Nhóm cổ phiếu BĐS phân hóa trở lại trong tuần, nhiều mã đầu cơ bứt phá
Sau một vài tuần giao dịch tiêu cực, nhóm bất động sản có sự phân hóa trở lại trong tuần từ 20 - 24/6, trong đó, nhiều mã có yếu tố đầu cơ bứt phá mạnh.
Thị trường giảm điểm trong tuần thứ ba liên tiếp với thanh khoản tiếp tục suy giảm. Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 31,82 điểm (-2,6%) xuống 1.185,48 điểm, HNX-Index giảm 4,13 điểm (-4,3%) xuống 275,93 điểm, UPCoM-Index đi ngang tức vẫn giữ mức 87,1 điểm.
Sau một vài tuần giao dịch tiêu cực, biến động ở nhóm cổ phiếu bất động sản diễn ra có phần phân hóa trở lại. Thống kê 124 mã bất động sản đang giao dịch trên toàn thị trường tuần qua có 46 mã tăng, trong khi vẫn có 67 mã giảm.
Trong đó, khá nhiều cổ phiếu bất động sản có yếu tố đầu cơ cao biến động tích cực. Cổ phiếu BII của CTCP Louis Land tăng mạnh nhất với 40,7%. Như vậy, BII đã hồi phục trở lại sau 3 tuần lao dốc liên tiếp.
Đứng thứ 2 trong danh sách tăng giá ở nhóm bất động sản là cổ phiếu FLC của Tập đoàn FLC với 18%. Mới đây, Tập đoàn FLC vừa công bố thông tin về việc thay đổi nhân sự Hội đồng quản trị. Theo đó, ngày 22/6 vừa qua, ông Lã Quý Hiển đã có đơn xin từ nhiệm chức vụ thành viên Hội đồng quản trị, và đã được Hội đồng quản trị FLC thông qua. Hội đồng quản trị FLC sẽ trình Đại hội đồng cổ đông thông qua việc miễn nhiệm chức vụ thành viên Hội đồng quản trị đối với ông Lã Quý Hiển tại cuộc họp ngày 2/7 tới đây. Đây là cuộc họp bất thường được tổ chức lần thứ 2 của FLC, sau khi cuộc họp thứ nhất vào ngày 10/6 không đủ điều kiện tiến hành do tổng số cổ phần của các cổ đông tham dự chỉ đạt hơn 33%.
Sau khi ông Trịnh Văn Quyết và bà Hương Trần Kiều Dung rời Hội đồng quản trị FLC và mới đây là ông Lã Quý Hiển, Hội đồng quản trị của tập đoàn này chỉ còn 2 người là Chủ tịch Đặng Tất Thắng và bà Bùi Hải Huyền. FLC cần bầu bổ sung thành viên vào Hội đồng quản trị, sau đó mới có thể tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022.
Cổ phiếu cùng hệ sinh thái FLC là AMD của CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone cũng có một tuần giao dịch tích cực khi tăng gần 15%. AMD mới đây đã tổ chức thành công cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, theo đó, cổ đông đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với doanh thu hợp nhất là 1.000 tỷ đồng và mục tiêu lợi nhuận trước thuế là 12 tỷ đồng. Doanh nghiệp cho biết sẽ tập trung nguồn lực để đưa vào khai thác mỏ đá Cao Ngọc và đẩy nhanh quá trình đầu tư xây dựng, mở rộng mặt bằng khai thác các mỏ, hoàn thiện lắp đặt dây chuyền sản xuất đá tự nhiên tại Thanh Hóa nhằm tăng công suất khai thác, sản xuất, đầu tư và phát triển hệ thống phân phối đá tự nhiên tại thị trường trong nước cũng như thị trường xuất khẩu.
Cổ phiếu CCL của CTCP Đầu tư và Phát triển Đô thị Dầu khí Cửu Long cũng tăng hơn 12% chỉ sau một tuần giao dịch. Thông tin hỗ trợ cổ phiếu này đến từ công bố Nghị quyết HĐQT về việc trả cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 12% (tỷ lệ thực hiện quyền 25:3). Theo phương án này, doanh nghiệp dự kiến phát hành gần 5,7 triệu cổ phiếu cho kỳ trả cổ tức này. Thơi gian thực hiện dự kiến trong năm 2022; sau khi được UBCKNN thông báo nhận đủ hồ sơ báo cáo phát hành của công ty.
Bên cạnh đó, nhiều cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao cũng có biến động tích cực sau nhiều tuần đi xuống đó là HDC của CTCP Phát triển Nhà Bà Rịa-Vũng Tàu (5,8%), THD của CTCP Thaiholdings (5,6%), DXG của CTCP Tập đoàn Đất Xanh (5,1%)…
Dù vậy, vẫn còn nhiều cổ phiếu bất động sản tiếp tục biến động theo chiều hướng tiêu cực. Đứng đầu danh sách giảm giá là VHD của CTCP Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị Vinaconex với 25,9%. Tuy nhiên, VHD nằm trong diện thanh khoản rất thấp với khối lượng khớp lệnh bình quân chỉ vài trăm cổ phiếu/phiên.
TDH của CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House) cũng giảm hơn 21% chỉ sau một tuần giao dịch. Doanh nghiệp phát đi thông cáo cho biết sau khi tổ chức ĐHĐCĐ thường niên ngày 22/12/2021, ban điều hành mới đã chính thức tiếp nhận và điều hành hoạt động kinh doanh của Thuduc House. Qua quá trình điều hành, ban điều hành mới nhận thấy nhiều giao dịch gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích hợp pháp của các cổ đông. Do đó, ban điều hành mới đã công bố công khai một số thông tin giao dịch của Thuduc House được lãnh đạo doanh nghiệp đánh giá là vi phạm nghiêm trọng pháp luật và có những dấu hiệu biến công thành tư, thể hiện lợi ích của một nhóm người bắt đầu từ những quan hệ mang tính gia đình trị.
Trong danh sách giảm giá nhóm bất động sản còn có một số cổ phiếu đáng chú ý như ITA của CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (-8,2%), IDJ của CTCP đầu tư IDJ Việt Nam (-7,8%), HDG của CTCP Tập đoàn Hà Đô (-6,3%)…
Tại nhóm bất động sản vốn hóa lớn, phần lớn cổ phiếu đều đi xuống trong tuần giao dịch vừa qua. Tại top 10 vốn hóa chỉ có PDR của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (4,4%), CTCP Tập đoàn KSFinance (2%) và SSH của CTCP Phát triển Sunshine Homes (5,6%) tăng giá. Trong khi đó, VRE của CTCP Vincom Retail giảm hơn 6%, tương tự, BCM của Tổng Công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp cũng giảm gần 8%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường