Giảm lãi suất cho vay, ngân hàng và doanh nghiệp ‘dìu nhau’ tránh cú ngã giữa đại dịch Covid-19
Giữa đại dịch Covid-19, việc ngân hàng giảm lãi suất cho doanh nghiệp vừa giúp DN vượt qua khó khăn vừa giúp chính ngân hàng bảo toàn lợi nhuận.
Chính sách kịp thời
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2021, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết: Ngay từ khi bùng phát dịch bệnh, NHNN đã chỉ đạo các NHTM hạ các mức lãi suất.
Đặc biệt, trước tình hình dịch bệnh lan rộng tại các địa phương và các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội, NHNN tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) cắt giảm chi phí hoạt động tối đa để tạo điều kiện giảm lãi suất và chia sẻ lợi nhuận, hỗ trợ cho DN.
Được biết, Hiệp hội Ngân hàng gồm 16 NHTM có quy mô lớn nhất hệ thống đã nhất trí và cam kết tiếp tục giảm lãi suất cho các nhóm đối tượng trên tinh thần "khó khăn ít thì giảm ít, khó khăn nhiều thì giảm nhiều" và cam kết từ nay đến cuối năm sẽ giảm thêm gần 20.500 tỷ đồng lãi suất cho vay.
Tại công văn số 5901/NHNN-TD được ban hành ngày 18/8, Thống đốc NHNN yêu cầu các NHTM thực hiện cam kết đồng thuận giảm lãi suất cho vay theo kế hoạch đã đăng ký với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại Công văn 248/NHNN-PLVN ngày 16/7/2021.
NHNN cũng yêu cầu việc triển khai các chương trình giảm lãi suất, giảm phí dịch vụ cần đảm bảo thực chất, hiệu quả, có kết quả cụ thể.
Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, trong năm 2020, lãi suất toàn hệ thống trung bình giảm khoảng 1,2-1,5%; 7 tháng năm 2021, lãi suất giảm thêm khoảng 0,5%. Ước tính tổng số phí mà các tổ chức tín dụng giảm cho khách hàng trong thời gian vừa qua khoảng 1.100 tỷ đồng.
Trao đổi với TG&VN, TS. Bùi Duy Tùng, giảng viên Kinh tế - Đại học RMIT cho rằng, trước ảnh hưởng của đại dịch, NHNN đã có các chính sách ưu đãi về giãn, hoãn nợ, thể hiện tinh thần hỗ trợ. Điển hình là việc NHNN kịp thời ra các Thông tư 01/2020/TT-NHNN để hỗ trợ các DN gặp khó khăn; Thông tư 03/2021/TT-NHNN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN.
Theo ông Tùng, điều này cho thấy NHNN đã chủ động nắm bắt tình hình, ban hành chính sách chỉ đạo triển khai kịp thời, quyết liệt các giải pháp hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Ngân hàng đồng loạt gỡ khó
Trên tinh thần chia sẻ với khách hàng, các NHTM đã đưa ra nhiều gói tín dụng với lãi suất ưu đãi, miễn giảm lãi cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch.
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) công bố tiếp tục giảm lãi suất tiền vay trong thời gian từ 18/8-31/12/2021 đối với tất cả DN và cá nhân ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam hiện đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Cụ thể, Vietcombank tiếp tục giảm lãi suất tới 0,5%/năm cho toàn bộ dư nợ vay của khách hàng tại TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương; giảm lãi suất tới 0,3%/năm cho toàn bộ dư nợ vay của khách hàng tại các địa bàn tỉnh, thành phố phía Nam khác áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đưa ra gói tín dụng ưu đãi lãi suất từ 4,0%/năm với quy mô 20.000 tỷ đồng, qua đó nâng tổng quy mô của các gói hỗ trợ lãi suất tại VietinBank lên tới 150.000 tỷ đồng.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) thực hiện giảm tiếp 10% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ cho vay ngắn hạn có lãi suất từ 5%/năm trở lên và dư nợ cho vay trung, dài hạn có lãi suất từ 7%/năm trở lên đối với khoản vay tại thời điểm 15/7/2021. Chương trình kéo dài đến hết ngày 31/12/2021.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng đã công bố dành nguồn ngân sách lên đến 1.000 tỷ đồng để thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu, đồng thời triển khai các gói vay mới với lãi suất thấp từ nay đến 31/12/2021.
Theo đó, BIDV giảm từ 0,5-1,5%/năm lãi suất cho vay bằng VND đối với dư nợ hiện hữu phát sinh đến ngày 15/7/2021 đối với các DN có hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, do tác động của dịch Covid-19. Ngân sách BIDV dành hỗ trợ đối với dư nợ hiện hữu, áp dụng cho tất cả các kỳ hạn, lên đến 800 tỷ đồng.
Nhiều ngân hàng khác cũng đã công bố mức giảm lãi suất phổ biến là 1%/năm cho khách hàng gặp khó khăn, áp dụng từ ngày 15/7/2021.
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) giảm lãi suất cho các khách hàng hiện hữu với mức tối đa 0,8%/năm cho khoản vay ngắn hạn và 1%/năm cho khoản vay trung dài hạn.
Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) giảm tối đa 1%/năm so với mức lãi suất cho vay đang áp dụng đối với khoản vay cũ còn dư nợ của khách hàng hiện hữu.
Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) dành gói tín dụng gần 20.000 tỷ đồng với mức lãi suất cho vay ưu đãi; giảm lãi suất tới 3%/năm cho khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ kinh doanh và giảm 1%/năm cho vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, mua nhà.
Làm gì để cùng nhau vượt khó?
Về vấn đề này, TS. Bùi Duy Tùng cho rằng, giữa DN và ngân hàng cần phải có sự thấu hiểu, chia sẻ và có những quyết sách phù hợp.
Theo ông Tùng, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang nỗ lực vượt qua đại dịch, hệ thống ngân hàng giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế, giúp lưu thông vốn từ nơi thừa vốn đến khu vực thiếu vốn. Các NHTM Việt Nam đang nỗ lực hoàn thành vai trò của họ trong việc thúc đẩy lưu thông vốn.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng, một số yếu tố khách quan của thị trưởng đã làm cho dòng chảy vốn khó khăn hơn: Đầu vào nguyên nhiên vật liệu khan hiếm do giãn cách không lưu thông được; sản xuất bị đình trễ, sản phẩm sản xuất ra không tiêu thụ được, tồn kho tăng; công nợ nhiều, nhà máy, xưởng sản xuất cầm chừng, vừa làm vừa chống dịch; các công trường, công trình ngưng hoạt động, chi phí không giảm mà còn tăng cao…
Do vậy, giữa DN và ngân hàng càng phải thấu hiểu, cần chia sẻ và cần đứng ở vị trí của nhau để nhìn nhận đánh giá trong mối quan hệ giữa hai bên để cùng “vượt khó”, nếu không thì cả hai sẽ đều bị “ngã”.
Theo TS. Tùng, cần nhấn mạnh thêm rằng, việc miễn, giảm lãi suất để hỗ trợ các DN trong đợt bùng phát lần thứ 4 phụ thuộc vào tiềm lực tài chính, khả năng đảm bảo an toàn vốn cũng như khả năng thanh khoản của mỗi ngân hàng. Xét cho cùng thì ngân hàng cũng là các DN, hoạt động của họ cũng bị ảnh hưởng không nhỏ bởi đại dịch.
Ông Tùng cho rằng, hơn ai hết, các ngân hàng cần phải hiểu rằng tác động của đại dịch đến lợi nhuận và hoạt động của họ thường có độ trễ. Khi giãn cách xã hội, hầu như các DN, nhà xưởng đều phải đóng cửa, số mở cửa thì hoạt động cầm chừng.
Do đặc thù là ngành dịch vụ và là hoạt động thiết yếu nên các ngân hàng vẫn tổ chức hoạt động được khi xã hội giãn cách. Nhưng nếu thời gian giãn cách kéo dài, sức khỏe tài chính của các DN kiệt quệ thì lúc này lợi nhuận của ngân hàng mới thực sự bị ảnh hưởng.
Khi các DN không còn đủ khả năng trả nợ, nợ xấu sẽ tăng và trực tiếp làm sụt giảm lợi nhuận của ngân hàng. Cho nên việc các ngân hàng hỗ trợ lãi suất cho DN lúc này không chỉ nhằm giúp DN vượt qua cú sốc khủng hoảng mà còn giúp chính các ngân hàng bảo toàn được lợi nhuận trong tương lai của họ.
Tuy nhiên, chuyên gia của Đại học RMIT cũng nhận định: “Việc nới lỏng các tiêu chí tiếp cận tín dụng cần phải được xem xét một cách thận trọng. Khơi thông dòng vốn, hạ lãi suất cho vay không nên đánh đồng với việc cho vay tràn lan và cho vay dưới chuẩn.
Việc bơm vốn cần phải được thực hiện mạnh mẽ để vực dậy nền kinh tế sau đại dịch. Dòng vốn này phải được chảy về các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thiết yếu và ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận