Lợi nhuận biến hình hậu kiểm toán
Mùa kiểm toán báo cáo tài chính năm 2023, lợi nhuận của các doanh nghiệp tiếp tục “nhảy múa” khi có sự chênh lệch lớn giữa báo cáo tài chính mà doanh nghiệp tự lập với báo cáo tài chính kiểm toán. Nhiều doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận tăng bằng lần sau kiểm toán, trong khi nhiều doanh nghiệp “bốc hơi” lợi nhuận, thậm chí từ lời hóa lỗ, hoặc lỗ chồng lỗ sau kiểm toán.
Muôn màu hậu kiểm toán
Xét về tỉ lệ phần trăm, có lẽ Công ty Cổ phần Hồng Hà Việt Nam (mã PHH) là cái tên nổi bật khi hậu kiểm toán, lợi nhuận sau thuế năm 2023 của doanh nghiệp này tăng bằng lần. Ở báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 tự lập, Công ty báo lãi sau thuế vỏn vẹn 49 triệu đồng. Tuy nhiên, sau kiểm toán, lợi nhuận sau thuế lên tới 2,3 tỉ đồng, nguyên nhân là do thời điểm lập báo cáo tài chính, Công ty chưa xử lý hợp nhất công ty liên kết theo phương pháp vốn chủ sở hữu, dẫn đến lợi nhuận sau kiểm toán năm 2023 gấp gần 47 lần so với báo cáo công ty tự lập.
Ở trường hợp khác, Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (mã TTF) lại là điển hình “hóa lỗ” hậu kiểm toán. Công ty báo lãi 3,9 tỉ đồng năm 2023 trên báo cáo tài chính tự lập, nhưng hậu kiểm toán, doanh nghiệp này đã “hóa lỗ” hơn 144,2 tỉ đồng. Nguyên nhân là sau kiểm toán, Công ty phải ghi nhận bổ sung các khoản mục chi phí, trong đó đáng chú ý nhất là khoản mục 72 tỉ đồng chi phí thuế và lãi trả chậm nộp theo kết luận thanh tra thuế từ Cục Thuế Bình Dương.
Trong khi đó, kiểm toán lại là nguyên nhân “thổi bay” hàng trăm tỉ đồng lợi nhuận của Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (mã LTG). Lợi nhuận sau thuế hợp nhất sau kiểm toán của Lộc Trời giảm hơn 248,6 tỉ đồng so với báo cáo mà Công ty tự lập. Nguyên nhân chính là sau kiểm toán, lợi nhuận từ công ty liên kết giảm 315,2 tỉ đồng do việc loại trừ lãi từ các giao dịch giá rẻ.
Chênh lệch số liệu giữa báo cáo tài chính kiểm toán và tự lập của các doanh nghiệp diễn ra như câu chuyện muôn thuở mỗi mùa báo cáo được công bố. Các số liệu này không chỉ phản ánh sự chênh lệch rõ ràng giữa báo cáo tài chính tự lập và báo cáo kiểm toán, mà còn đặt ra câu hỏi về tính minh bạch và độ chính xác của thông tin tài chính được công bố.
Trọng quyền kiểm toán
Trên thực tế, ý kiến của đơn vị kiểm toán đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá và nhìn nhận về tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trên thị trường chứng khoán, những phản ánh từ đơn vị kiểm toán không chỉ là cơ sở để các nhà đầu tư đưa ra quyết định mua bán cổ phiếu mà còn ảnh hưởng đến các quy định và biện pháp quản lý của cơ quan quản lý thị trường như cắt margin, đưa cổ phiếu vào diện kiểm soát đặc biệt, hoặc thậm chí hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu.
Chia sẻ về sự khác nhau giữa báo cáo tài chính tự lập và kiểm toán, chuyên gia kinh tế Phan Lê Thành Long cho rằng có 3 nguyên nhân dẫn đến chênh lệch báo cáo tài chính sau kiểm toán. Đầu tiên là khác biệt về áp dụng chuẩn mực kế toán, ghi nhận doanh thu hay chi phí. Có rất nhiều doanh nghiệp ghi nhận doanh thu nhưng không được kiểm toán chấp nhận vì chưa đủ điều kiện ghi nhận doanh thu, hoặc hạch toán thiếu các loại chi phí.
Thứ 2 là ước tính kế toán khác nhau, liên quan đến các khoản trích lập dự phòng hoặc ước tính doanh thu. Và thứ 3 là những giao dịch có chủ đích không được chấp nhận, như việc mua bán dự án, công ty con khi một số doanh nghiệp mua bán công ty và tạo ra những khoản lãi từ giao dịch mua rẻ.
Trong quá khứ, các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái của FLC đã chật vật tìm đơn vị kiểm toán để công bố báo cáo theo đúng quy định. Tuy nhiên, nhiều cổ phiếu thuộc hệ sinh thái này đã phải rời sàn do không tìm được đơn vị kiểm toán. Và với sự kiện của Ngân hàng SCB mới đây, Hội đồng Xét xử đề nghị Bộ Công an làm rõ trách nhiệm của 3 hãng kiểm toán từng kiểm toán tại SCB và xử lý nếu đủ căn cứ. Đó là giai đoạn sau hợp nhất, từ năm 2012 đến năm 2020, 3 hãng kiểm toán lớn gồm EY Việt Nam, Deloitte Việt Nam và KPMG Việt Nam được SCB thuê làm đơn vị kiểm toán độc lập hằng năm. Trong một thập kỷ, 3 hãng kiểm toán thuộc nhóm Big 4 này đều đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần với báo cáo tài chính của SCB và không cho thấy những điểm bất thường nào về tình hình tài chính của ngân hàng.
Trên thế giới, vụ bê bối của Enron từng khiến Arthur Andersen, một công ty kiểm toán nổi tiếng nằm trong Big 5 thời đó sụp đổ và chỉ còn Big 4. Mới nhất là những sự vụ liên quan đến Tập đoàn Evergrande, đơn vị kiểm toán cho tập đoàn này cũng đang đứng trước nhiều nguy cơ.
Chênh lệch lợi nhuận giữa báo cáo tự lập và báo cáo kiểm toán không chỉ là một chỉ báo về sự minh bạch và đáng tin cậy của doanh nghiệp, mà còn phản ánh sự hiệu quả trong hoạt động quản lý và kinh doanh nội tại của chính doanh nghiệp đó. Và việc tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi với chiến lược đúng đắn luôn là kim chỉ nam cho mọi thành công.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận