Giải mã sức hút của cổ phiếu ‘big 3’
Nhờ đà tăng nóng của thị giá cổ phiếu đã giúp tổng vốn hóa của 3 “ông lớn” ngành ngân hàng là BIDV, Vietinbank và Vietcombank tính đến thời điểm hiện tại đã vượt 1 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 1/5 tổng giá trị toàn sàn HoSE.
Theo quan sát, từ đầu năm 2024 đến nay, BID (BIDV) và CTG (Vietinbank) là 2 mã cổ phiếu nằm trong top tăng mạnh nhất nhóm ngân hàng, trong khi thị giá VCB (Vietcombank) cũng có mức tăng khoảng 20%.
Nhiều kỷ lục được thiết lập
Trong đó, cổ phiếu CTG vừa ghi nhận 2 phiên điều chỉnh nhẹ (28 và 29/2) sau khi tiến sát đến đỉnh lịch sử đạt được hồi giữa năm 2021. Giá trị vốn hóa của nhà băng này cũng theo đó tăng lên trên 194.000 tỷ đồng (8 tỷ USD), cao hơn khoảng 48.600 tỷ (2 tỷ USD) so với đầu năm 2024. Con số này đưa Vietinbank đứng vị trí thứ 3 trong danh sách những doanh nghiệp giá trị nhất toàn sàn chứng khoán.
Tương tự, cổ phiếu BID cũng ghi nhận phiên điều chỉnh nhẹ sau khi lập đỉnh lịch sử, giá trị vốn hóa tương ứng đạt hơn 302.000 tỷ đồng (12,5 tỷ USD), tăng khoảng 54.700 tỷ đồng (2,3 tỷ USD) so với đầu năm 2024. Nếu tính từ khi bắt đầu "nổi sóng" đầu tháng 11 năm ngoái, vốn hóa của BIDV đã tăng thêm gần 100.000 tỷ đồng.
Còn cổ phiếu VCB điều chỉnh không đáng kể sau phiên giao dịch “đại náo” thị trường. Cụ thể, trong phiên giao dịch 28/2, cổ phiếu VCB đóng cửa tăng 6,9% lên mức giá trần 97.400 đồng/cp với khối lượng khớp lệnh xấp xỉ 4,22 triệu đơn vị, gấp 3,5 lần trung bình 10 phiên trước đó và dư mua trần 41.500 đơn vị. Đây là mức giá và mức thanh khoản cao kỷ lục nhất của VCB từ trước đến nay (tính theo mức giá cổ phiếu đã điều chỉnh sau những đợt chia tách do phát hành thêm cổ phiếu và chia cổ tức), vượt đỉnh cũ 93.400 đồng/cp ghi nhận vào cuối tháng 7/2023.
Với việc tăng tổng cộng khoảng 20% từ đầu năm đến nay, giá trị vốn hóa của Vietcombank đã tăng lên mức kỷ lục hơn 544.377 tỷ đồng (tương đương hơn 22,1 tỷ USD). Nhờ đó, Vietcombank tiếp tục củng cố vị trí số 1 toàn sàn chứng khoán, bỏ xa 2 đơn vị đứng kế sau cũng thuộc nhóm ngân hàng là BIDV và Vietinbank. Đến nay, Vietcombank vẫn là cái tên duy nhất trong lịch sử chứng khoán Việt Nam vượt ngưỡng nửa triệu tỷ vốn hóa, tiếp tục là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam có vốn hóa lớn hơn VinFast.
Như vậy, tổng vốn hóa của “big 3” tính đến thời điểm hiện tại đã vượt 1 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 1/5 tổng giá trị toàn sàn HoSE, một kỷ lục trong lịch sử chứng khoán Việt Nam.
Hấp dẫn bởi “game” tăng vốn
Có thể thấy, điểm chung của 3 nhà băng trên là đều đang có kế hoạch tăng vốn. Mới đây nhất, Vietcombank công bố Nghị quyết HĐQT phê duyệt phương án phân phối lợi nhuận năm 2022. HĐQT nhà băng này thống nhất phương án tăng vốn thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, trích các quỹ năm 2022 để báo cáo xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước. Sau khi hoàn tất chia cổ tức năm 2022, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ tăng thêm 21.680 tỷ đồng, lên mức hơn 77.571 tỷ đồng.
Trong khi đó, Vietinbank cho biết cũng đang hoàn thành việc tăng vốn điều lệ. HĐQT của nhà băng này vừa đưa ra quyết định thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2022 với lợi nhuận còn lại sau khi trích các quỹ bắt buộc và quỹ khen thưởng phúc lợi là 11.648 tỷ đồng. Theo phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Vietinbank sẽ dùng toàn bộ lợi nhuận còn lại này để chia cổ tức bằng cổ phiếu. Nếu thực hiện thành công, vốn điều lệ của VietinBank sẽ tăng từ 53.700 tỷ lên mức 65.300 tỷ đồng.
BIDV cũng đã công bố kế hoạch tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2024. Trong đó, ngoài kế hoạch trả cổ tức, HĐQT cũng thông qua việc tiếp tục phát hành riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng hơn 455 triệu cổ phiếu theo phương án đã được ĐHĐCĐ thường niên 2022 thông qua (dự kiến 9% vốn điều lệ tại ngày 31/12/2022), qua đó đưa vốn điều lệ lên hơn 61.557 tỷ đồng.
Có thể khẳng định, dù có hay không có câu chuyện tăng vốn hỗ trợ, cổ phiếu nhóm ngân hàng nói chung và “big 3” nói riêng vẫn có khởi đầu năm 2024 tương đối suôn sẻ nhờ “sức khỏe” tốt so với nhiều ngành khác.
Theo thống kê báo cáo tài chính quý IV và lũy kế cả năm 2023 của nhóm 30 doanh nghiệp trong rổ VN30, hầu hết các doanh nghiệp này đều có tổng giá trị tài sản lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng, tăng trưởng ấn tượng so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, các doanh nghiệp có khối tài sản “khủng” nhất phần lớn thuộc về các ngân hàng. Dẫn đầu về quy mô tài sản trong nhóm VN30 tính đến hết năm 2023 thuộc về BIDV với 2,3 triệu tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ.
Ngân hàng có quy mô tài sản lớn thứ hai là Vietinbank với hơn 2 triệu tỷ đồng, tăng 12,4% so với thời điểm kết thúc năm 2022. Đứng vị trí thứ ba là Vietcombank có tổng tài sản đạt mức 1,8 triệu tỷ đồng, tăng nhẹ 1,4% so với năm 2022.
Thực tế, từ đầu năm đến nay, ngoài “big 3”, gần như toàn bộ cổ phiếu ngân hàng (ngoại trừ SSB và EIB) đều tăng giá, phần lớn trên 2 chữ số. Thậm chí, rất nhiều cổ phiếu đã vượt đỉnh lịch sử hoặc đang ở vùng đỉnh sau chuỗi tăng mạnh liên tiếp vài tháng qua như ACB, HDB, MBB, NAB…
Trước đà tăng mạnh của nhóm cổ phiếu ngân hàng cùng những đánh giá tích cực của giới phân tích, nhà đầu tư trên thị trường chưa có “hàng” như “ngồi trên đống lửa”, mong ngóng được “nhảy tàu” để đón sóng mùa đại hội cổ đông với các thông tin tích cực về kết quả kinh doanh, chia cổ tức. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nhóm cổ phiếu này đã tăng từ cuối năm ngoái đến nay, thời điểm này mới mua thì nguy cơ "đu đỉnh" rất cao.
Ông Võ Kim Phụng, Phó phòng phân tích Chứng khoán BETA nhận định tiềm năng tăng giá của cổ phiếu ngân hàng trong năm 2024 không còn nhiều. Với mặt bằng giá hiện tại, nhà đầu tư nên hạn chế mua vào.
Tương tự, chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển nhận xét, nhà đầu tư dài hạn thường nhìn vào định giá, trong khi định giá hiện tại của dòng cổ phiếu ngân hàng đã không còn rẻ và nợ xấu tiềm ẩn, cho nên nhóm cổ phiếu này sẽ không còn hấp dẫn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận