn... Riêng kali, Việt Nam phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhập khẩu.
Theo CTCK Mirae Asset, giá phân bón trong nước được kỳ vọng sẽ phục hồi trong giai đoạn sắp tới. Nguyên nhân do cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu làm đẩy giá khí tự nhiên tăng cao, chi phí sản xuất phân bón lên mạnh, nhiều nhà máy châu Âu phải đóng cửa làm gián đoạn nguồn cung.
Bên cạnh đó, xung đột giữa Nga – Ukraine cũng là yếu tố gây tác động. Nga là một trong những nước sản xuất phân bón lớn nhất, nên các lệnh cấm vận xoay quanh xung đột gây ảnh hưởng đáng kể đến nguồn cung phân bón toàn cầu và gây biến động giá dầu.
Tuy nhiên, nhu cầu phân bón có thể sẽ đi xuống khi giá tăng, cũng như xu hướng chuyển đổi sang nông nghiệp bền vững với phân hữu cơ khiến nhu cầu phân vô cơ giảm. Ngoài ra, một số quốc gia hạn chế xuất khẩu và duy trì sản xuất chỉ để đáp ứng nhu cầu nội địa, giữ giá phân bón thế giới ở mức thấp gần một năm qua.
Trong khi đó, CTCK BIDV (BSC) kỳ vọng vào Luật thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi) dành cho ngành phân bón, cho phép đánh thuế VAT đầu vào với các mặt hàng phân bón thay vì miễn thuế như hiện nay. Tính toán cho thấy, việc đánh thuế VAT có thể giúp gia tăng lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp phân bón như DCM hay các đơn vị thuộc Vinachem tới 20%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường