Kinh doanh bết bát, nhiều doanh nghiệp đang phải ‘cắt máu’ cầm cự
Dư âm hậu đại dịch kéo dài, nhiều doanh nghiệp loay hoay xoay xở trả nợ bằng cách bán bớt dự án bất động sản, cắt giảm nhân sự, thậm chí đóng cửa công ty con để gắng vượt qua thời điểm khó khăn.
Mới nhất, CTCP Đầu tư Thương mại SMC (SMC) đã thông qua việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuê, vật dụng, kiến trúc trên đất tại tại SMC Bình Dương – Khu công nghiệp Đồng An, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương với diện tích 6.197 m2, giá trị bán dự kiến 49 tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp loay hoay xoay xở trả nợ bằng cách bán bớt dự án bất động sản, thậm chí đóng cửa công ty con. (Hình minh họa)
Trước đó, HĐQT SMC đã thông qua nghị quyết chủ trương thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh, nhân sự trong toàn bộ hệ thống, tiết giảm tất cả các chi phí phát sinh.
Có thể thấy, việc bán tài sản là hành động cụ thể sau chủ trương thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh, tiết giảm chi phí.
Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý III/2023, SMC ghi nhận doanh thu đạt 3.141 tỷ đồng, giảm 44,6% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ ghi nhận lỗ 163,95 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 187,79 tỷ đồng.
Trong quý III, công ty tiếp tục kinh doanh dưới giá vốn dẫn tới lợi nhuận ghi nhận âm 41,36 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 66,6 tỷ đồng.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023, SMC báo cáo lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ ghi nhận lỗ 549,42 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 57,68 tỷ đồng, tức tăng lỗ thêm 491,74 tỷ đồng.
Với việc lỗ kỷ lục trong 9 tháng đầu năm 2023, SMC đã chính thức xoá toàn bộ lợi nhuận tích luỹ nhiều năm và chuyển sang ghi nhận lợi nhuận luỹ kế là số âm.
Đáng chú ý, SMC cũng bất ngờ công bố nợ xấu đối với các khoản phải thu của khách hàng lên tới 1.304,6 tỷ đồng, nhưng mới trích lập dự phòng 272,8 tỷ đồng.
Trong khi đó, tại CTCP Tập đoàn Đất Xanh (DXG), báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ quý III/2023 cho thấy, tại ngày 30/9/2023, doanh nghiệp có 8 công ty con đang làm thủ tục giải thể, gồm: CTCP Đầu tư bất động sản miền Đông; CTCP Đầu tư kinh doanh bất động sản Đông Nam Bộ; Công ty TNHH Đất Xanh Finance; CTCP Đầu tư kinh doanh bất động sản Bình Phước; CTCP Đầu tư Diamond Tower; CTCP Đầu tư Ruby Tower; CTCP Đầu tư Sapphire Tower; CTCP Đầu tư Emerald Tower.
Bên cạnh đó, Đất Xanh cũng mạnh tay cắt giảm quy mô nhân sự. Tại ngày 30/9/2023, số lượng nhân viên của tập đoàn là 2.484 người, giảm 1.289 người so với thời điểm đầu năm.
Việc cắt giảm hơn 1/3 số lượng nhân viên giúp Đất Xanh tiết giảm đáng kể chi phí. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của doanh nghiệp lần lượt giảm 32,5% và 57,3% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 183,8 tỷ đồng và 80,1 tỷ đồng.
Kết thúc 9 tháng đầu năm 2023, Đất Xanh báo lãi sau thuế đạt 149,5 tỷ đồng, giảm 83,8% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 129,2 tỷ đồng, giảm 76,7% so với cùng kỳ.
Trước đó, CTCP Đầu tư LDG (LDG) cũng đã thông qua chủ trương chuyển nhượng 2 dự án cỡ nghìn tỷ đồng, gồm Khu du lịch biển Bãi Bụt - Sơn Trà và Khu chung cư lô C1 tại phường Bình An (thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương).
Về “sức khỏe” doanh nghiệp, LDG đã công bố kết quả kinh doanh quý III/2023 với mức lỗ 64,98 tỷ đồng. Luỹ kế 9 tháng, công ty ghi nhận lỗ 209,3 tỷ đồng. Điểm đáng chú ý trong bức tranh tài chính của LDG là dòng tiền. Báo cáo tài chính các năm trong giai đoạn 2019 - 2022 của LDG cho thấy, công ty đã có 4 năm liên tiếp ghi nhận dòng tiền âm. Đặc biệt, áp lực tài chính của LDG từ nay đến cuối năm là rất lớn, khi khoản vay bằng trái phiếu (mã LDGH2123002) giá trị 365 tỷ đồng sẽ đến kỳ đáo hạn vào ngày 10/12/2023.
Tương tự, CTCP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest, mã: HPX) thông tin, HĐQT đã quyết định bán hoặc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp đang nắm tại Cty TNHH HP Hospitality Nha Trang giá trị hơn 176 tỷ đồng, tương ứng 78% vốn điều lệ.
Tháng 3 vừa qua, Hải Phát Invest cũng thông qua nghị quyết HĐQT về việc giải thể CTCP Đầu tư Greenland Bắc Giang khi chưa đầy một năm hoạt động.
Cũng như những doanh nghiệp nêu trên, kết quả kinh doanh quý III/2023 của Hải Phát Invest khá bết bát khi doanh thu và lợi nhuận sau thuế cùng giảm mạnh khi chỉ có lợi nhuận trước thuế 11,8 tỷ đồng, giảm 91% và lợi nhuận sau thuế 4,3 tỷ đồng, giảm 95% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần đạt 1.197 tỷ đồng, giảm 8%; lợi nhuận gộp đạt 246 tỷ đồng, giảm 53% so với cùng kỳ năm trước.
Còn tại Hoàng Anh Gia Lai (HAG), trong quý III, lợi nhuận cốt lõi giảm 24,1%, doanh thu tài chính giảm 70%, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ giảm 12,2%, nguyên nhân chủ yếu do ghi nhận lợi nhuận từ hoạt động khác tăng đột biến do công ty thực hiện thanh lý một số tài sản.
Liên quan tới việc bán tài sản, cuối tháng 9/2023, đối với tài sản không sinh lợi dự kiến thanh lý, công ty dự kiến dùng tài sản gắn liền với đất là công trình Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai tại số 1 Phù Đổng, phường Phù Đổng, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023, công ty ghi nhận doanh thu đạt 5.034,21 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lãi 709,74 tỷ đồng, giảm 20,5%.
Đáng chú ý, mặc dù có lãi trong 9 tháng đầu năm 2023 nhưng tới 30/9/2023, công ty vẫn còn ghi nhận lỗ luỹ kế lên tới 2.640,6 tỷ đồng và bằng 28,5% vốn điều lệ (vốn điều lệ 9.274,7 tỷ đồng).
Trên sàn chứng khoán, chốt phiên ngày 14/11, cổ phiếu SMC dừng ở mức 10.550 đồng/cp, cổ phiếu LDG và HPX đứng giá tham chiếu lần lượt là 3.740 đồng/cp và 5.460 đồng/cp, còn DXG và HAG lần lượt giảm về mức 19.950 đồng/cp và 8.900 đồng/cp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận