Lợi nhuận ngành thép đang phân hóa?
Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) vừa công bố kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý III/2024. Theo đó, doanh thu của Tập đoàn đạt hơn 34 nghìn tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu tăng nhờ biên lợi nhuận của một số lĩnh vực kinh doanh được cải thiện như thép và nông nghiệp. Cụ thể, nhóm thép tăng 42%, còn nhóm nông nghiệp tăng 80% so với cùng kỳ năm trước. Lĩnh vực cho thuê hạ tầng khu công nghiệp duy trì biên lợi nhuận ổn định ở mức 39%. Trừ các chi phí và thuế, lãi ròng của Hòa Phát đạt 3.022 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước, nhưng giảm gần 9% so với quý II/2024. Như vậy, sau khi xuống đáy trong giai đoạn quý III – quý IV/2022, lợi nhuận của Tập đoàn đã liên tục hồi phục từ quý I/2023 đến quý III/2024.
Xét lũy kế 9 tháng, Hòa Phát ghi nhận hơn 105 nghìn tỷ đồng doanh thu, tương đương hơn 4 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ, hoàn thành 75% kế hoạch năm 2024. Lợi nhuận đạt 9.210 tỷ đồng, tăng 140% so với cùng kỳ và thực hiện 92% kế hoạch lợi nhuận năm.
Một doanh nghiệp nhỏ trong ngành thép cũng báo lãi quý III/2024 tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái là CTCP Thép Tấm lá Thống Nhất (UPCOM: TNS). Cụ thể, trong quý III/2024, doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của TNS đạt 593 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ mức 1,8% của quý III/2023 lên 3,3%, giúp lãi gộp TNS tăng hơn 2,7 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 20,3 tỷ đồng.
Nhờ đó, TNS báo lãi ròng gần 11 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ. Dù vậy, tương tự Hòa Phát, lợi nhuận công ty sụt giảm so với quý liền trước. Công ty đã nỗ lực tìm kiếm khách hàng và nguồn hàng có giá cả hợp lý. Nhờ vậy, sản lượng sản xuất tăng 54% và tiêu thụ tăng 48% so với cùng kỳ năm 2023. Doanh thu tăng là yếu tố chính giúp lợi nhuận của công ty tăng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, TNS mang về tổng doanh thu 2.318 tỷ đồng, gấp 3,5 lần cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt gần 26 tỷ đồng, trong khi quý III/2023 chỉ đạt hơn 120 triệu đồng. Công ty cũng đã vượt gấp 26 lần so với kế hoạch lợi nhuận cả năm 2024.
Trái ngược với những kết quả kinh doanh tích cực này, TISCO và VNSteel bất ngờ báo lỗ trong quý III/2024. Theo đó, trong quý III/2024, CTCP Gang thép Thái Nguyên (TISCO: TIS) ghi nhận khoản lỗ ròng gần 79 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 194 tỷ đồng. TIS cho biết nguyên nhân là do giá bán tiếp tục giảm sâu trong khi giá nguyên vật liệu đầu vào không giảm đáng kể. Khoản lỗ này tiếp tục bào mòn lợi nhuận chưa phân phối của TISCO, chỉ còn lại hơn 15 tỷ đồng tính đến cuối quý III/2024.
Về phần mình, CTCP Thép Thủ Đức – Vnsteel (mã: TDS) có doanh thu thuần đạt hơn 385 tỷ đồng trong quý III, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán tăng nhanh hơn mức tăng doanh thu khiến lợi nhuận gộp giảm 63% so với quý III/2023, xuống còn vỏn vẹn 3,5 tỷ đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, Thép Thủ Đức báo lỗ sau thuế gần 7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ gần 500 triệu đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, Thép Thủ Đức ghi nhận 1.068 tỷ đồng doanh thu, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Do giá vốn bán hàng cao và các chi phí tăng, công ty lỗ sau thuế 9,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 1 tỷ đồng.
Trong báo cáo vừa qua, Chứng khoán MB (MBS) cho rằng trong quý III/2024, các doanh nghiệp gặp nhiều bất lợi trong bối cảnh áp lực giảm giá tăng mạnh do nhu cầu yếu tại Trung Quốc và các thị trường xuất khẩu chính như EU, Mỹ đang điều tra chống bán phá giá. Tuy nhiên, nhu cầu nội địa lại là điểm sáng khi tiêu thụ tăng 20% so với cùng kỳ, nhờ thép xây dựng tăng 25%.
MBS dự báo biên lợi nhuận gộp toàn ngành cải thiện nhờ giá nguyên vật liệu như than và quặng giảm lần lượt 17% và 12%, trong khi giá thép xây dựng giảm 9%.
Theo nhận định của các chuyên gia, giá thép trong nước có triển vọng phục hồi khi Trung Quốc đã đưa ra hàng loạt biện pháp kích thích kinh tế mới nhằm vực dậy thị trường bất động sản. Những nỗ lực này có thể khiến giá thép tại quốc gia này phục hồi, làm giảm lợi thế của thép nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, nguồn cung nhà ở cải thiện và giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh cũng là những động lực tăng trưởng cho giá thép nội địa. Trong quý IV/2024, các doanh nghiệp thép nội địa sẽ kỳ vọng giành thêm thị phần nhờ thuế chống bán phá giá dự kiến được ban hành vào tháng 12/2024.
Trong năm 2025, MBS kỳ vọng thép xây dựng và HRC sẽ tăng lần lượt 7% và 6% so với cùng kỳ, đạt mức 611 USD và 590 USD/tấn. Trong giai đoạn 2025 - 2026, thép xây dựng có thể tăng 7% và 8%, đạt mức 608 USD và 657 USD/tấn.
Cả năm nay, MBS dự báo HPG sẽ ghi nhận lợi nhuận ròng khoảng 2.257 tỷ đồng (tăng 13% so với cùng kỳ) chủ yếu nhờ biên lợi nhuận gộp cải thiện lên khoảng 11% và chi phí tài chính giảm 7%. Đối với các doanh nghiệp tôn mạ, lãi ròng của NKG dự kiến tăng 270% so với cùng kỳ nhờ biên gộp cải thiện lên mức 7% (từ khoảng 2,5% của năm 2023), trong khi HSG giảm 78% so với cùng kỳ do nền cao trong quý III/2023.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường