24HMONEY đã kiểm duyệt
29/10/2022
"Đua nhau báo lỗ" - Lợi nhuận ngành thép đã chạm đáy?
Cùng kỳ vọng những cổ phiếu "quốc dân" như HPG, NKG sẽ có màn trình diễn tốt hơn trong năm sau.
Có nhiều lý do để kỳ vọng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép sẽ được cải thiện trong Quý 4 và cả năm 2023.
THỰC TRẠNG NGÀNH THÉP 9 THÁNG ĐẦU NĂM
Giá trị và sản lượng xuất khẩu giảm mạnh: Báo cáo cập nhật của Tổng cục Hải quan cho thấy trị giá xuất khẩu mặt hàng thép của Việt Nam giảm liên tiếp trong 3 tháng trở lại đây. Tính từ đầu năm đến hết quý 3/2022, cả nước xuất khẩu 6,46 triệu tấn sắt thép các loại với trị giá 6,51 tỉ đô la, giảm 34,4% về lượng và giảm 22,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Lượng xuất khẩu sắt thép các loại trong 9 tháng vừa qua chủ yếu sang các thị trường ASEAN với 2,68 triệu tấn, giảm 10,8%; EU với 1,27 triệu tấn, giảm 10%; Mỹ với 517 nghìn tấn, giảm 22%… so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, lượng xuất khẩu sắt thép các loại sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh 95,5%, chỉ đạt 95 ngàn tấn.
Tồn kho tăng cao: là thực trạng trong những quý gần đây của ngành thép. Trong quý 2/2022, ngành thép tồn kho kỷ lục hơn 110.000 tỉ đồng, tăng 20.000 tỉ đồng so với cuối quý 1. Trong 110.000 tỉ đồng tồn kho này, riêng Tập đoàn Hòa Phát (
HPG) đã chiếm hơn một nửa với hơn 57.500 tỉ đồng (đã bao gồm trích lập dự phòng giảm giá 762 tỉ đồng), tăng 17.500 tỉ đồng so với cuối quý 1 và cao hơn 11.500 tỉ đồng so với đỉnh cũ hồi cuối quý 3 năm ngoái. Cuối quý 2, tồn kho của Hoa Sen Group (
HSG) cũng lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng.
Nguyên nhân tới từ việc nhu cầu thép suy yếu ở cả trong nước và thế giới, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao trong đó đặc biệt là giá than cao gấp ba lần so với thời điểm bình thường, tín dụng thắt chặt, tỷ giá và lãi suất tăng mạnh.
CẬP NHẬT KQKD QUÝ 3 DOANH NGHIỆP NIÊM YỂT
Quý 3/2022, CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đạt doanh thu 34,441 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ 2021. Đáng chú ý, Hòa Phát lỗ sau thuế 1,786 tỷ đồng, đánh dấu quý lỗ đầu tiên kể từ năm 2008.
Lũy kế 9 tháng, Hòa Phát đạt 116.559 tỷ đồng doanh thu và 10.443 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt đạt 76% và 39% kế hoạch năm. Lĩnh vực thép và sản phẩm liên quan đóng góp trên 90% doanh thu và lợi nhuận toàn Tập đoàn.
Tập đoàn Hoa Sen (HSG) cũng vừa công bố BCTC quý 3, ghi nhận mức lỗ ròng 887 tỷ đồng và cũng là lần đầu tiên báo lỗ. Doanh thu thuần của công ty đồng thời giảm, đạt 7.939 tỷ đồng, giảm đến một nửa so với mức hơn 15.700 tỷ đồng ở cùng kỳ năm ngoái.
Không nằm ngoài xu thế chung, Thép Nam Kim (NKG) công bố KQKD quý 3, trong đó doanh thu giảm đến 41% so với cùng kỳ xuống còn 4.424 tỷ đồng, giá vốn chỉ giảm 26,5% đẩy doanh nghiệp này vào tình trạng kinh doanh dưới giá vốn. Lỗ gộp quý 3 hơn 159 tỷ đồng trong khi cùng kỳ con số này dương đến gần 1.300 tỷ đồng.
NGÀNH THÉP CÓ TĂNG TRƯỞNG TRỞ LẠI?
Thứ nhất, tiêu thụ thép nội địa 3 tháng cuối năm sẽ phục hồi bởi mùa mưa, mùa thấp điểm xây dựng đã qua. Quý 4 là giai đoạn nhu cầu thép tăng lên khi các công trình xây dựng đẩy mạnh tiến độ. Đầu tư công kỳ vọng đẩy mạnh vào cuối năm.
Từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt trong bối cảnh yêu cầu phục hồi nhanh và bền vững của nền kinh tế. Thực tế, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 9 tháng năm 2022 mới chỉ đạt 334,5 nghìn tỷ đồng, bằng 58,7% kế hoạch năm, để đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra ngành xây dựng đầu tư công sẽ phải đẩy mạnh giải ngân thực hiện trong quý cuối cùng của năm.
Thứ hai, tín hiệu tích cực hỗ trợ ngành thép từ chính sách hỗ trợ kinh tế của chính phủ Trung Quốc ngày 24/8/2022. Trong đó, bổ sung 300 tỷ CNY mà các ngân hàng nhà nước có thể sử dụng để đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng. Sự phục hồi của thị trường Trung Quốc là động lực chính thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thép toàn thế giới trong năm 2023.
Thứ ba, việc Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu đã khiến giá điện ở châu Âu tăng vọt. Để đối phó với tình trạng trên, một số nhà máy thép trong khu vực đã cắt giảm một phần hoặc ngừng toàn bộ hoạt động sản xuất. Với việc EU sẽ mất một khoảng thời gian đáng kể tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế, người mua thép EU sẽ cần tìm kiếm các nguồn thép rẻ hơn ở châu Á, bao gồm Việt Nam, khi nhu cầu ở EU phục hồi.
Bình luận