Học được gì từ những cú giảm kỷ lục của thị trường chứng khoán Việt Nam - Phần 1
Ngoài các sai lầm cơ bản để đầu tư như: không định hình được phương pháp, không có nguyên tắc đầu tư, không stoploss và trung bình giá, thậm chí sử dụng Margin trong xu hướng giảm. Giờ thì cùng tìm hiểu những sai lầm tiếp theo và rút ra bài học kinh nghiệm để tiếp tục cải thiện kết quả giao dịch thời gian tới nhé.
Rất nhiều nhà đầu tư mới tham gia thị trường đều có những danh mục dài lê thê vài chục mã như “danh mục ETF”, ngành nào cũng có, mỗi vị thế lắt nhắt và chia rất nhỏ. Với cách giải ngân này, phân bổ được rủi ro hay không thì chưa biết, nhưng có thể nhìn thấy nhiều bất cập bởi thật khó để quản lý danh mục với hàng chục mã như vậy. Thậm chí có khi chúng ta còn chẳng nhớ đã sở hữu những mã chứng khoán nào và hiển nhiên khi sở hữu quá nhiều cổ phiếu khiến chúng ta không có thời gian tìm hiểu kỹ từng cổ phiếu, hiểu rõ doanh nghiệp và cách đi của nó.
70 – 80% cổ phiếu trên thị trường đi theo xu hướng thị trường chung. Khi bước vào một đợt điều chỉnh mạnh từ 100 - 300 điểm, thì hầu hết các cổ phiếu đều sụt giảm giá trị không phân biệt cổ cơ bản hay đầu cơ. Khi nhìn thấy danh mục mười mấy mã đều âm trên 10%, tâm lý chúng ta trở nên hoảng loạn, không biết nên bán mã nào và giữ lại mã nào, quay qua quay lại có khi tất cả đều sàn mà không kịp xử lý và sau đó sẽ là chuỗi những quyết định mua bán sai lầm không lối thoát.
Không những vậy, việc nắm giữ quá nhiều mã chứng khoán cũng khiến hiệu suất đầu tư trở nên khá thấp khi gặp phải tình trạng mã tăng bù cho mã giảm. Mã tăng mạnh thì tỷ trọng thấp, trong khi mã giảm đôi khi lại chiếm tỷ trọng cao, thậm chí số mã giảm điểm lại chiếm áp đảo so với số mã tăng.
Dưới đây là những kinh nghiệm mình đã rút ra nhằm hạn chế việc đa dạng hóa quá mức danh mục.
• Chỉ mua cổ phiếu xuất sắc nhất ngành, tránh mua nhiều cổ phiếu cùng một ngành
• Hạn chế số lượng mã tối đa, ví dụ với NAV < 1 tỷ không để danh mục quá 5-7 mã
Ngay cả trong uptrend vẫn có nhiều nhà đầu tư nếm "trái đắng" nếu chọn sai cổ phiếu, thậm chí là những cổ phiếu đang trên đà tăng trưởng mạnh hay những tên tuổi hàng đầu trên thị trường. Trong Downtrend cũng vậy, cơ hội ngày càng ít hơn, thanh khoản thường èo uột bởi phần lớn nhà đầu tư chán nản hay vẫn đang kẹp hàng, dòng tiền có sự phân hóa rất cao, không phải cổ phiếu nào cũng hồi lại như nhau. Vậy nên việc lựa chọn nhóm ngành, lựa chọn cổ phiếu đặc biệt quan trọng, đừng quá yêu cổ phiếu nào rồi mắc sai lầm trung bình giá xuống như trên mà hãy khách quan nhìn nhận diễn biến thị trường để lựa chọn được những nhóm dẫn dắt, những cổ phiếu có trạng thái khỏe hơn thị trường chung và tìm điểm tham gia hợp lý.
Quyết định theo cảm tính là nguyên nhân dẫn đến thất bại của con người ở tất cả mọi lĩnh vực, chứng khoán cũng không ngoại lệ. Chúng ta cần đặt ra những tiêu chí mua, bán, cắt lỗ, và tuân thủ theo đúng kỷ luật của mình. Điều này đòi hỏi nhà đầu tư cần trải qua nhiều giai đoạn của chứng khoán và phải rèn luyện để nâng cao tinh thần quyết đoán trong đầu tư, mà không để cảm xúc chi phối.
"Bán trong hoảng loạn" là một trong những sai lầm hàng đầu khi không kiểm soát được cảm xúc. Khi bạn nhìn thấy số dư tài khoản bắt đầu lao dốc hoặc nền kinh tế bắt đầu chao đảo, thật khó để tránh việc đưa ra những quyết định tồi tệ trong khi lo sợ mình sẽ mất tất cả. Thường thì khi đó bạn sẽ bán ở đáy và bỏ lỡ cơ hội hưởng lợi từ đà hồi phục thường thấy sau khi thị trường điều chỉnh.
Trái ngược với bán ra trong hoảng loạn là không nhận ra sự hưng phấn quá mức của thị trường, khiến chúng ta fomo, dễ dàng mắc vào bong bóng và có 1 danh mục toàn các cổ phiếu có giá quá cao so với giá trị thực. Tin tốt là bạn có thể dễ dàng tránh được sai lầm này nếu như có 1 chiến lược đầu tư vững chãi và kế hoạch giao dịch ngay từ đầu.
- Học cách nhận biết cảm xúc của mình, điển hình trong trường hợp thị trường quá tốt hoặc quá xấu. Chúng ta có thể thấy hưng phấn khi giá chứng khoán tăng hoặc buồn bã khi giá chứng khoán giảm, hãy nhận biết và làm quen với nó. Đừng để những cảm xúc đó ảnh hưởng tới quyết định đầu tư của mình.
- Loại bỏ tâm lý đánh bạc hoặc muốn chiến thắng người khác bằng việc đưa ra các dự đoán. Xây dựng cho mình một chiến lược đầu tư hợp lý, lập kế hoạch về lợi nhuận và xác định mức độ rủi ro có thể chấp nhận, quản lý danh mục đầu tư của mình theo kế hoạch đó và đừng cố gắng đạt được càng nhiều lợi nhuận càng tốt.
- Đừng nhìn vào giá của chứng khoán hàng ngày, biến động giá hàng ngày là tất yếu và nó không phản ánh thay đổi đáng kể vào giá trị của chứng khoán mà bạn sở hữu.
- Cuối cùng hãy luôn giữ cho mình một cái đầu lạnh, bình tĩnh phân tích tiềm năng của cổ phiếu cùng tình hình thị trường để đặt lệnh giao dịch chuẩn xác nhất. Vì chiến thắng trên thị trường chứng khoán sẽ không chia đều cho mọi người, bởi vậy đừng để bản thân bị tác động bởi suy nghĩ của người ngoài cuộc.
“Những quyết định tốt đến từ những kinh nghiệm và kinh nghiệm đến từ những quyết định sai lầm.” Chúng ta cần phải học từ những sai lầm của mình để không mắc phải chúng nữa. Bạn có từng mắc phải sai lầm nào trong những sai lầm kể trên và đã học được những gì? Hãy cùng chia sẻ nhé.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận