Kề ngày đáo hạn phái sinh, thị trường rung lắc chóng mặt
Bất chấp khối ngoại tiếp tục đổ tiền mua mạnh, thị trường cổ phiếu phiên này vẫn chao đảo trước các đợt chốt lời, cũng như trồi sụt dưới hiệu ứng đáo hạn phái sinh. Kể từ khi thay đổi cách tính giá thanh toán cuối cùng, những biến động do ảnh hưởng liên thông giữa hai thị trường thường xảy ra trước một phiên so với thời điểm đáo hạn...
Bất chấp khối ngoại tiếp tục đổ tiền mua mạnh, thị trường cổ phiếu phiên này vẫn chao đảo trước các đợt chốt lời, cũng như trồi sụt dưới hiệu ứng đáo hạn phái sinh. Kể từ khi thay đổi cách tính giá thanh toán cuối cùng, những biến động do ảnh hưởng liên thông giữa hai thị trường thường xảy ra trước một phiên so với thời điểm đáo hạn.
VN-Index chốt phiên giảm nhẹ 1,11 điểm tương đương -0,09%. Mức giảm này không đáng kể, nhưng chỉ 15 phút cuối đợt khớp lệnh liên tục, chỉ số còn vượt lên đỉnh cao mới và tăng 0,38% so với tham chiếu, tương đương +4,4 điểm.
Dù phần lớn thời gian giao dịch VN-Index nằm trên tham chiếu nhưng các nhịp trồi sụt liên tục diễn ra. Mỗi đỉnh cao trong phiên đều nối tiếp sau đó bằng một nhịp giảm. Đó là ảnh hưởng rõ nét của các đợt canh chốt lời khi giá lên.
Điểm đáng chú ý là độ rộng của VN-Index xấu dần theo thời gian và ở các đỉnh sau, số cổ phiếu tăng giá đều ít hơn số giảm giá. Ví dụ thời điểm 9h20, tương quan độ rộng tốt nhất với 206 mã tăng/57 mã giảm. Tại đỉnh cao thứ 2 lúc 10h30, độ rộng ghi nhận 201 mã tăng/185 mã giảm. Tại đỉnh thứ 3 lúc 1h45, độ rộng đảo ngược còn 186 mã tăng/255 mã giảm. Đỉnh cao thứ 4 lúc 2h22 độ rộng là 192 mã tăng/266 mã giảm. Đóng cửa VN-Index có 185 mã tăng/276 mã giảm.
Như vậy hiện tượng kéo chỉ số lên đã không có sự tương xứng về độ rộng, chủ yếu là do tác động của các cổ phiếu trụ. VCB, HPG, MWG, MSN, VNM, BID là những mã có ảnh hưởng đúng nhịp với chỉ số.
Những nỗ lực tăng giá hôm nay đều gặp phải lực bán cản khá lớn. Hệ quả nhìn thấy được thể hiện ở hai tín hiệu: Thứ nhất là thay đổi về độ rộng thị trường theo hướng kém dần, cho thấy cổ phiếu diễn biến kiểu tăng trước giảm sau. Thứ hai là biên độ tụt giá trong phiên khá rộng, dù nhiều cổ phiếu vẫn đóng cửa trên tham chiếu nhưng áp lực bán được thể hiện rõ nét ở mức giảm giá so với đỉnh trong ngày.
Thống kê trong nhóm blue-chips VN30, cả loạt cổ phiếu bị đánh sập xuống khá sâu, bất kể là mức giá chốt ngày tăng hay giảm so với tham chiếu, số khác giảm đủ nhiều để đổi màu giá. TPB chẳng hạn, tụt so với đỉnh cao nhất ngày tới 2,09% và đóng cửa thấp hơn tham chiếu 1,32%, tức là đảo chiều từ tăng thành giảm. PDR, NVL đều có nhịp tăng tốt trước khi bị xả hàng rất lớn khiến giá trượt giảm tới 2,84% và 3,29% so với mức đỉnh, chốt phiên đều giảm trên 2% so với tham chiếu. NVL giao dịch lớn thứ hai thị trường với gần 34,69 triệu cổ tương ứng 515,6 tỷ đồng. GVR thanh khoản tăng gấp đôi phiên hôm qua nhưng giá sập tới 2,69% so với đỉnh và đóng cửa giảm 0,69% so với tham chiếu… Quá nửa (16 mã) số cổ phiếu trong rổ VN30 tụt giá trên 1% chỉ trong phiên.
Khối ngoại có một phiên nâng đỡ khá tốt ở nhóm cổ phiếu blue-chips khi giá trị giải ngân trong rổ VN30 chiếm gần 16% tổng khớp của rổ này. Mức mua ròng khoảng 191 tỷ đồng, tiêu biểu là VNM +90,2 tỷ, VHM +79,9 tỷ, HPG +68,7 tỷ, SSI +31,9 tỷ, MWG +31,6 tỷ, VIC +24,5 tỷ, STB +23,6 tỷ, CTG +20 tỷ… Dù vậy lực xả từ khối nhà đầu tư trong nước vẫn áp đảo hoàn toàn.
Xếp theo giá trị khớp lệnh cho thấy các cổ phiếu có giao dịch lớn nhất thị trường chịu áp lực giảm giá.
Ngoài nhóm blue-chips, cũng có rất nhiều cổ phiếu rơi giá với biên độ rộng. DIG là ví dụ, thanh khoản lớn nhất thị trường với 39,47 triệu cổ tương ứng 924,6 tỷ đồng. Nửa đầu phiên sáng DIG còn tăng cao nhất 2,14% so với tham chiếu nhưng sau đó bị xả dữ dội toàn thời gian và đóng cửa thành giảm 1,71% so với tham chiếu, tương ứng biên độ trượt giá trong phiên tới 2,69%. Thống kê với sàn HoSE có tới 130 cổ phiếu trượt giá với biên độ từ 2% trở lên và gần 100 mã khác trượt giá từ 1% tới 2%. Chỉ có 50 cổ phiếu là đóng cửa ở giá cao nhất và trên tham chiếu.
VN30-Index đóng cửa cũng chịu sức ép giảm 0,14%, độ rộng còn 8 mã tăng/19 mã giảm. May mắn là VCB còn tăng 2,11%, HDB tăng 2,43%, đặc biệt là VCB đỡ tới 2,7 điểm cho VN-Index và 1,2 điểm cho VN30-Index. Nhóm tăng ngược dòng sàn HoSE phiên này ghi nhận 68 cổ phiếu đóng cửa trên 1% so với tham chiếu, trong đó 13 mã kịch trần. VTO, SZC, BMP, DHG, PPC là các mã thu hút dòng tiền khá tốt, thanh khoản đều trên 20 tỷ đồng. Nhóm tăng yếu hơn có CKG, VIP, NBB, SKG tăng trên 3% với thanh khoản cao.
Ngược lại, số giảm hôm nay có 63 mã rơi quá 2% và 70 mã khác giảm trong biên độ 1% tới 2%. Cả loạt mã giảm với thanh khoản rất cao như DIG, NVL, DXG, VPB, VND, PDR…
Mặc dù thị trường đang tiến sát đến ngày đáo hạn phái sinh nhưng những biến động mạnh ở thị trường cơ sở cũng có tác động từ những giao dịch chốt lời thông thường. Phái sinh chỉ bó hẹp trong các trụ của VN30, còn biến động thị trường phiên này là trên diện rộng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận