Nhiều doanh nghiệp kêu gọi cổ đông "góp tiền" trả nợ
Mùa đại hội cổ đông năm nay, nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch huy động vốn thông qua phát hành thêm cổ phiếu. Trong đó, khối công ty chứng khoán tất bật chuẩn bị các kế hoạch tăng vốn nhằm bổ sung vốn cho các hoạt động kinh doanh, đặc biệt là mảng cho vay giao dịch ký quỹ (margin). Khối doanh nghiệp sản xuất kêu gọi vốn từ cổ đông với mục đích mở rộng sản xuất, đầu tư dự án.
Ở một khía cạnh khác, không ít doanh nghiệp lên kế hoạch phát hành cổ phiếu nhằm huy động vốn để cơ cấu các khoản vay, hoặc thanh toán các khoản nợ đến hạn. Bên cạnh chào bán riêng lẻ, đa số doanh nghiệp cần vốn để trả nợ, nhất là doanh nghiệp xây dựng, bất động sản, lên phương án huy động vốn từ cổ đông hiện hữu.
Chẳng hạn, Công ty cổ phần Xây dựng 47 (mã chứng khoán C47) có kế hoạch chào bán 30 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 100:82,5, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Số tiền thu về dự kiến là 300 tỷ đồng sẽ được Công ty dùng để thanh toán các khoản nợ vay.
Trong năm 2023, chủ đầu tư một số dự án của Xây dựng 47 giải ngân chậm dẫn đến việc Công ty phải vay ngân hàng hoặc thuê tài chính nhằm đầu tư máy móc, thiết bị. Tính đến cuối năm 2023, Xây dựng 47 có 1.370,6 tỷ đồng nợ phải trả, gấp 3,1 lần vốn chủ sở hữu (437 tỷ đồng), trong đó có hơn 706 tỷ đồng nợ vay. Chi phí lãi vay của doanh nghiệp trong năm qua là gần 67 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 32% so với năm 2022.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Phát triển nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (Hodeco, mã chứng khoán HDC) thông báo chào bán gần 20 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 15.000 đồng/cổ phiếu. Toàn bộ số tiền từ đợt chào bán dự kiến là 300 tỷ đồng sẽ được Hodeco dùng để thanh toán gốc và lãi của 8 hợp đồng tín dụng, bao gồm trả cho BIDV 75 tỷ đồng, PG Bank 91 tỷ đồng, TPBank 54 tỷ đồng, Vietcombank 80 tỷ đồng.
Tương tự, Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã chứng khoán VCG) lên phương án chào bán tối đa 119,7 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương đương 20% số cổ phiếu đang lưu hành, với giá 10.500 đồng/cổ phiếu. Số tiền dự kiến thu được từ đợt chào bán là 1.197 tỷ đồng sẽ được Vinaconex sử dụng để thanh toán các khoản nợ đến hạn, bao gồm nợ ngân hàng, các tổ chức tín dụng, nhà thầu, nhà cung cấp đến hạn trả trong năm 2024 và 2025.
Tính tới cuối năm 2023, Vinaconex có tổng nợ phải trả 20.453 tỷ đồng, chiếm 67% tổng nguồn vốn. Trong đó, tổng dư nợ vay là 11.098 tỷ đồng, bao gồm 4.962 tỷ đồng vay dài hạn, chủ yếu vay ngân hàng và một phần dư nợ trái phiếu đến hạn trả vào tháng 6/2024 (1.599 tỷ đồng).
Tại Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest, mã chứng khoán HPX), doanh nghiệp này muốn huy động 3.000 tỷ đồng để tái cơ cấu nợ vay và thanh toán các khoản nợ phải trả đến hạn. Cụ thể, Hải Phát Invest lên phương án chào bán 159,69 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và 140,3 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược, với cùng mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Tính đến 31/12/2023, Hải Phát Invest có tổng nợ vay 2.465,4 tỷ đồng, bằng 68,7% vốn chủ sở hữu. Trong đó, nợ vay ngắn hạn là 1.828,4 tỷ đồng, nợ vay dài hạn là 637 tỷ đồng.
Một “tân binh” trên HOSE là Công ty cổ phần Tập đoàn Cơ khí Công nghệ cao Siba (Siba Group, mã chứng khoán SBG) hồi cuối tháng 3/2024 lên kế hoạch chào bán 11,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 100:46, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, nhằm huy động 115 tỷ đồng để thanh toán nợ phải trả cho nhà cung cấp là Công ty cổ phần Nông sản BIVC Quốc tế.
Việc huy động vốn cổ phần sẽ giúp doanh nghiệp giải quyết các nghĩa vụ thanh toán, cải thiện sức khoẻ tài chính, đồng thời giảm chi phí lãi vay. Tuy nhiên, về dài hạn, nhà đầu tư cần đánh giá kỹ lưỡng tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp sau trả nợ, cũng như khả năng nhận được cổ tức bằng tiền.
Trong các trường hợp trên, Xây dựng 47 và Siba Group dự kiến không trả cổ tức năm 2023, trong khi Hải Phát Invest và Hodeco có kế hoạch trả cổ tức năm 2023 bằng cổ phiếu, với tỷ lệ lần lượt là 5% và 15% (riêng Hải Phát Invest sau khi trả cổ tức mới tiến hành chào bán cổ phiếu).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường