menu
Hàng hóa tuần qua: Giá phân bón 'hạ nhiệt', than liên tục tăng
Đỗ Nam Trung
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Hàng hóa tuần qua: Giá phân bón 'hạ nhiệt', than liên tục tăng

Chỉ số giá phân bón ở Bắc Mỹ trên kênh Green Markets trong tuần kết thúc vào ngày 29/4 là 1.034 USD/tấn, giảm 11% so với tuần trước đó.

Giá phân bón 'hạ nhiệt'

Theo Fertilizer Pricing, chỉ số giá phân bón ở Bắc Mỹ trên kênh Green Markets trong tuần kết thúc vào ngày 29/4 là 1.034 USD/tấn, giảm 11% so với tuần trước đó. So với đỉnh giá hồi cuối tháng 3, giá giảm 18,6%.

new-project-5-7479-1651637786-9287-16518 data-natural-width640

Diễn biến giá phân bón ở Bắc Mỹ. Nguồn: Fertilizer Pricing

Cách đây 14 năm, thị trường thế giới cũng chứng kiến đợt tăng giá phân bón. Trong tuần kết thúc vào ngày 11/8/2008, chỉ số giá là 916 USD/tấn, lập kỷ lục bấy giờ. Nguyên nhân là nhu cầu tăng cao, dự trữ thấp và Chính phủ Mỹ, thị trường lớn của thế giới, điều chỉnh mức độ sản xuất. Những tháng cuối năm của 2008, thị trường hạ nhiệt.

Hiện tại, so với đỉnh năm 2008, giá phân bón đang cao hơn 13% dù đã "hạ nhiệt". Cuộc chiến tại Ukraine, bắt đầu từ 24/2, tác động lớn đến thị trường phân bón, vốn đã nóng trước chiến sự. Nga, Belarus chiếm khoảng 40% xuất khẩu kali toàn cầu nhưng cả hai nguồn cung này đang bị ảnh hưởng. Nga chiếm khoảng 11% xuất khẩu ure thế giới và 48% amoni nitrate. Nga và Ukraine xuất khẩu khoảng 28% lượng phân bón nitơ, photpho, kali toàn cầu.

Giá than liên tục tăng từ đầu tuần

Giá than tương lai tại Newcastle (Australia) ngày 6/5 là 380 USD/tấn, tăng 1,4% so với ngày trước đó, tiếp đà tăng từ đầu tuần. So với đầu tuần, giá cao hơn 25%. Tuy vậy, giá mặt hàng này vẫn đang thấp hơn mức đỉnh 430 USD/tấn ghi nhận hồi đầu tháng 3.

Giá tăng vì thị trường đang chịu tác động lớn từ cuộc chiến tại Ukraine. Các lệnh trừng phạt kinh tế vào Nga khiến nhiều khách hàng nhanh chóng tìm nguồn thay thế từ Nga vì Moscow vốn là nhà sản xuất, nhà xuất khẩu lớn trên thế giới.

Mới đây, Bộ Tài chính Trung Quốc thông báo sẽ giảm thuế suất thuế nhập khẩu các loại than về 0% trong giai đoạn tháng 5/2022 - 3/2023 nhằm đảm bảo an ninh năng lượng nước này.

Theo đó, thuế suất thuế nhập khẩu than sẽ được giảm từ 3% đến 6% về còn 0% tuỳ thuộc vào từng loại. Lượng than được Trung Quốc nhập khẩu trong quý I vừa qua đã giảm tới 24% so với cùng kỳ năm ngoái do giá toàn cầu tăng mạnh, gây ra những lo ngại về việc đảm bảo nguồn cung than cho sản xuất điện tại nước này.

Giới phân tích nhận định bất kỳ động thái tăng cường thu mua than nào của Trung Quốc sẽ khiến giá mặt hàng này cũng như giá các mặt hàng năng lượng khác trên thị trường quốc tế tăng lên trong bối cảnh nguồn cung năng lượng trên toàn cầu đang bị siết chặt. (Xem thêm)

Giá xăng tăng hơn 400 đồng/lít, vượt 28.400 đồng/lít

Liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh giá xăng dầu từ 15h ngày 4/5. Theo đó, xăng E5 RON 92 tăng 334 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 442 đồng/lít. Sau khi tăng, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 27.468 đồng/lít và xăng RON 95 là 28.434 đồng/lít

new-project-10-8774-1651655874-5954-1651 data-natural-width640

Diễn biến giá xăng trong thời gian qua. Nguồn: Tổng hợp

Từ đầu năm tới nay, giá xăng được điều chỉnh 8 lần tăng và 3 lần giảm. Ngày 11/3, giá xăng RON 95 lập đỉnh lịch sử với 29.824 đồng/lít.

Về các mặt hàng dầu, dầu diesel tại kỳ điều hành lần này tăng, còn dầu mazut giảm. Theo đó, giá bán đối với mặt hàng dầu diesel lên 25.530 đồng/lít, tăng 171 đồng/lít. Dầu mazut giảm 240 đồng/kg xuống còn 21.560 đồng/kg. Trong khi đó, dầu hỏa không đổi với 23.828 đồng/lít.

Ở kỳ điều chỉnh lần này, cơ quan điều hành trích quỹ bình ổn với xăng E5 RON 92 ở mức 300 đồng/lít, xăng RON 95 ở mức 400 đồng/lít, dầu diesel 100 đồng/lít.

Liên Hợp Quốc tìm cách đưa phân bón Nga - Belarus trở lại thị trường

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ngày 4/5 cho biết vấn đề an ninh lương thực toàn cầu sẽ không thể được giải quyết nếu không đưa sản phẩm nông nghiệp của Ukraine, lương thực - phân bón của Nga trở lại thị trường quốc tế. Ông Guterres cho biết đang thực hiện các cuộc đối thoại để giải quyết bài toán an ninh lương thực.

Cuộc chiến tại Ukraine bắt đầu từ 24/2 ảnh hưởng lớn đến thị trường tài chính, đẩy giá hàng hóa lên cao và tác động tiêu cực đến ngành logistics, kìm hãm sự hồi phục kinh tế sau dịch bệnh ở nhiều nước, trong đó có Nigeria.

"Cuộc chiến tại Ukraine làm mọi thứ trở nên tồi tệ hơn, tác động tiêu cực đến lương thực, năng lượng và tài chính toàn cầu cho các nước đang phát triển", ông Guterres nói trong chuyến thăm Abuja, thủ đô của Nigeria.

"Không có giải pháp nào thực sự giải quyết vấn đề an ninh lương thực toàn cầu mà không đưa sản xuất nông nghiệp của Ukraine, lương thực - phân bón của Nga và Belarus vào thị trường thế giới bất chấp chiến tranh đang diễn ra", ông Guterres nói thêm. Theo Fertilizer Pricing, chỉ số giá phân bón ở Bắc Mỹ trên kênh Green Markets trong tuần kết thúc vào ngày 29/4 là 1.034 USD/tấn, cao hơn thời điểm trước chiến tranh tại Ukraine là 18%.

Một số tin tức khác

Giá photpho vàng, nguyên liệu dùng trong sản xuất phân bón, ngày 5/5 tăng 0,9% so với ngày trước đó lên 36.833 nhân dân tệ/tấn (5.512 USD/tấn). Giá mặt hàng này tăng sau khi duy trì ở mức ổn định trong một tuần. So với đầu năm, giá đang cao hơn 14%. Lưu huỳnh, nguyên liệu khác trong sản xuất phân bón, cũng nhích lên 0,8% và giao dịch ở 3.616 nhân dân tệ/tấn (541 USD/tấn). Tăng là xu thế chủ đạo của mặt hàng này từ đầu năm tới nay. Tính đến hiện tại, giá lưu huỳnh đang cao hơn 69% so với đầu năm.

Giá giao ngay của quặng 62% Fe tại Trung Quốc ngày 5/5 là 995 nhân dân tệ/tấn (149 USD/tấn), tăng 3% so với ngày trước đó. Giá mặt hàng này tăng sau khi giữ ổn định từ ngày 30/4. So với đầu năm, giá quặng sắt cao hơn 8%. Giá giao ngay của nhiều loại thép cũng tăng. Thép thanh vằn ngày 5/5 tăng 1,3% lên 5.024 nhân dân tệ/tấn (754 USD/tấn) sau một tuần không đổi. Tính từ đầu năm, giá loại thép này cao hơn 6%. Cuộn cán nóng cũng nhích lên 1,1% lên 5.068 nhân dân tệ/tấn (761 USD/tấn).

Ngày 5/5, giá vàng miếng SJC của thương hiệu PNJ là 70,35 triệu đồng/lượng, tăng 550.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với ngày 4/5. Ở chiều mua vào, giá ngày 5/5 là 69,6 triệu đồng, tăng 300.000 đồng/lượng so với ngày trước đó. Đến sáng 7/5, giá kim loại quý này là 70,45 triệu đồng và 69,8 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra và mua vào. Trong đợt tăng giá gần đây nhất, ngày 19/4, giá bán ra của kim loại quý này gần chạm 71 triệu đồng/lượng.

Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong tháng 4, xuất khẩu thủy sản đạt 1 tỷ USD với mức tăng trưởng 41% so với cùng kỳ năm 2021. Theo đó, kết quả mặt hàng này trong 4 tháng đầu năm ước tính khoảng gần 3,6 tỷ USD, cao hơn 44,5% so với cùng kỳ năm trước. Theo bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO, so với tháng 4/2021, xuất khẩu cá tra tăng gấp hơn 2 lần với doanh thu 297 triệu USD. Nhờ đó, tính luỹ kế 4 tháng đầu năm, ngành này thu về trên 950 triệu USD, tăng 94%. Trọng lực chính vẫn nằm ở 2 thị trường Trung Quốc và Mỹ, chiếm tỷ trọng lần lượt là 32% và 24,5%. Cả hai thị trường đều ghi nhận tăng trưởng ba con số trong 4 tháng đầu năm nay: Trung Quốc tăng 161% đạt 306 triệu USD, Mỹ tăng 128% đạt hơn 232 triệu USD.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
97.20 -0.10 (-0.10%)
3.80 (0.00%)
84,300 N -200.00 (-0.24%)
3,250.00 +20.00 (+0.62%)
103.84 0.00 (0.00%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả