Hành trình từ bất động sản đến ngân hàng của ông Dương Công Minh
Từ 1994 đến 2024, trải qua 30 năm kinh doanh, tên tuổi ông Dương Công Minh gắn với những cái tên như Tập đoàn Him Lam, LPBank, Sacombank.
Từ Him Lam…
Ông Dương Công Minh sinh năm 1960 tại Quế Võ, Bắc Ninh. năm 1984, ông Minh tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Vật giá - Đại học Kinh tế kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế quốc dân).
Từ năm 1984-1993, ông Minh là sĩ quan Công ty Xuất nhập khẩu - Bộ Quốc phòng, cán bộ Công ty Xuất nhập khẩu cà phê thuộc Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm. Năm 1994-1997, ông là Giám đốc Xí nghiệp xây dựng - Công ty Thanh Bình - Bộ Quốc phòng.
Năm 1994, ông Minh thành lập Công ty TNHH Thương mại Him Lam, tiền thân của CTCP Him Lam, kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản. Ông sở hữu tới 99% vốn của Him Lam.
Chỉ trong vòng 7 năm từ 2003 đến 2010, Him Lam không mừng mở rộng quy mô, tăng vốn điều lệ lên gấp từ 300 triệu đồng lên 6.500 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, vốn điều lệ của công ty đang là 10.000 tỷ đồng.
Năm 2008, Him Lam chuyển đổi hình thức doanh nghiệp từ Công ty TNHH sang Công ty Cổ phần để có mở rộng điều kiện phát triển kinh doanh. Dấu ấn đầu tiên của Him Lam trên thị trường bất động sản là Dự án Khu đô thị mới Him Lam Tân Hưng, Quận 7, Tp.Hồ Chí Minh với quy mô 58,4ha.
Liên tiếp sau đó, những dự án bất động sản của công ty nối tiếp nhau hình thành như Chung cư cao cấp Him Lam Riverside tại Phường Tân Hưng, Quận 7, Tp.Hồ Chí Minh, Him Lam Green Park tại Phường Đại Phúc, Tp.Bắc Ninh, Tỉnh Bắc Ninh…
Bên cạnh bất động sản, theo giới thiệu trên website, Him Lam còn hoạt động trong các lĩnh vực khác như dịch vụ golf - khách sạn, đầu tư tài chính, giáo dục phát triển, phát triển nông lâm nghiệp, phát triển các khu công nghiệp.
Năm 2020, Him Lam làm tổng thầu dự án Khu Công nghiệp Đức Hòa III – Slico, đánh dấu việc tham gia vào lĩnh vực phát triển các Khu Công nghiệp của công ty.
Trong lĩnh vực nghỉ dưỡng, dù không thông tin rõ về dự án nhưng trên trang web của Him Lam, chi nhánh Hà Nội của công ty này là Tòa nhà Long Biên, sân Golf Long Biên, phường Phúc Đồng, quận Long Biên, Tp.Hà Nội.
Ngoài ra, Him Lam để Sàn giao dịch là CTCP Đầu tư Long Biên, chủ sở hữu của sân golf Long Biên và sân golf Tân Sơn Nhất. Công ty được thành lập từ năm 2006, hoạt động trong các lĩnh vực sân golf và dịch vụ nhà hàng, hội nghị, tiệc cưới - Long Biên Palace.
Cổ đông sáng lập của công ty này là Công ty Trường An (Bộ Quốc phòng), Tổng CTCP Thương mại Xây dựng, CTCP Đầu tư Thành Nam và CTCP Him Lam.
Năm 2022, bài viết mang tiêu đề “Ông Dương Công Minh: Tôi sẽ từ chức Chủ tịch Công ty Him Lam” xuất hiện trên website của Him Lam và được giữ nguyên tới nay.
Theo đó, để thực hiện theo quy định sửa đổi của Luật các Tổ chức Tín dụng được áp dụng từ tháng 1/2018, ông sẽ từ chức Chủ tịch HĐQT tại Công ty Him Lam để tập trung vào quá trình tái cơ cấu tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).
Luật các TCTD Sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng không được đồng thời là Chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT, Chủ tịch HĐTV, thành viên HĐTV, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.
... đến Sacombank
Ông Minh chính thức trở thành Chủ tịch HĐQT Sacombank từ ngày 30/6/2017, thay cho Chủ tịch HĐQT trước đó là ông Kiều Hữu Dũng.
Trước Sacombank, ông Minh từng đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank). Him Lam từng là cổ đông chủ chốt tại ngân hàng này với tỉ lệ sở hữu xấp xỉ 15%.
Tuy nhiên, đến ngày 5/6/2017, ĐHĐCĐ bất thường lần 2 của LPBank đã thông qua việc bầu ông Nguyễn Đức Hưởng làm Chủ tịch HĐQT, thay thế cho ông Dương Công Minh từ nhiệm theo nhu cầu cá nhân. Sự hiện diện của Him Lam theo đó cũng dần biến mất tại ngân hàng này.
Theo bản cáo bạch chào bán cổ phiếu ra công chúng của LPBank, tại ngày 30/9/2017, cổ đông duy nhất nắm giữ từ 5% vốn trở lên của ngân hàng là Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost).
Sau khi trở thành Chủ tịch HĐQT Sacombank, ông Minh đã liên tiếp mua vào cổ phiếu ngân hàng nhằm tăng tỉ lệ sở hữu.
Cụ thể, từ ngày 28/9 đến 29/9/2017, ông Minh đã giao dịch thành công gần 18 triệu cổ phiếu của Sacombank bằng phương thức thỏa thuận và khớp lệnh trên HoSE, nâng số cổ phiếu nắm giữ từ hơn 41,2 triệu cổ phiếu lên hơn 59,3 triệu cổ phiếu, tương ứng tỉ lệ sở hữu tăng từ 2,29% lên 3,29% vốn cổ phần có quyền biểu quyết tại ngân hàng.
Từ ngày 26/10 đến 25/11/2017, ông Minh tiếp tục đăng ký mua vào 1,2 triệu cổ phiếu STB nhằm tăng tỉ lệ sở hữu lên 3,36% vốn cổ phần Sacombank.
Tại Báo cáo quản trị năm 2023, ông Minh hiện đang sở hữu gần 62,6 triệu cổ phiếu STB, tương ứng tỉ lệ 3,32% và em gái ông Minh là bà Dương Thị Liêm đang sở hữu hơn 11,8 triệu cổ phiếu, tương đương 0,62% vốn ngân hàng.
Sacombank được thành lập năm 1991 với vốn điều lệ ban đầu là 3 tỷ đồng. Trải qua hơn 30 năm, vốn điều lệ của ngân hàng đã tăng mạnh lên mức 18.852 tỷ đồng. Nằm trong nhóm những ngân hàng có quy mô vốn tầm trung.
Về tình hình kinh doanh, dưới thời ông Dương Công Minh, từ năm 2017 đến nay, quy mô tổng tài sản của Sacombank tăng mạnh từ hơn 368.000 tỷ đồng lên đến 693.535 tỷ đồng 3 tháng đầu năm 2024.
Trong đó, cho vay khách hàng là 500.408 tỷ đồng, tăng 3,7% so với cùng kỳ. Tiền gửi của khách hàng tăng 4,4% so với năm 2023 lên 533.358 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, lợi nhuận của ngân hàng cũng leo thang từ mốc 1.182 tỷ đồng năm 2017 lên 7.719 tỷ đồng vào cuối năm 2023.
Tại ngày 31/3/2024, nhờ tiết giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 32,3% xuống còn gần 678 tỷ đồng, Sacombank báo lãi trước thuế 2.654 tỷ đồng, tăng 11,4%; lợi nhuận sau thuế tương ứng tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước lên 2.111,4 tỷ đồng.
Trong vòng 6 năm trở lại đây, thu nhập lãi thuần của ngân hàng cũng từ mức hơn 5.000 tỷ đồng vượt mức 11.000 tỷ đồng vào năm 2020. Thời gian sau đó, Sacombank luôn ghi nhận mức thu nhập lãi thuần trên 11.000 tỷ đồng và năm 2023 là 22.072 tỷ đồng.
Kết thúc quý I/2024, Sacombank ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt gần 5.951 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng do thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự giảm 1.422,8 tỷ đồng.
Về chất lượng nợ vay, tổng nợ xấu của Sacombank tại thời điểm cuối tháng 3/2024 là 11.401 tỷ đồng, tăng 3,8% so với hồi cuối năm 2023. Tỉ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay của Sacombank đi ngang so với năm trước duy trì ở mức 2,28%.
Năm 2024, Sacombank đặt ra kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận trước thuế kỳ vọng ở mức 10.600 tỷ đồng, tăng 10% so với thực hiện năm 2023.
Đồng thời, tổng tài sản dự kiến ở mức 724.100 tỷ đồng, tăng 10%, trong đó dư nợ tín dụng đạt 535.800 tỷ đồng, tăng 11% và sẽ được điều chỉnh phù hợp với hạn mức phân bổ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận