MWG: Ông Nguyễn Đức Tài tính thu tỷ USD từ đại gia Mỹ
Doanh nghiệp của đại gia gốc Nam Định Nguyễn Đức Tài đặt mục tiêu thu tỷ USD từ Apple và tái cấu trúc Bách Hóa Xanh với kỳ vọng bứt phá từ thị trường tạp hóa trong nước có quy mô 50 tỷ USD.
CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài có lợi thế trong bối cảnh Apple có những động thái đẩy mạnh bán nhanh sản phẩm ở các thị trường đang nổi lên như Việt Nam. Bên cạnh đó là sự phát triển của thị trường tạp hóa quy mô 50 tỷ USD trong nước.
Theo BVSC, hãng Apple đã thể hiện những nỗ lực rõ ràng như cắt giảm thời gian ra mắt giữa Việt Nam và các thị trường cấp cao hơn, xuống còn 3 tuần so với 2 tháng trước. Bên cạnh đó, Apple đa dạng hóa hơn nữa việc sản xuất một số sản phẩm sang Việt Nam.
Trước đây, thị trường xách tay chiếm 50% thị phần Apple tại Việt Nam, nhưng được dự báo sẽ tiếp tục thu hẹp nữa. Thị phần Apple của Thế Giới Di Động được kỳ vọng sẽ mở rộng hơn nữa từ mức 30% hiện tại.
Theo kế hoạch, MWG sẽ nâng số lượng cửa hàng TopZone từ 50 hiện tại lên 100, cùng với việc nâng cấp các cửa hàng hiện có tại Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh. MWG đặt mục tiêu doanh thu Apple năm 2022 sẽ tăng 71% lên 750 triệu USD và tiếp tục tăng lên 1 tỷ USD trong năm 2023.
Thị trường bán lẻ Việt Nam đang sôi động hơn bao giờ hết. Nhiều doanh nghiệp dồn lực để mở rộng mạng lưới, từ thiết bị công nghệ, điện máy, tạp hóa, dược phẩm cho đến bỉm sữa.
Từ cuối 2021, Thế Giới Di Động (MWG) đã có những thử nghiệm đầu tiên với chuỗi bán lẻ hàng hóa cho mẹ và bé AVA Kids, đến nay đã có vài chục cửa hàng. Định hướng của MWG là 1.000 cửa hàng trở lên, với doanh thu 1.000-1.500 tỷ đồng.
Hiện chuỗi cửa hàng mẹ và bé của Con Cưng của tiến sỹ máy tính Nguyễn Quốc Minh đang thống trị thị trường với 655 siêu thị (tính tới 15/9). Con Cưng đặt mục tiêu khai trương 2.000 siêu thị mẹ và bé vào năm 2025.
Trước đó, trong năm 2021, đại gia gốc Nam Định Nguyễn Đức Tài cũng tấn công vào mảng bán lẻ đồ trang sức và kính mắt hàng hiệu để cạnh tranh với trùm vàng bạc đá quý trang sức Cao Ngọc Dung.
Chuỗi nhà thuốc An Khang của MWG cũng đang tăng mạnh. Tính đến cuối tháng 7, An Khang đã có 510 nhà thuốc, trong đó có 432 nhà thuốc đang hoạt động, còn lại đang hoàn thiện chờ khai trương.
Trong khi đó, Công ty bán lẻ kỹ thuật số FPT - FPT Retail (FRT) của ông Trương Gia Bình phát triển với tốc độ nhanh hơn với chuỗi nhà thuốc Long Châu. Hiện FRT đã có 772 cửa hàng thuốc Châu Long, dự kiến mang về 50-100 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2022.
Mảng dược phẩm được đánh giá có triển vọng tốt. Tuy nhiên, kinh doanh mảng này không dễ và nó cũng cần các doanh nghiệp dày vốn. Tính đến cuối 2021, Dược phẩm FPT Long Châu còn lỗ lũy kế 150 tỷ đồng, tương đương gần 57% vốn góp của chủ sở hữu.
Tính tới cuối tháng 7/2022, Thế Giới Di Động có 1.070 cửa hàng, trong đó có 50 cửa hàng Topzone. Điện máy Xanh có 2.185 cửa hàng, trong đó có 972 cửa hàng supermini. Trong khi đó, Bách Hóa Xanh có 1.735 cửa hàng. Ava Kids có 68 cửa hàng và Ava sport có 12 cửa hàng.
Bách Hóa Xanh đang trải qua quá trình tái cấu trúc, gồm thay đổi layout và đóng cửa các cửa hàng không hiệu quả. Ước tính Bách Hóa Xanh ghi nhận lỗ khá lớn 1.130 tỷ đồng trong quý II/2022, qua đó đẩy lợi nhuận của MWG suy giảm.
Trong nửa cuối năm 2022, BVSC kỳ vọng chuỗi Thế Giới Di Động và Bách Hóa Xanh sẽ tăng trưởng lạc quan nhờ vào mùa cao điểm. Đây là mùa tựu trường, mùa World Cup và Tết Nguyên đán năm nay đến sớm hơn.
MWG đẩy nhanh việc tìm kiếm lợi nhuận từ thị trường tạp hóa quy mô 50 tỷ USD. Theo BVSC, Bách Hóa Xanh chuyển từ lỗ sang lãi ngay trong năm 2022, qua đó giúp đẩy lợi nhuận chung của MWG trong 2022 tăng 31% lên 6.424 tỷ đồng.
7 tháng đầu năm, ông lớn bán lẻ MWG ghi nhận doanh thu gần 81,9 nghìn tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ, hoàn thành 58% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.811 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ.
Dòng tiền ủng hộ sự phục hồi
Theo BSC, thị trường chứng khoán ghi nhận phiên 14/9 giằng co. Kết thúc phiên giảm giao dịch, đà giảm thu hẹp. Chỉ số VN-Index chỉ còn giảm 8 điểm xuống 1.240,77 điểm với thanh khoản có cải thiện lớn. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tiêu cực với 15/19 ngành giảm điểm. Dù thị trường giảm điểm, nhưng dòng tiền ủng hộ sự hồi phục của chỉ số trong phiên chiều. Trước mắt, chỉ số cần lấp được gap 1.240-1.250.
Theo MBS, trong bối cảnh chứng khoán toàn cầu “rực lửa” sau báo cáo lạm phát tháng 8 gây sốc của Mỹ không như kỳ vọng của nhà đầu tư, mức giảm của thị trường trong nước ở phiên 14/9 được xem là tín hiệu tích cực. Lực cầu bắt đáy đã quay trở lại khi VN-Index bị ép xuống ngưỡng 1.230 điểm, nơi có mặt của ngưỡng hỗ trợ MA50. Nhịp hồi trong phiên chiều cùng sự đảo chiều hàng loạt của nhiều nhóm cổ phiếu, nổi bật như chứng khoán, bất động sản,… sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền ở phiên sắp tới.
Chốt phiên giao dịch 14/9, chỉ số VN-Index giảm 7,63 điểm xuống 1.240,77 điểm. HNX-Index giảm 2,17 điểm xuống 279,42 điểm. Upcom-Index giảm 0,23 điểm xuống 90,16 điểm. Thanh khoản đạt 16,4 nghìn tỷ đồng, trong đó có 14,3 nghìn tỷ đồng trên HoSE.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận