menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Jennie

Doanh nghiệp ngành gạo năm 2022: Người thắng lớn, kẻ hụt hơi

Hầu hết các công ty ngành gạo đều tăng trưởng dương trong quý IV/2022, tuy nhiên, ảnh hưởng từ áp lực chi phí đã thu hẹp quy mô lợi nhuận của từng doanh nghiệp.

Theo thông tin Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2022, ngành gạo lập kỷ lục với sản lượng xuất khẩu 7,11 triệu tấn, mang về giá trị 3,46 tỉ USD, tăng 13,8% về khối lượng và 5,1% về giá trị so với năm trước.

Bên cạnh đó, xuất khẩu gạo của Việt Nam có nhiều thuận lợi từ đầu năm 2022 khi khách hàng truyền thống là Philippines tăng nhập khẩu. Thị trường Trung Quốc cũng chuyển dịch từ nhập khẩu lượng gạo nhỏ từ Việt Nam trong những tháng đầu năm sang những đơn hàng lớn vào những tháng cuối năm. Trong khi đó, một số nước châu Âu có xu hướng tăng nhập khẩu gạo để thay thế nguồn cung lúa mì đang suy giảm do cuộc chiến Nga – Ukraine diễn ra dai dẳng.

Từ những tín hiệu tích cực đến từ thị trường, nhìn chung trong quý IV/2022, các doanh nghiệp ngành gạo đều đem về mức doanh thu tăng so với cùng kỳ năm ngoái, duy nhất chỉ có Tập đoàn Lộc Trời với doanh thu giảm nhẹ 1,54%. Theo đó, doanh thu của Tập đoàn PAN tăng 9,4%, Gạo Trung An tăng 35%, Vinafood II tăng 57%, Xuất nhập khẩu Nông sản An Giang tăng 152%.

Mặc dù Xuất nhập khẩu An Giang đứng đầu trong tăng trưởng doanh thu nhưng Tập đoàn PAN là doanh nghiệp giữ mức doanh thu cao nhất với 3.906 tỷ đồng, xếp ngay sau đó là Tập đoàn Lộc Trời với 3.062 tỷ đồng.

Xét về quy mô lợi nhuận, mặc dù Tập đoàn PAN vẫn giữ ngôi vị đầu bảng với mức lãi 243 tỷ đồng sau thuế nhưng đây lại là con số đi lùi so với cùng kỳ năm trước. Trái lại, Tập đoàn Lộc Trời lại ghi nhận mức tăng trưởng cao hơn 33%, đạt 208 tỷ đồng.

Đường đua của hai ông lớn ngành gạo

Theo báo cáo tài chính mới công bố, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) của doanh nhân Huỳnh Văn Thòn có doanh thu thuần đạt 3.062 tỷ đồng, giảm 1,54% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, do giá vốn hàng bán trong quý ghi nhận sự tiết giảm 4,7% xuống chỉ còn 2.329 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp của Lộc Trời vẫn ở mức 732 tỷ đồng, tương đương tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.

Sau khi trừ các chi phí, Tập đoàn Lộc Trời báo lãi 208 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng quý IV/2021.

Luỹ kế năm 2022, doanh thu thuần của Lộc Trời đạt mức kỷ lục 11.690 tỷ đồng, tăng 14,3% so với năm 2021. Trong đó, doanh thu từ lương thực chiếm đa số với 55%, tương đương 6.430 tỷ đồng.

Khấu trừ các chi phí, Lộc Trời báo lãi 412 tỷ đồng, sụt giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên đây cũng là tín hiệu khả quan giúp công ty hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Về tình hình tài chính của công ty, tại ngày 31/12/2022 tổng tài sản của Lộc Trời đạt 8.728 tỷ đồng, tăng 12% so với số đầu năm. Tuy nhiên, tiền và các khoản tương đương tiền ghi nhận mức giảm hơn 55% xuống chỉ còn 799 tỷ đồng vào cuối năm 2022. Cùng với đó, chỉ số hàng tồn kho cũng giảm nhẹ xuống chỉ còn 2.108 tỷ đồng tại cuối kỳ.

Ngoài ra, dư nợ phải trả của Lộc Trời tính đến cuối năm 2022 là 5.575 tỷ đồng, cao hơn 15,8% so với đầu năm. Đáng chú ý, công ty hiện có khoản vay ngân hàng trị giá 3.695 tỷ đồng tại 15 ngân hàng.

Theo chiều ngược lại của cả doanh thu và lợi nhuận của Lộc Trời, Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN (PAN Group; HoSE: PAN) ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.906 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù trong quý ghi nhận mức tăng đến từ giá vốn hàng bán nhưng lợi nhuận gộp của PAN Group vẫn tăng 26%, đạt 894 tỷ đồng. Bên cạnh đó, doanh thu từ hoạt động tài chính trong kỳ đạt 95,7 tỷ đồng, thấp hơn 30% so với quý IV/2021.

Sau khi trừ các chi phí, PAN Group báo lãi 243,8 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Luỹ kế năm 2022, PAN ghi nhận doanh thu đạt 13.662 tỷ đồng, tăng 47,7%. Sau thuế, công ty báo lãi 774 tỷ đồng với mức tăng trưởng 51% so với năm 2021. Cơ cấu doanh thu theo mảng kinh doanh chính cho cả năm 2022 – mảng thủy sản đóng góp 6.300 tỷ đồng, mảng nông nghiệp đóng góp 4.900 tỷ đồng, thực phẩm đóng góp 2.400 tỷ đồng.

Năm 2022, PAN đề ra kế hoạch doanh thu 14.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 755 tỷ đồng. Như vậy, công ty đã hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận và sát nút kế hoạch doanh thu với 99% kế hoạch.

Xét về tình hình tài chính của doanh nghiệp, tổng tài sản của công ty tại ngày 31/12/2022 là 16.054 tỷ đồng, tăng nhẹ 3,6% so với đầu năm với tài sản ngắn hạn chiếm 64% cơ cấu. Đáng chú ý, trong năm công ty trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán gần 3,2 tỷ đồng, trong khi đầu năm chỉ khoảng 1,8 tỷ đồng.

Bài toán mang tên chi phí của các doanh nghiệp

Bên cạnh sự tăng trưởng tích cực của 2 ông lớn ngành gạo, các doanh nghiệp khác cũng ghi nhận những tín hiệu rất khả quan, trong đó có Gạo Trung An. Tuy nhiên, chưa kịp vui thì doanh nghiệp này đã phải “đầu đầu" vì chi phí bào mòn lợi nhuận trong các tháng cuối năm.

Theo đó, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (HNX: TAR) ghi nhận doanh thu quý IV đạt 1.575 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ. Do tốc độ tăng của giá vốn nhanh hơn tốc độ tăng của doanh thu, khiến lợi nhuận gộp trong quý, giảm hơn 40% xuống 67 tỷ đồng.

Sau khi khấu trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế của công ty vỏn vẹn 18 tỷ đồng, thấp hơn 59% so với cùng kỳ năm 2021.

Lũy kế năm 2022, doanh nghiệp ngành gạo này ghi nhận tin vui khi cán mốc doanh thu lịch sử sau 6 năm với 3.798 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2021. Tuy nhiên, dưới áp lực từ mức tăng của giá vốn hàng bán và các khoản chi phí “leo thang", Trung An báo lãi đi lùi với 70 tỷ đồng, giảm 27% so với năm 2021.

Với kết quả trên, Trung An đã hoàn thành chỉ tiêu doanh thu, nhưng chưa thể hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm 2022.

Cũng chung số phận với Trung An, mặc dù doanh thu của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Nông sản An Giang (Afiex; UPCoM: AFX) tăng nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn giảm sâu, chủ yếu do hụt doanh thu tài chính, đồng thời chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng cao.

Cụ thể, Afiex đạt doanh thu 622,55 tỷ đồng trong quý IV/2022, tăng 152,3% so với cùng kỳ. Đi cùng với mức tăng của doanh thu, các khoản chi phí trong kỳ của doanh nghiệp này cũng “leo thang” chóng mặt. Theo đó, chi phí tài chính tăng 183% đạt mức 10,2 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đạt 11,4 tỷ đồng, tăng 28%.

Sau khi trừ các chi phí, công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 1,37 tỷ đồng, giảm 92% so với cùng kỳ.

Luỹ kế năm 2022, doanh thu của Afiex là 1.612 tỷ đồng, tăng 110%. Sau thuế công ty báo lãi 28 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2022, Afiex đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 2.194 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 52 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm 2022 công ty không hoàn thành mục tiêu kế hoạch đã đề ra trước đó.

Kỳ vọng bứt phá của ngành gạo trong năm 2023

Trong báo cáo cập nhật triển vọng ngành nông nghiệp vừa công bố, Chứng khoán VNDirect kỳ vọng 2023 sẽ là một năm thuận lợi cho ngành lúa gạo nhờ giá gạo tăng do Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo. Trong bối cảnh nguồn cung giảm trong khi nhu cầu ổn định, gạo thế giới và gạo xuất khẩu Việt Nam sẽ còn tiềm năng tăng giá trong 2023.

Theo quan điểm của các chuyên gia VNDirect, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước sẽ được hưởng lợi từ việc giá gạo tăng. Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới, sau Ấn Độ và Thái Lan. Giá gạo Ấn Độ đang có vị thế cạnh tranh yếu hơn do chịu mức thuế cao hơn, từ đó thúc đẩy người mua chuyển hướng sang gạo của Thái Lan và Việt Nam.

Tại một diễn biến khác, theo Báo cáo “Thị trường gạo năm 2022” của VietnamBiz, trong năm 2023 xuất khẩu gạo sẽ có nhiều cơ hội đột phá. Cụ thể, với việc đạt giá cao vào cuối vụ, đặc biệt là cuối năm 2022 sẽ giúp doanh nghiệp xuất khẩu gạo có lợi thế để đàm phán hợp đồng của năm 2023.

Ngoài có nền tảng là giá tốt thì ở nhiều thị trường như Philippines, Trung Quốc, châu Âu hay Bangladesh… cũng đều có nhiều triển vọng. Trong đó, với thị trường Trung Quốc, gần đây nước này thông báo sẽ mở cửa trở lại cũng được cho là một tín hiệu tích cực cho những nhà xuất khẩu gạo.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
2 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại