Khối ngoại xả đột biến cổ phiếu blue-chips, VN-Index mất trụ
Thị trường ngắt mạch 6 phiên tăng liên tiếp đúng vào thời điểm VN-Index chớm vượt đỉnh. Loạt cổ phiếu blue-chips chịu sức ép bán mạnh đã quay đầu giảm, đè chỉ số xuống dưới tham chiếu 2,36 điểm. Thanh khoản phiên này tiếp tục duy trì mức rất cao, nhưng những mã giao dịch lớn nhất đều giảm giá...
Thị trường ngắt mạch 6 phiên tăng liên tiếp đúng vào thời điểm VN-Index chớm vượt đỉnh. Loạt cổ phiếu blue-chips chịu sức ép bán mạnh đã quay đầu giảm, đè chỉ số xuống dưới tham chiếu 2,36 điểm. Thanh khoản phiên này tiếp tục duy trì mức rất cao, nhưng những mã giao dịch lớn nhất đều giảm giá.
Sau tuần cuối tháng 8 có yếu tố mua ròng nhờ các quỹ ETF tái cơ cấu, khối ngoại bước sang tuần này đã quay lại xu hướng bán ròng. Hai phiên đầu tuần khối này xả riêng cổ phiếu ở HoSE khoảng -318,6 tỷ đồng ròng. Hôm 7/9 thêm 887,8 tỷ đồng nữa bị rút ròng, trong đó riêng cổ phiếu thuộc nhóm VN30 bị bán 530,1 tỷ đồng ròng.
Mặc dù không phải các cổ phiếu blue-chips bị khối ngoại rút vốn nhiều đều giảm giá do lực bán từ các tài khoản này. Tuy nhiên trong bối cảnh sức ép chốt lời gia tăng mạnh từ cả khối nhà đầu tư trong nước, khối ngoại hợp sức bán ra là một sự cộng hưởng bất lợi. Gần như tất cả các cổ phiếu có giao dịch bán ròng từ khối ngoại phiên này đều giảm giá.
Dẫn đầu nhóm bán ròng là HPG với -218,2 tỷ đồng, lượng bán từ khối ngoại chiếm gần 27% tổng thanh khoản, giá đóng cửa giảm 1,21%. Giá HPG tăng trên 13% trong 6 phiên gần nhất thì nhu cầu chốt lời lớn là bình thường. SSI bị bán ròng gần 94,7 tỷ đồng giá giảm 1,03%; VIC -57,2 tỷ đồng ròng giá giảm 1,3%; STB -50,2 tỷ giá giảm 0,15%; TPB -47,5 tỷ giá giảm 0,51%; VPB -46,7 tỷ giá giảm 0,23%; MSN -40,4 tỷ giá giảm 0,85%...
Thị trường chiều 7/9 chịu áp lực bán giá thấp một cách rõ rệt, đặc biệt là với nhóm blue-chips VN30. Gần như toàn bộ thời gian VN-Index lình xình dưới tham chiếu mà không có bất kỳ nhịp phục hồi nào. VN30-Index chốt phiên giảm 0,38% với 11 mã tăng/16 mã giảm. Không có cổ phiếu trụ nào xuất sắc, giữ giá tốt nhất chỉ có GAS. Cổ phiếu này có sức ép lớn trong phiên nhưng cầu đẩy tốt giúp giá về cuối tăng tốt và chốt phiên khá sát giá đỉnh. Tính về biên độ dao động trong ngày, GAS chỉ chốt thấp hơn giá đỉnh khoảng 0,29% và tăng 1,38% so với tham chiếu. Tất cả các cổ phiếu còn tăng giá đỡ điểm số trong nhóm blue-chips đều tụt giá khá sâu; TCB tăng 1,56% so với tham chiếu, đứng thứ hai sau GAS thì cũng đã phải trả lại thị trường tới 1,11% biên độ tăng. GVR còn tăng 1,82%, thực chất đã “bốc hơi” 1,97%.
Các cổ phiếu thanh khoản cao nhất thị trường hôm nay phần lớn là giảm giá, cho thấy có sức ép bán ra rất mạnh.
Khá nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn giảm phiên này đã ảnh hưởng tới điểm số, nhưng may mắn là trong Top 10 mã lớn nhất, chỉ có 3 mã giảm trên 1% là VHM giảm 1,43%, VIC giảm 1,3% và HPG giảm 1,21%. Các cổ phiếu lớn khác như VCB, VNM, VPB giảm khá nhẹ còn GAS, BID, TCB tăng, CTG tham chiếu. Với cơ cấu vốn hóa lớn còn giằng co lẫn nhau như vậy, VN-Index để mất 2,36 điểm cũng không phải là quá xấu.
Mặt khác độ rộng của chỉ số còn tốt, ghi nhận 223 mã tăng/268 mã giảm lúc đóng cửa. Phía tăng có 82 mã tăng trên 1%, thanh khoản chiếm 19,4% tổng giá trị khớp sàn HoSE. Phía giảm có 83 mã giảm trên 1%, thanh khoản chiếm 32,8% sàn. Như vậy áp lực bán vùng giá đỏ có mạnh lên và gây sức ép. Không chỉ vậy, Top 10 cổ phiếu thanh khoản nhất thị trường phiên này – đều là các mã thanh khoản trên 500 tỷ đồng – không có mã nào tăng giá. VIC, NVL, HPG, SSI, GEX, VCG… đều là các cổ phiếu thanh khoản cực cao và giá giảm mạnh.
Nhóm tăng giá tuy số lượng cũng khá nhiều nhưng biên độ tăng và thanh khoản tập trung nhiều vào một nhóm nhỏ cổ phiếu. Cụ thể, tuy có 82 mã tăng trên 1% nhưng 15 mã thanh khoản trên 100 tỷ đồng chiếm 72% giao dịch toàn nhóm. DXG tăng 2,7%, BCG tăng 4,74%, PVD tăng 1,73%, HHV tăng 1,92%, NLG tăng 1,02%, LCG tăng 1,84%, DXS tăng 6,64%, HDG tăng 2,62%, PNJ tăng 3,82%... là các cổ phiếu nổi trội thu hút dòng tiền tốt nhất.
Việc thị trường ngắt mạch tăng và lình xình ngay vùng đỉnh cũ không hẳn là tín hiệu xấu vì quanh đỉnh thường có áp lực bán ra rất lớn. Nhiều cổ phiếu thậm chí vượt xa đỉnh của chính nó và đạt hiệu suất lợi nhuận cao trong ngắn hạn dẫn đến nhu cầu hiện thực hóa. Điều quan trọng là thị trường có hấp thụ được khối lượng bán đó hay không.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận