FPT nhận sản xuất gần 70 triệu chip, chưa có kế hoạch IPO ở Mỹ
Mới đây, Chủ tịch Trương Gia Bình tiết lộ FPT đã nhận đơn hàng gần 70 triệu chip tới năm 2025, đồng thời hướng tới việc mở rộng ở lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và đào tạo kỹ thuật. Theo ông, đạo luật mới của Mỹ đã mở ra hàng loạt cơ hội cho Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn.
CTCP FPT (HOSE: FPT) đang là công ty công nghệ lớn nhất với tổng vốn hóa thị trường 5.2 tỷ USD. Đây là tập đoàn chuyên cung cấp dịch vụ AI, đám mây (cloud) và dữ liệu lớn (big dât) cho khách hàng ở 29 quốc gia, đồng thời cũng đang tăng trưởng ở mảng thiết kế chip và giáo dục.
FPT nằm trong số ít doanh nghiệp Việt Nam tham dự hội nghị kinh doanh với các công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ nhân dịp Tổng thống Joe Biden tới Việt Nam vào đầu tuần này.
Chủ tịch Trương Gia Bình cho biết Việt Nam có thể xây dựng vị thế lớn mạnh trong lĩnh vực AI. Ông cũng tin rằng Việt Nam nói chung và FPT nói riêng có thể tăng trưởng nhanh hơn ở lĩnh vực kỹ thuật số.
FPT vừa ký thỏa thuận hợp tác với công ty Mỹ Landing AI để nâng khả năng đào tạo. Họ cũng tham gia đàm phán với gã khổng lồ Nvidia và các công ty Việt Nam khác để ứng dụng AI vào lưu trữ đám mây, y tế và các ứng dụng khác.
Trong cuộc phỏng vấn với Reuters tại trụ sở FPT Hà Nội, ông Bình cho biết “các cơ hội mới” phần lớn nằm ở lĩnh vực bán dẫn nhờ Đạo luật CHIPS mà Mỹ thông qua trong năm ngoái.
Chủ tịch FPT đánh giá đạo luật mới của Mỹ là “yếu tố làm thay đổi cuộc chơi” nhờ tạo ra điều kiện cho các công ty nước ngoài mở rộng (trừ Trung Quốc) và việc Mỹ cam kết thúc đẩy lĩnh vực chip của Việt Nam đã xác nhận cho chuyện đó.
FPT trước đó công khai đơn hàng 25 triệu chip cho tới năm 2025, nhưng ông Bình còn tiết lộ tổng đơn đặt hàng lên tới 67 triệu chip và đến từ các khách hàng ở Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản. Nhiều khách hàng hoạt động trong lĩnh vực thiết bị y tế và nhiều loại thiết bị điện tử khác.
Trái ngược với thông lệ lắp ráp sản phẩm tại Việt Nam của nhiều doanh nghiệp công nghệ quốc tế, FPT có chip được thiết kế sản xuất tại Hàn Quốc hoặc Đài Loan - được đánh giá là một dạng chuỗi cung ứng đảo ngược so với “gã khổng lồ” điện tử Hàn Quốc Samsung, vốn lắp ráp khoảng một nửa số điện thoại thông minh ở Việt Nam.
Ông Bình cho biết thêm, FPT có thể đưa hoạt động sản xuất chip của mình về Việt Nam trong vòng 5 năm tới vì ông nhận thấy mối quan tâm ngày càng tăng và khả năng đầu tư nước ngoài cho việc xây dựng nhà máy sản xuất chip đầu tiên của Việt Nam.
Chưa có kế hoạch niêm yết ở Mỹ
Khi được hỏi về dự định mở rộng, ông Trương Gia Bình cho biết FPT hiện chưa có ý định IPO tại Mỹ. “Có lẽ một ngày nào đó”, ông Bình nói thêm nhưng nhấn mạnh rằng ông chưa thấy mục đích rõ ràng cho việc đó vào lúc này.
Ông Bình cũng khẳng định FPT cần đầu tư nhiều hơn vào các dịch vụ giáo dục. FPT đã tiếp nhận hàng ngàn sinh viên trong khuôn viên trường đại học của mình và đặt mục tiêu lấp đầy khoảng trống đào tạo trong lực lượng lao động kỹ thuật chip của Việt Nam. Các chuyên gia ước tính lực lượng lao động kỹ thuật chip cần phải tăng gấp 10 lần trong thập kỷ tới, lên 50,000 người.
Vị Chủ tịch FPT sẵn sàng thúc đẩy điều đó và hy vọng Mỹ sẽ cung cấp nhiều hơn số vốn đã công bố hồi đầu tuần khi quan hệ song phương với Việt Nam được nâng cấp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận