Lộ diện công ty cũ của Shark Vương nắm gần 250 tỷ đồng cổ phiếu EIB
Báo cáo tài chính quý IV/2020 cho thấy, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp 1 Việt Nam (Generalexim - TH1), công ty cũ của Shark Vương đang nắm giữ gần 250 tỷ đồng cổ phiếu EIB.
CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp I Việt Nam (Generalexim - TH1), công ty cũ của Shark Vương (Trần Anh Vương) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2020.
Công ty cũ của Shark Vương "phú quý giật lùi"
Theo đó, TH1 chỉ đạt doanh thu thuần cả năm gần 113 tỷ đồng và lỗ ròng hơn 44 tỷ đồng trong năm 2020. Kéo theo lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2020 vượt trên 381 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 197 tỷ đồng.
Ngoài khoản lỗ trăm tỷ, TH1 còn "ngập" trong nợ nần khi nợ phải trả tính đến hết năm ngoái hơn 939 tỷ đồng, tăng 27 tỷ đồng và cao hơn 26% tổng nguồn vốn hiện có.
Trong đó, phần lớn tổng nợ phải trả là nợ đi vay, gần 568 tỷ đồng, hầu hết là nợ vay ngắn hạn. Khoản nợ đi vay này đã giảm 19 tỷ đồng so với đầu năm. Ngoài ra, công ty có ghi nhận hơn 337 tỷ đồng nợ xấu với giá trị có thể thu hồi khoảng 300 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp 1 Việt Nam (TH1) là 1 trong những doanh nghiệp do ông Trần Anh Vương (Shark Vương) từng làm Chủ tịch HĐQT. Ông Trần Anh Vương đã xuất hiện trong chương trình truyền hình "Thương vụ bạc tỷ" với tên được biết là Shark Vương và là một trong những người đầu tư nhiều vụ nhất trong chương trình. Trong năm 2018, Shark Vương từ nhiệm khỏi chức vụ Chủ tịch HĐQT TH1. Đến tháng 4/2019, Shark Vương cũng không còn là thành viên HĐQT của TH1.
Được biết, TH1 – công ty cũ của vị "cá mập" này lên sàn với báo cáo tài chính ấn tượng, cổ phiếu TH1 được nhiều nhà đầu tư săn đón với mức giá trên dưới 70.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, những năm sau đó, kết quả kinh doanh của Công ty tụt dần đều, cùng với đó giá cổ phiếu cũng lao dốc không phanh khi hiện đang ở mức 5.500 đồng/CP.
Năm 2019, TH1 đạt lợi nhuận sau thuế tới 79 tỷ đồng, tăng 95,44% so với thực hiện của năm 2018. Năm 2010, Công ty đạt 56,32 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, dù giảm 28,7% so với năm đột biến 2019, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với kế hoạch đặt theo bản cáo bạch niêm yết (vượt 86,8% so với kế hoạch).
Tuy nhiên, đó cũng chính là giai đoạn đỉnh cao của TH1 khi các năm sau đó, kết quả kinh doanh của Công ty biến động theo kiểu "phú quý giật lùi".
Cụ thể, năm 2011, lợi nhuận sau thuế của TH1 giảm 62%, xuống 21,46 tỷ đồng, năm 2012 tiếp tục giảm 48,4%, xuống 11,08 tỷ đồng, năm 2013, lợi nhuận sau thuế chỉ còn 7,38 tỷ đồng, giảm 33,4%, năm 2014 tiếp tục giảm 44,2% và năm 2015, công ty lần đầu tiên lỗ kể từ khi niêm yết.
Ngay cả giai đoạn dưới sự điều hành của Shark Vương, TH1 cũng không có kết quả tích cực. Năm 2017, công ty này đạt doanh thu 206,5 tỷ đồng, giảm 33% so với năm 2016, thua lỗ 142 tỷ đồng. Mức lỗ này cũng được cho là gấp tới 14 lần so với kế hoạch năm 2017 đề ra là lỗ 10 tỷ đồng.
Năm 2016, TH1 cũng thua lỗ tới 133,7 tỷ đồng dù doanh thu là 307 tỷ đồng. Năm 2015 công ty này đạt doanh thu trên 1.000 tỷ đồng nhưng lỗ tới 134,4 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính năm 2018 cho thấy, dù rất nỗ lực nhưng TH1 vẫn lỗ trên 22 tỷ đồng.
Thập niên "gắn bó" với cổ phiếu EIB của Eximbank
Tại báo cáo tài chính quý IV/2020 của TH1, doanh nghiệp cũ của Shark Vương đang sở hữu một lượng lớn cổ phiếu EIB của Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) với giá trị hợp lý gần 248 tỷ đồng tính đến cuối 2020.
Số liệu từ các báo cáo tài chính trước đó cho thấy, khoản đầu tư này đã được TH1 nắm giữ trong hơn 1 thập niên vừa qua. Năm 2009, giá thị trường của số cổ phiếu EIB do TH1 nắm giữ có giá trị thị trường 221 tỷ đồng.
Trích báo cáo tài chính quý IV/2020 của TH1
Trong năm 2020, dòng tiền từ nhà đầu tư trong nước đổ vào thị trường chứng khoán thúc đẩy đà tăng giá chóng mặt của nhiều cổ phiếu. Đối với EIB, dù giao dịch khá ổn định trong cả năm trước nhưng đã bắt đầu bật tăng từ giữa tháng 12. Chỉ tính trong một tháng kể từ 21/12/2020 đến nay, giá trị thị trường khoản đầu tư vào EIB của TH1 đã tăng hơn 19%, tương ứng tăng hàng chục tỷ đồng.
Dù vậy trên thực tế, số cổ phiếu EIB nói trên đã được TH1 thế chấp để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cho Ngân hàng Việt Á vào tháng 8/2018 theo thông tin tại BCTC soát xét bán niên 2020. Tuy nhiên, xác nhận công nợ vào ngày 27/7/2020 của VietABank chi nhánh Hà Nội cho thấy, dư nợ gốc của TH1 tại ngân hàng là 0 đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận