24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Đại Tư Tế
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Ngân hàng muốn cho vay nhưng không hạ chuẩn, giảm sâu lãi

Áp lực "phải cho vay" ngày càng tăng, nhưng ngân hàng vừa thận trọng với nợ xấu, vừa không thể giảm lãi suất cho vay mạnh tay.

Ngân hàng bản chất là doanh nghiệp "buôn tiền", với hoạt động chính là huy động và cho vay. Nguồn thu từ lãi là nồi cơm chính, chiếm tỷ trọng chủ yếu trên tổng doanh thu. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, việc cho vay gặp nhiều rào cản.

11 tháng qua, dư nợ cho vay mới tăng 8,21%, cách xa mục tiêu 14,5% cả năm và thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Diễn biến này cũng là chủ đề chính trong hội nghị sáng 7/12 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì.

Nguyên nhân lớn nhất là sức cầu yếu của nền kinh tế yếu, hoạt động kinh doanh khó khăn khiến khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp suy giảm. Điều này dẫn tới thực trạng, doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, vừa giảm nhu cầu vay, vừa giảm khả năng tiếp cận tín dụng do khó đáp ứng các điều kiện về tài sản đảm bảo.

Kết quả khảo sát sơ bộ của VnExpress và Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) mới đây cho thấy khó khăn về dòng tiền và việc tiếp cận vốn vay đứng trong top 5 các vấn đề của doanh nghiệp. Chỉ hơn 10% trong hơn 3.500 doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết khả năng vay vốn của họ "tích cực".

Trong khi đó, lĩnh vực không được ưu tiên cho vay là bất động sản, thời gian qua lại "hấp thụ" nhiều vốn nhất, tăng trưởng gấp nhiều lần mức trung bình. Một bên ngân hàng thận trọng, một bên doanh nghiệp liên tục đề xuất nới thêm "room".

Trên báo cáo tài chính của các ngân hàng, cho vay các tổ chức kinh tế vẫn tăng, nhưng động lực chính đa phần đến từ cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản. Công nghiệp chế biến chế tạo, bán lẻ - bán buôn, xây dựng tăng nhẹ hoặc không tăng, trong khi nhiều lĩnh vực khác thậm chí còn giảm.

Để dòng vốn tín dụng chảy nhanh hơn, các doanh nghiệp, hiệp hội đề xuất ngân hàng linh động hơn trong việc cho vay, giảm bớt thủ tục, yêu cầu tài sản đảm bảo. Ngay cả nhóm doanh nghiệp bất động sản, được "ưu ái" về dòng vốn trong 9 tháng đầu năm, cũng tiếp tục kêu các ngân hàng hạ chuẩn, đơn giản hóa thủ tục.

Tuy nhiên, các tiêu chuẩn để đảm bảo tính an toàn của khoản vay, như yếu tố pháp lý của tài sản đảm bảo, là yêu cầu không thể giản lược, bởi theo các quy định trong việc quản trị rủi ro mà các nhà băng phải tuân thủ.

Yêu cầu như "hạ chuẩn vay, giảm lãi vay sâu hơn nữa" không thể đáp ứng, bởi nhà băng đang vướng nhiều nút thắt, theo chuyên gia.

Đầu tiên là vì nợ xấu - áp lực mà hầu hết ngân hàng đang đối mặt, khiến họ càng không dám hạ điều kiện cho vay. Quy mô nợ nhóm 3-5 của các ngân hàng đều tăng mạnh, thậm chí mức tăng tính bằng lần. Trong nhóm quốc doanh, quy mô nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) và nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) của Vietcombank tới cuối quý III gấp hơn 7 lần đầu năm. Với BIDV, nợ nhóm 3 tăng gần 40% còn nợ nhóm 4 gấp 3,5 lần.

Ở nhóm ngân hàng tư nhân, tốc độ tăng nợ xấu không kém. Hết quý III, quy mô nợ nhóm 3 và 4 của Techcombank đều trên 2.000 tỷ đồng, hơn gấp đôi so với cuối năm trước. Chỉ tiêu này với VPBank cũng gấp 2,5 lần chỉ sau 9 tháng. Sacombank, VIB, ACB, MB... đều có mức tăng hai chữ số, hoặc vài lần.

Áp lực nợ xấu làm tăng chi phí trích lập dự phòng, lại diễn ra trong bối cảnh hoạt động kinh doanh gặp thách thức.

Tiếp đến, các nhà băng cũng không thể "đua" hạ lãi suất cho vay hoặc giảm lãi mạnh hơn nữa do vướng chi phí vốn huy động đầu vào cao trong nửa cuối năm 2022 và đầu năm 2023.

Quý III, chi phí trả lãi của ba nhà băng quốc doanh Vietcombank, BIDV và VietinBank tăng 40-56%, trong khi thu nhập từ lãi chỉ tăng 17-25%. Kết quả là thu nhập lãi thuần của Vietcombank giảm 9% cùng kỳ, BIDV giảm 3%, còn VietinBank chỉ tăng 1%. Tương tự với nhóm ngân hàng tư nhân, tốc độ tăng chi phí trả lãi gấp đôi hoặc gấp ba tốc độ tăng thu nhập từ lãi. Nhiều ngân hàng ghi nhận thu nhập lãi thuần giảm hai chữ số.

Từ phía doanh nghiệp, lãi vay giảm chậm khiến động lực đi vay để kinh doanh suy giảm. Theo thống kê của WiGroup, đơn vị chuyên cung cấp dữ liệu kinh tế tài chính, chi phí lãi vay quý III giảm 1.552 tỷ đồng so với quý II, tức giảm 11,2%. Tuy nhiên con số này vẫn nằm ở mức cao trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, chỉ đứng sau quý liền kề trước đó. Còn nếu tính theo tỷ lệ phần trăm, quý III, VNDirect thống kế chi phí lãi vay đạt 6,8% trên tổng lợi nhuận, tiếp tục tăng thêm 0,2 điểm phần trăm so với quý II - cao nhất kể từ đầu năm 2019.

CEO MB Phạm Như Ánh cho hay, lãi suất với một số phân khúc vẫn cao một phần do yếu tố kỳ hạn trong cấu trúc huy động và tín dụng. Như bất động sản, phân khúc này chủ yếu cần dòng vốn trung - dài hạn nhưng huy động hiện nay chủ yếu là kỳ hạn ngắn từ khách hàng cá nhân. Tỷ trọng vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn thu hẹp (giảm xuống 30% từ 1/10) khiến việc giảm lãi suất huy động không đi cùng với giảm chi phí lãi vay. Các nhà băng phải tìm các nguồn huy động kỳ hạn dài với lãi suất cao để cân đối vốn.

Minh Sơn

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
24.85 (0.00%)
46.30 -0.20 (-0.43%)
18.35 +0.15 (+0.82%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả