Giá gạo tăng, doanh nghiệp gạo vẫn lãi "mỏng như lá lúa"
Nửa đầu năm 2023, ngành gạo đón nhiều thông tin tích cực từ nhu cầu cũng như giá gạo trên thị trường quốc tế tăng liên tục... Tuy nhiên, những thuận lợi này chưa được phản ánh trong bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp gạo trên sàn chứng khoán.
Ngược chiều lãi lỗ
Thống kê từ VietstockFinance cho thấy, trong số 9 doanh nghiệp ngành gạo trên ba sàn HOSE, HNX, UPCoM công bố kết quả kinh doanh quý 2/2023, chỉ có 1 doanh nghiệp tăng lãi, 5 doanh nghiệp giảm lãi, 1 doanh nghiệp chuyển từ lỗ sang lãi và 2 doanh nghiệp tiếp tục lỗ.
Tổng doanh thu quý 2 của các doanh nghiệp gạo trên đạt hơn 20 ngàn tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 6 tháng đạt gần 33.3 ngàn tỷ đồng, tăng 10%.
Kết quả chung của toàn ngành có sự đóng góp chính từ Tập đoàn Lộc Trời (HOSE: LTG) khi doanh nghiệp này lãi ròng gần 426 tỷ đồng trong quý 2, cùng kỳ còn lỗ 44 tỷ đồng. Đây là mức lãi quý cao nhất lịch sử hoạt động của Công ty.
Kết quả khởi sắc này chủ yếu tới từ việc LTG có gần 327 tỷ đồng lợi nhuận trong công ty liên kết (CTCP Lương thực Lộc Nhân), cùng kỳ không ghi nhận. Xét theo mảng kinh doanh chính, doanh thu từ lương thực là lúa, gạo vẫn chiếm phần lớn với 69%, tương đương hơn 2.5 ngàn tỷ đồng. Còn mảng thuốc bảo vệ thực vật, hạt giống, bao bì ghi nhận doanh thu giảm sút. Quý 2, biên lợi nhuận gộp của LTG được cải thiện từ 10% lên 14%.
Kết quả kinh doanh quý 2/2023 của các doanh nghiệp gạo
(Đvt: Tỷ đồng)
Chung tín hiệu tích cực, Xuất nhập khẩu Kiên Giang (UPCoM: KGM) có lãi tăng 130%, đạt hơn 5 tỷ đồng, do Công ty tập trung giao các lô hàng lương thực lớn trong quý 2. Biên lợi nhuận gộp cũng tăng từ 7% lên 12%.
Xét về mức độ tăng trưởng doanh thu, Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (HOSE: TAR) đứng đầu với doanh thu trên 1.6 ngàn tỷ đồng, cao gấp 2 lần so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tốc độ tăng của giá vốn cao hơn đã kéo biên lãi gộp từ mức 12% xuống 4%. Hệ quả, TAR lỗ 8 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi hơn 21 tỷ đồng. Đây cũng là quý đầu tiên Doanh nghiệp lỗ kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán hồi đầu năm 2019.
TAR cho biết, kết quả kinh doanh kém tích cực chủ yếu do chi phí lãi vay tăng cao cùng với việc phải hủy một số hàng hư hỏng giao tại cảng cho khách hàng nước ngoài.
Xét về con số tuyệt đối, Lương thực miền Nam (Vinafood 2, UPCoM: VSF) đạt mức doanh thu cao nhất trong nhóm với gần 6.9 ngàn tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ, nhưng lãi ròng thu về chưa đến 700 triệu đồng, “bốc hơi” 98%.
Dù doanh thu thuần liên tục tăng, VSF mới chỉ thoát lỗ năm 2022. Giai đoạn từ 2019 - 2021, Doanh nghiệp lỗ ròng hàng trăm tỷ đồng.
Một số tên tuổi khác như Thương mại Kiên Giang (UPCoM: KTC), Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang (UPCoM: AFX), Tập đoàn PAN (HOSE: PAN) và Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (HOSE: NSC) cũng không khá hơn khi lợi nhuận quý 2 sụt giảm đáng kể.
Dù giá vốn có giảm nhưng không đuổi kịp mức giảm của doanh thu khiến KTC chỉ thu lợi nhuận trên 1 tỷ đồng, thấp hơn 93% so với cùng kỳ.
Với ông lớn PAN, doanh thu thuần gần 2.8 ngàn tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ; trong đó mảng nông nghiệp đóng góp hơn 1.2 ngàn tỷ đồng, sụt giảm nhẹ trong bối cảnh mùa vụ kinh doanh thấp điểm trong năm. Sau khấu trừ chi phí, lợi nhuận ròng bốc hơi một nửa, chỉ còn hơn 65 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thê thảm hơn cả phải kể đến Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex, HOSE: AGM) lỗ hơn 32 tỷ đồng trong quý 2, cao gấp 3.2 lần mức lỗ cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là quý thứ 5 liên tiếp AGM thua lỗ. Nguyên nhân do doanh thu giảm tới 88% cùng với gánh nặng chi phí lãi vay định kỳ.
Những quý gần đây, kết quả kinh doanh của Angimex không mấy tích cực sau khi một lãnh đạo cấp cao bị khởi tố liên quan vụ thao túng thị trường chứng khoán, dù Công ty được đánh giá là một trong những doanh nghiệp đứng đầu cả nước về xuất khẩu gạo.
Biên lãi gộp các doanh nghiệp gạo trong quý 2/2023
(Đvt: %)
Cuộc đua về đích
Chỉ vừa kết thúc 2 quý đầu năm nhưng có 2 doanh nghiệp gạo đi được hơn 4/5 kế hoạch lợi nhuận năm, đó là KGM và LTG. Còn lại, hơn một nửa đơn vị trong nhóm chỉ thực hiện được từ 20 - 35% mục tiêu lợi nhuận. Riêng TAR mới đạt vỏn vẹn 1% kế hoạch cổ đông giao phó. AGM kết thúc 6 tháng lỗ tới gần 54 tỷ đồng, đưa lỗ lũy kế tính đến giữa năm nay lên hơn 44 tỷ đồng.
Doanh nghiệp gạo thực hiện kế hoạch lợi nhuận năm 2023
(Đvt: Tỷ đồng)
Tồn kho biến động trái chiều
Trước những thông tin giá gạo tăng cùng lệnh cấm xuất khẩu gạo ở một số nước, hàng tồn kho của các doanh nghiệp ngành gạo - đóng vai trò như một phương án giúp hoạt động lưu thông hàng hóa được diễn ra liền mạch - có những biến động trái chiều.
Tính đến ngày 30/06/2023, hàng tồn kho của VSF đạt gần 3 ngàn tỷ đồng, gấp 2.6 lần so với số đầu năm, chủ yếu do giá nguyên liệu, vật liệu tăng mạnh lên hơn 1.2 ngàn tỷ đồng, từ mức 469 tỷ đồng hồi đầu năm.
Còn LTG có giá trị hàng tồn kho hơn 2.7 ngàn tỷ đồng, tăng 24% so với đầu năm, chủ yếu đến từ thành phẩm. Hàng tồn kho của KGM cũng phình to từ 195 tỷ đồng lên hơn ngàn tỷ đồng, trong đó ngành hàng lương thực chiếm tới 99%.
Hàng tồn kho của doanh nghiệp gạo
tại thời điểm cuối quý 2/2023
(Đvt: Tỷ đồng)
Ngoài ra, hàng tồn kho của NSC và AFX tăng lần lượt 58% và 10%, đạt 737 tỷ đồng và 173 tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 6.
Ngược dòng xu hướng, TAR ghi nhận hàng tồn kho sụt giảm 52% so với đầu năm, xuống 679 tỷ đồng, chủ yếu do Công ty giảm trích lập giá nguyên liệu, vật liệu và giá thành phẩm giảm mạnh từ 80 tỷ đồng xuống còn 8 tỷ đồng. Tương tự, hàng tồn kho của AGM đi xuống 11%, còn 93 tỷ đồng.
Trong báo cáo ngành lương thực mới đây, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) đánh giá, trên cơ sở Việt Nam nắm giữ thị phần xuất khẩu cùng trữ lượng lúa gạo lớn, mảng này sẽ tiếp tục hưởng lợi từ nhu cầu tăng cao trên thế giới.
Cổ phiếu gạo đua nhau nổi sóng
Dù tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp gạo trong quý 2 có sự phân hóa rõ rệt, song, cổ phiếu gạo có mức tăng cao hơn đáng kể so với mặt bằng chung của thị trường.
Gây ấn tượng hơn cả là VSF. Từ một cổ phiếu chẳng ai biết tới và kinh doanh thua lỗ 10 năm liên tiếp, đã nối dài 8 phiên mang sắc tím và giúp cổ phiếu này tăng kịch trần 11 phiên trong 2 tuần qua. Kết phiên 08/08, cổ phiếu VSF dừng ở mức 37,400 đồng/cp - mức cao nhất lịch sử niêm yết của doanh nghiệp này.
Tương tự, AGM có chuỗi tăng giá kéo dài 12 ngày liên tiếp với 7 phiên tăng trần và 2 phiên gần kịch biên độ dù đang bị hạn chế giao dịch. Kết phiên 08/08, thị giá AGM chốt ở mức 13,500 đồng/cp, ngang vùng giá vào cuối tháng 10 năm ngoái.
Từ ngày 04 - 10/08, cổ phiếu KGM cũng có 5 phiên tăng trần liên tiếp, đưa thị giá cổ phiếu từ 10,180 đồng/cp lên 17,390 đồng/cp, tương đương tăng gần 71% thị giá sau 5 phiên này.
Gần đây, cả 3 cổ phiếu trên có văn bản giải trình với UBCKNN về việc cổ phiếu tăng trần liên tục nhiều phiên. Lãnh đạo 3 doanh nghiệp đều nhấn mạnh: doanh nghiệp không có bất cứ tác động nào gây ảnh hưởng trực tiếp đến giá giao dịch trên thị trường và việc giá cổ phiếu tăng mạnh là do kỳ vọng của nhà đầu tư trong bối cảnh giá gạo xuất khẩu tăng cao.
Ngoài 2 mã “nổi sóng” trong thời gian ngắn kể trên, các cổ phiếu khác trong ngành gạo cũng nâng thị giá với biên độ lớn suốt 1 tháng qua. Đơn cử, TAR tăng hơn 40% kể từ đầu tháng 7, hiện tương5 đương vùng giá của tháng 9/2022. LTG tích lũy thêm 32% và trở về mặt bằng thị giá của tháng 6/2022. PAN cũng phục hồi về vùng giá ở quý 3/2022 - thời điểm giá gạo xuất khẩu tăng cao.
Giá cổ phiếu các doanh nghiệp gạo và VN-Index từ đầu năm 2023 đến nay
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường