Người mua trả tiền trước tăng lên kỷ lục, FECON lần đầu lỗ từ khi niêm yết
Quý 4/2023, FECON không còn ghi nhận doanh thu từ hoạt động tài chính và lợi nhuận khác, qua đó lỗ ròng gần 44 tỷ đồng. Đồng thời cũng là năm đầu tiên Công ty lỗ kể từ 2008.
Nếu nhìn vào phần đầu bảng báo cáo hoạt động kinh doanh của CTCP FECON (HOSE: FCN) ít ai có thể nghĩ kết quả cuối cùng lại gây thất vọng.
Doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ trong quý cuối năm 2023 tăng trưởng 25% so với cùng kỳ năm 2022, cho thấy sự phục hồi phần nào của mảng xây lắp, lĩnh vực chính mà FCN đang tham gia, cộng với giá vốn không tăng theo tương xứng, góp phần làm lãi gộp tăng hơn 161%.
Thuận lợi với FCN còn đến từ tiết giảm chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp, lần lượt 14% và 4%.
Tuy nhiên, như Công ty giải trình, những điều tích cực trên vẫn là chưa đủ bù đắp cho sự chênh lệch lớn trong khoản thu từ hoạt động tài chính, cụ thể là âm 260 triệu đồng trong khi cùng thời điểm năm trước ghi nhận 131 tỷ đồng phần lớn đến từ việc bán dự án điện mặt trời Vĩnh Hảo 6. Chưa kể chi phí lãi vay tăng 36% do ảnh hưởng của đợt tăng lãi suất từ cuối năm 2022 và dư nợ vay tăng.
Việc lỗ 3.7 tỷ đồng lợi nhuận khác của FCN có thể xem là một bất lợi nữa trong việc tạo ra sự khác biệt kết quả cuối cùng do năm nay Công ty không còn hạch toán thu nhập từ hợp đồng hợp tác sử dụng chung đường dây truyền tải điện nhà máy điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng, khi mà trước đó lãi gần 26 tỷ đồng.
Chỉ riêng quý 4 sa sút đã kéo theo khoản lỗ 32 tỷ đồng cả năm 2023, qua đó tiếp tục là năm gây thất vọng đối với cổ đông FCN khi lãi giảm liên tục kể từ năm 2018. Và chỉ hoàn thành khoảng 76% mục tiêu doanh thu đề ra trước đó.
Kết quả thực hiện so với kế hoạch của FCN năm 2023 (Đvt: tỷ đồng)
Cuối năm 2023, tiền và các khoản tương đương tiền của FCN gấp 4 lần so với hồi đầu năm, ghi nhận hơn 700 tỷ đồng. Trong khi đó, phía bên kia bảng cân đối, người mua trả tiền trước ngắn hạn cũng có mức đột biến tương tự, tăng thêm gần 870 tỷ đồng so với một năm trước lên mức cao nhất từ trước tới nay 1.1 ngàn tỷ đồng nhưng không được thuyết minh cụ thể. Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của FCN nhờ đó dương 409 tỷ đồng trong khi cùng kỳ âm 202 tỷ đồng.
Một số biến động đáng kể khác có thể kể đến như trả trước cho người bán ngắn hạn 676 tỷ đồng, so với trước đó con số này đã tăng thêm 440 tỷ đồng. Đầu tư vào công ty liên kết, liên doanh gấp đôi đầu năm, lên 329 tỷ đồng.
Trong năm 2023, cơ cấu công ty con của FCN cũng có vài sự thay đổi. BCTC quý 4 của Công ty xuất hiện thêm những cái tên gồm CTCP FECON Hiệp Hòa, CTCP FECON Phổ Yên. Trong khi đó, CTCP Địa kỹ thuật tiên tiến Raito - FECON từ vị trí công ty liên doanh, liên kết nay nằm trong danh sách các công ty con được hợp nhất. Ngược lại, Công ty TNHH MTV Nguồn Nhân lực FECON không còn hiện diện vào thời điểm cuối năm.
FECON Hiệp Hòa xuất hiện sau khi FCN nhận quyết định từ UBND tỉnh Bắc Giang, qua đó trở thành chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Danh Thắng - Đoan Bái tại tỉnh Bắc Giang. Dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 1 ngàn tỷ đồng.
Tương tự, ngay từ đầu năm 2023, FECON Phổ Yên được thông báo chính thức trở thành chủ đầu tư dự án khu đô thị Nam Thái (phần diện tích 25 ha) (tên thương mại là dự án khu đô thị Quảng Trường) tại thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên với tổng mức đầu tư hơn 2.2 ngàn tỷ đồng.
Ngoài ra, ở lĩnh vực thế mạnh như thi công nền móng và hạ tầng, FCN ghi nhận trúng loạt gói thầu ở các dự án với tổng giá trị hơn 4.7 ngàn tỷ đồng trong năm qua. Đặc biệt giai đoạn cuối năm, FCN cùng các công ty liên doanh ghi nhận sự đột phá khi mang về loạt gói thầu giá trị lên tới hơn 3.3 ngàn tỷ đồng, là các hạng mục trong các dự án lớn như dự án đầu tư Khu bến Phoenix - Cảng Vũng Áng, Trụ sở Công an tỉnh Quảng Ninh, Nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4,...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận