Giá lợn phục hồi, nhiều ‘ông lớn’ ngành chăn nuôi vẫn chưa thể vực dậy
Trong quý I, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi như BAF, DBC đều cho thấy lợi nhuận cải thiện mạnh mẽ so với cùng kỳ nhờ hưởng lợi từ việc giá lợn phục hồi. Trong khi đó, một số khác như VSN, MML, HAG lại không đạt được kết quả khả quan.
Kết thúc quý I, Công ty Cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam (HoSE: BAF) ghi nhận các kết quả tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ. Doanh thu thuần tăng gấp rưỡi lên mức 1.292 tỷ đồng. Giá vốn tăng chậm hơn, giúp lợi nhuận gộp tăng gấp 2,7 lần so với cùng kỳ, đạt 172 tỷ đồng.
Các loại chi phí trong kỳ đều có xu hướng tăng so với quý I/2023 như chi phí tài chính tăng gấp đôi, chi phí bán hàng tăng 10%, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 2%, lần lượt đạt 47 tỷ đồng, 23 tỷ đồng và 24 tỷ đồng.
Trừ đi chi phí, BAF báo lãi sau thuế tăng gấp 38 lần so với cùng kỳ, đạt 119 tỷ đồng và hoàn thành 38% mục tiêu lợi nhuận của năm.
Ban lãnh đạo BAF cho biết, giá lợn trong quý I phục hồi mạnh từ đợt dò đáy trong quý IV/2023, hiện đạt trên mức 60.000 đồng/kg. Sản lượng lợn quý I của công ty cũng tăng trưởng mạnh mẽ lên mức 100.000 con. Riêng trong tháng 3, sản lượng của BAF đạt mức kỷ lục 54.000 con. Mặt khác, giá nguyên liệu đầu vào, thức ăn chăn nuôi giảm 10-20% so với trước, đóng góp không nhỏ vào kết quả kinh doanh của BAF.
Tương tự, Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HoSE: DBC) cũng đạt được kết quả phục hồi mạnh mẽ trong quý I khi lãi lớn so với mức lỗ nặng cùng kỳ. Doanh thu thuần quý I của DBC tăng 41% so với cùng kỳ, đạt 3.253 tỷ đồng.
Giá vốn chỉ tăng ở mức 22%, giúp DBC thoát khỏi cảnh kinh doanh dưới giá vốn như cùng kỳ, đạt lãi gộp 349 tỷ đồng. Trừ đi các loại chi phí, DBC báo lãi sau thuế 73 tỷ đồng, trong khi cùng kỹ lỗ nặng tới 321 tỷ đồng.
Theo giải trình của DBC, doanh nghiệp cho biết kết quả khả quan trong quý I đạt được nhờ hưởng lợi nhờ giá một số nguyên liệu chính sản xuất thức ăn chăn nuôi giảm, đưa giá thành đi xuống. Bên cạnh đó, người chăn nuôi trong nước có nhu cầu tái đàn, nên sản lượng thức ăn tiêu thụ tăng, kéo kết quả đi lên.
Ngoài ra, giá lợn hơi tăng khá ổn định từ đầu năm, do nguồn cung giảm vì dịch bệnh, giúp kết quả DBC khởi sắc hơn. Giá lợn hơi trung bình cả nước tại ngày 2/5 là 61.800 đồng/kg, tăng 26% so với đầu năm.
Trong bối cảnh khả quan của giá lợn, một số doanh nghiệp lớn khác trong ngành chăn nuôi lại không đạt được tăng trưởng trong kết quả kinh doanh. Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (UPCoM: VSN) ghi nhận doanh thu thuần quý I giảm 6,5% so với mức thực hiện cùng kỳ, đạt hơn 837 tỷ đồng.
Giá vốn hàng bán giảm chậm hơn ở mức 5,7%, làm lợi nhuận gộp giảm 9% so với cùng kỳ, đạt hơn 201 tỷ đồng. Doanh thu giảm, VSN đã thắt chặt chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp trong quý I, lần lượt giảm 8% và giảm 9% so với cùng kỳ, tương ứng đạt 132 tỷ đồng và 39 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí tài chính lại tăng gần 32%, đạt 5 tỷ đồng.
Chốt quý I, VSN báo lãi sau thuế giảm 17%, đạt gần 29 tỷ đồng. VSN cho biết, giá nguyên liệu chính, chủ yếu là giá lợn hơi đầu vào cao hơn so với cùng kỳ đã khiến lợi nhuận của doanh nghiệp sụt giảm so với cùng kỳ.
Được biết, bên cạnh việc bán thực phẩm tươi sống (chủ yếu là lợn), động lực kinh doanh của VSN còn đến từ các sản phẩm chế biến. Do đó việc giá lợn hơi tăng sẽ gia tăng chi phí đầu vào của mảng thực phẩm chế biến của doanh nghiệp, ảnh hưởng tiêu cực tới kết quả của VSN.
Một “ông lớn” khác trong ngành chăn nuôi, Công ty Cổ phần Masan MeatLife (UPCoM: MML) cũng ghi nhận kết quả không mấy tươi sáng trong quý I vừa qua. Theo đó, doanh thu thuần hợp nhất của doanh nghiệp đạt 1.719 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ nhờ mảng thịt ủ mát và mảng trang trại.
Chi phí đầu vào được kiểm soát tốt, giúp lợi nhuận gộp tăng gấp đôi cùng kỳ, đạt 400 tỷ đồng trong khi doanh thu chỉ tăng trưởng 1 chữ số.
Tuy nhiên, các loại chi phí khác như chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp lại có xu hướng tăng so với cùng kỳ, lần lượt tăng ở mức 38% và 41%, tương ứng đạt 314 tỷ đồng và 82 tỷ đồng.
Kết quả, MML lỗ sau thuế 47 tỷ đồng trong quý I, cùng kỳ doanh nghiệp lỗ hơn 121 tỷ đồng. Dù không đạt được lợi nhuận dương, nhưng điểm sáng là MML đã co hẹp các khoản lỗ qua mỗi quý kể từ quý II/2023 đến nay.
Theo giải trình, MML cho biết doanh nghiệp đã đẩy mạnh các chương trình quảng cáo khuyến mãi trong quý I để giúp doanh thu tăng trưởng, làm gia tăng chi phí trong quý I, dẫn đến khoản lỗ như nêu trên.
Một trong những doanh nghiệp có tiếng cũng tham gia vào mảng chăn nuôi lợn là Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HAG). Xét riêng mảng lợn, doanh thu thuần của doanh nghiệp trong quý I là hơn 291 tỷ đồng, giảm 48% so với cùng kỳ. Doanh thu mảng lợn giảm mạnh không ngoại trừ khả năng do HAG đã thoái vốn tại chuỗi lợn ăn chuối Bapi.
Trừ đi giá vốn, mảng lợn chỉ đem về vỏn vẹn hơn 5,8 tỷ đồng lãi gộp. Nếu trừ đi các chi phí khác, không ngoại trừ trường hợp HAG có thể không đạt được lợi nhuận dương cho mảng lợn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường