Lợi nhuận ngành điện tăng gần 60% trong quý 3 nhờ đâu?
Lãi gộp quý 3/2021 của các doanh nghiệp ngành điện ghi nhận chỉ tăng 2% so cùng kỳ. Khoản thu tài chính cao gấp hơn 3 lần cùng kỳ chính là yếu tố thúc đẩy lợi nhuận nhóm doanh nghiệp điện tăng trưởng đến 59%.
Lãi ròng quý 3 ngành điện tăng 59%, phần lớn nhờ lãi tài chính
Ngành điện vừa đón chào một thành viên mới lên sàn là EVN Genco2 (UPCoM: GE2). Trong quý 3/2021, GE2 báo doanh thu thuần 4,832 tỷ đồng và lãi ròng 1,387 tỷ đồng. Do quý 3 này là quý kinh doanh đầu tiên từ khi cổ phần hóa nên không so sánh với số liệu cùng kỳ. Tính đến 30/09/2021, GE2 đang có tổng tài sản 46,187 tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn chiếm 13,916 tỷ đồng, tài sản dài hạn chiếm 32,272 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế lũy kế đạt 1,822 tỷ đồng.
Nếu không tính kết quả của GE2, nhóm doanh nghiệp ngành điện trên sàn đã tạo ra tổng cộng 31,650 tỷ đồng doanh thu trong quý 3/2021, giảm 6% so cùng kỳ. Tuy nhiên, lãi ròng lại tăng trưởng 59% lên mức 3,474 tỷ đồng. Có 18 doanh nghiệp báo lãi tăng, 19 doanh nghiệp sụt giảm lãi, 5 doanh nghiệp chuyển lỗ sang lãi và 9 doanh nghiệp thua lỗ.
Nhìn chung, tăng trưởng lợi nhuận ngành điện không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi mà phần nhiều nhờ sự tích cực hơn ở hoạt động tài chính. Cụ thể, khoản thu tài chính quý 3/2021 đạt tổng cộng 1,290 tỷ đồng, gấp 3.4 lần cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí tài chính giảm 24% giúp hoạt động tài chính các doanh nghiệp điện chỉ lỗ 5 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ tài chính 1,328 tỷ đồng).
Doanh thu, chi phí tài chính và lãi gộp quý 3/2021 của 50 doanh nghiệp ngành điện. Đvt: Tỷ đồng
5 doanh nghiệp tăng trưởng bằng lần
Trong quý 3 vừa qua, PV Power (HOSE: POW) ghi nhận doanh thu quý 3/2021 giảm 13% so cùng kỳ về mức 5,342 tỷ đồng. Dù vậy, giá vốn có tốc độ giảm mạnh hơn với tỷ lệ 19%, chủ yếu do giảm sản lượng điện sản xuất tại Công ty mẹ và các công ty con. Lãi gộp theo đó tăng 54% lên 843 tỷ đồng. Sau cùng, POW báo lãi ròng đạt 483 tỷ đồng, tăng 359%, tức gấp 4.6 lần cùng kỳ.
Ngoài POW, ngành điện còn ghi nhận 4 doanh nghiệp báo lãi tăng bằng lần trong quý 3/2021 gồm những NBP, TMP, EIC và GSM.
Quán quân tăng trưởng kỳ này chính là Nhiệt điện Ninh Bình (HNX: NBP) với lãi ròng tăng 642% (gấp 7.4 lần) cùng kỳ. NBP cho biết, trong quý Công ty ký được hợp đồng sửa đổi bổ sung số 01 Hợp đồng mua bán điện giữa NBP và EVN ký ngày 11/08/2021 là 178,129.5 đồng/kw/tháng. Bên cạnh đó, Công ty tạm hạch toán tiền chênh lệch doanh thu cố định 6 tháng đầu năm 2021 theo giá cố định giống như trên, số còn lại Công ty sẽ hạch toán vào tháng 10/2021 khi xuất được hóa đơn bán điện.
Các doanh nghiệp điện tăng lãi trong quý 3/2021. Đvt: Tỷ đồng
Xét về con số tuyệt đối, EVN Genco3 (UPCoM: PGV) đóng góp đáng kể cho lợi nhuận chung toàn ngành với 889 tỷ đồng lãi ròng, tăng 64% so cùng kỳ. PGV ghi nhận doanh thu giảm 5% so cùng kỳ, ở mức 8,762 tỷ đồng. Kết quả đi lên chủ yếu do Công ty có khoản lãi chênh lệch tỷ giá đến 541 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ chênh lệch tỷ giá 100 tỷ đồng.
NT2, KHP chuyển lỗ thành lãi
Ở diễn biến đáng chú ý khác, Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (HOSE: NT2) công bố kết quả kinh doanh quý 3/2021 với lãi ròng 273 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận tốt nhất của NT2 trong 3 năm gần đây.
NT2 báo lãi cao nhất kể từ sau quý 4/2017. Đvt: Tỷ đồng
Tính chung giai đoạn 9 tháng đầu năm 2021, NT2 đem về 4,515 tỷ đồng doanh thu thuần và 413 tỷ đồng lãi ròng, lần lượt giảm 5% và 2% so cùng kỳ. Công ty đã thực hiện 89% kế hoạch lợi nhuận năm 2021 cổ đông giao phó.
5 doanh nghiệp điện chuyển lỗ sang lãi trong quý 3/2021. Đvt: Tỷ đồng
Vẫn còn nhiều doanh nghiệp sa sút lợi nhuận
Bức tranh kinh doanh quý 3 của ngành điện thể hiện một gam màu bi quan khi ghi nhận đến 8 doanh nghiệp báo lãi sụt giảm hơn phân nửa so cùng kỳ.
19 doanh nghiệp điện giảm lãi trong quý 3/2021. Đvt: Tỷ đồng
Có mức “bốc hơi lợi nhuận” nhiều nhất chính là Nhiệt điện Hải Phòng (UPCoM: HND). Quý 3/2021, HND ghi nhận sản lượng điện cao hơn cùng kỳ. Tuy nhiên, do giá điện, sản lượng điện hợp đồng Qc giảm dẫn đến doanh thu đi lùi 4%, ở mức 2,195 tỷ đồng. Trong khi đó, giá vốn vẫn tăng 7% do sản lượng tăng. Điều này khiến lãi gộp của Công ty co lại đến 87%. HND giảm đến 96% lãi ròng so cùng kỳ, chỉ đem về 6 tỷ đồng.
Trường hợp của Đầu tư Xây dựng và Phát triển Trường Thành (HOSE: TTA), dù doanh thu tăng 8% song lãi ròng vẫn giảm 53% so cùng kỳ. TTA cho biết, nguyên nhân do giá vốn sản xuất tăng mạnh 165% vì có thêm chi phí khấu hao của 2 nhà máy mới là Điện mặt trời Hồ Núi Một 1 và Thủy điện PáHu.
Do đâu VSH và PPC bất ngờ thua lỗ?
Tình hình khó khăn hơn, 9 doanh nghiệp đã phải báo lỗ trong quý 3/2021, đáng chú ý có sự góp mặt của PPC và VSH.
9 doanh nghiệp điện thua lỗ trong quý 3/2021. Đvt: Tỷ đồng
Tương tự, Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (HOSE: VSH) cũng gây thất vọng khi báo lỗ 42 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 30 tỷ đồng). Trước đó, VSH có 4 quý báo lãi liên tiếp, với trung bình trên 100 tỷ đồng mỗi quý.
VSH cho biết chi phí lãi vay phát sinh từ các khoản vay đầu tư xây dựng nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum đã được ghi nhận vào chi phí tài chính sau khi nhà máy vận hành thương mại, dẫn đến chi phí tài chính quý 3/2021 tăng 105 tỷ đồng (gấp 35 lần) so với cùng kỳ. Đây là nguyên nhân chính cho kết quả đi xuống của VSH.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận