Doanh nghiệp công nghệ kinh doanh thuận lợi nửa đầu 2022, triển vọng tươi sáng
Nhóm công ty liên quan đến công nghệ, cung cấp thiết bị công nghệ phần mềm và tích hợp hệ thống cũng có kết quả kinh doanh khả quan nhờ xu thế chuyển đổi số lan rộng khắp khu vực công và tư nhân tại Việt Nam.
Nửa đầu năm nay, hoạt động sản xuất kinh doanh dần trở lại trạng thái bình thường khi đại dịch Covid-19 về cơ bản được kiểm soát. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, GDP 6 tháng đầu năm nay tăng 6,42%, cao hơn tốc độ tăng 5,74% nửa đầu 2021 và cải thiện đáng kể so với tốc độ tăng 2,04% nửa đầu 2020.
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, ngành công nghệ thông tin tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng. Bà Tô Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Công nghệ Thông tin cho biết doanh thu ngành ước đạt 72,5 tỷ USD, tăng 17,8% so với cùng kỳ. Tỷ lệ giá trị hàng sản xuất tại Việt Nam (Make in Viet Nam) trong cơ cấu doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin đạt 26,72%, trị giá khoảng 19,4 tỷ USD. Số doanh nghiệp công nghệ số ước đạt 67.300 đơn vị, tăng 9% so với cùng kỳ, gần đạt mục tiêu 70.000 doanh nghiệp đề ra trong năm nay.
Xu thế chuyển đổi số lan rộng khắp khu vực công và tư nhân tại Việt Nam khi nhiều lĩnh vực thuộc khối Nhà nước và tư nhân áp dụng công nghệ để nâng cao hiệu suất và tối ưu quy trình làm việc. Trong bối cảnh đó, nhóm công ty liên quan đến công nghệ, cung cấp thiết bị công nghệ phần mềm và tích hợp hệ thống cũng có kết quả kinh doanh khả quan.
“Ông lớn công nghệ” FPT (HoSE:FPT) ghi nhận tổng doanh thu nửa đầu năm nay đạt 19.826 tỷ đồng, tăng 22,2% so với nửa đầu năm ngoái. Trong đó, khối công nghệ mang về 11.252 tỷ đồng doanh thu, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu chuyển đổi số trong nửa đầu năm đạt 3.484 tỷ đồng, tăng trưởng 64,6% so với cùng kỳ, tập trung vào các công nghệ mới như cloud, AI/data analytics, blockchain,...
Doanh thu khối viễn thông tăng 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 7.077 tỷ đồng. Doanh thu dịch vụ viễn thông tăng 15%. Biên lợi nhuận dịch vụ viễn thông được mở rộng từ 18,3% lên 19,2% nhờ tăng trưởng lợi nhuận từ mảng PayTV.
Còn với mảng giáo dục, nhờ nhu cầu học ngành công nghệ thông tin tăng đã góp phần thúc đẩy doanh thu của mảng này của FPT tăng 42% trong nửa đầu năm 2022 so với cùng kỳ lên 1.935 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 3.100 tỷ đồng, tăng 28,6%.
Tương tự, tập đoàn công nghệ CMC (HoSE: CMG) cũng có quý kinh doanh khả quan với doanh thu quý I niên độ 2022-2023 (1/4-30/6) tăng 31,4% lên 1.709,3 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 47,3% đạt 92 tỷ đồng. Phần lợi nhuận thuộc về công ty mẹ là 80 tỷ đồng, tăng 81,5% cùng kỳ năm trước.
Tập đoàn này lý giải lợi nhuận tăng mạnh do các khối kinh doanh đều đạt mức độ tăng trưởng tốt. Trong đó doanh thu khối kinh doanh quốc tế tăng 90% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu khối giải pháp công nghệ tăng 29% và doanh thu khối dịch vụ viễn thông tăng 23%.
Tính chung nửa đầu năm 2022 (tương đương quý IV niên độ 2021-2022 và quý I niên độ 2022-2023 theo cách tính của CMC), doanh thu thuần tăng 30,7% lên 3.490,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 32,2% đạt 153,4 tỷ đồng.
CMC đang tập trung cho 4 hoạt động chính là giải pháp công nghệ, dịch vụ viễn thông, kinh doanh quốc tế và viện nghiên cứu ứng dụng công nghệ. Từ 2019, CMC đã cho ra mắt hệ sinh thái hạ tầng mở C.OPE2N tích hợp tất cả các công nghệ chuyển đổi số mới nhất như Big Data, AI, IoT, Multi-Cloud, BlockChain…
Đơn vị dồn lực vào các thị trường chiến lược như tài chính ngân hàng, doanh nghiệp, chính phủ và mở rộng phát triển thị trường quốc tế. Được biết hiện nay, CMC đã có những khách hàng đầu tiên tại thị trường Nhật Bản, EU, APAC. Dự định trong năm nay, doanh nghiệp này sẽ phát triển thị trường mới tại Singapore và mở chi nhanh đầu tiên tại Mỹ. Ngoài ra, CMC còn mục tiêu năm 2025 đạt doanh thu khối giải pháp công nghệ 10.000 tỷ đồng, dịch vụ viễn thông 10.000 tỷ đồng và khối kinh doanh quốc tế 5.000 tỷ đồng.
Tương tự, Công ty Đầu tư Phát triển Công nghệ Điện tử Viễn thông (Elcom, HoSE: ELC) có doanh thu 6 tháng đầu năm tăng 27% lên 348 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 28% lên 24 tỷ đồng.
Elcom hoạt động chính trong việc cung cấp các giải pháp công nghệ có độ khó cao, ứng dụng vào các ngành kinh tế trọng điểm như viễn thông, công nghệ thông tin, an ninh quốc phòng, giao thông vận tải. Một số sản phẩm nổi bật như công nghệ giám sát vệ tinh VSAT và Inmarsat-C - một loại vệ tinh phục vụ cho an ninh quốc phòng, hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC), hệ thống quản lý giao thông trên đường thủy nội địa và đường biển VTS, hệ thống kiểm soát tải trọng xe tự động WIM, hay máy bay không người lái (UAV) và xuồng không người lái (USV),…
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm nay, ông Phan Chiến Thắng – Chủ tịch HĐQT cho biết công nghệ vẫn sẽ là mảng kinh doanh trọng tâm của Elcom. Bên cạnh khai thác giải pháp “made by Elcom” ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI - Artificial Intelligent), Internet vạn vật (IoT - Internet of Things, dữ liệu lớn (Big Data), Elcom sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm về Blockchain, Web 3.0, Metaverse để ra mắt các dòng sản phẩm tương ứng.
Trong khi đó, Truyền thông VMG (UPCoM:ABC) ghi nhận doanh thu thuần nửa đầu năm nay giảm nhẹ 1,4% xuống 806,3 tỷ đồng, song giá vốn hàng bán giảm mạnh hơn với 7% còn 732,4 tỷ đồng. Sau khi trừ các loại chi phí, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh gấp gần 3 lần lên 32,3 tỷ đồng; nhờ đó lãi sau thuế gấp 2,4 lần lên 21,4 tỷ đồng.
Doanh nghiệp cho biết nửa đầu năm dịch vụ phân tích dữ liệu tiếp tục đà phát triển từ cuối năm trước, mang lợi nhuận cao cho công ty. Thị trường tài chính tiêu dùng dần phục hồi khi áp lực đại dịch giảm bớt tạo cơ hội cho dịch vụ này phát triển.
Truyền thông VMG hiện chủ yếu cung cấp các dịch vụ công nghệ trong 4 mảng kinh doanh chính là phân tích dữ liệu, thương mại, nội dung số, và mobile marketing. Các hoạt động cụ thể như dịch vụ xác minh danh tính (KYC) cho ngân hàng, dữ liệu khách hàng tiềm năng (Leadgen), dịch vụ giá trị gia tăng (VAS), dịch vụ cung cấp ảnh và clip (Vishare), hay dịch vụ SMS Brandname...
Triển vọng tươi sáng ngành CNTT
Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, tất cả các doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành đều nhận định triển vọng 6 tháng cuối năm ngành công nghệ sẽ tiếp tục tăng trưởng, trong đó 61,1% cho rằng tăng trưởng mạnh mẽ. Thêm vào đó, nỗ lực và quyết tâm cao độ của Chính phủ trong việc thúc đẩy “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 định hướng đến năm 2030” cũng được coi là một động lực quan trọng đối với tăng trưởng ngành trong giai đoạn tới.
Theo nhận định của Chứng khoán Rồng Việt, chỉ tiêu chuyển đổi số trên toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng 17,6% trong năm nay, đạt 1.800 tỷ USD và tăng trưởng lũy kế hàng năm (CAGR) bền vững ở mức 16,6% từ 2022F-2025F.
Trong bối cảnh đó, ngành công nghệ thông tin Việt Nam có lợi thế cạnh tranh về con người khi tham gia thị trường toàn cầu với nguồn nhân lực trẻ có khả năng thích nghi nhanh với công nghệ mới. Theo thống kê của HSBC, độ tuổi từ 20-29 chiếm 51% tổng số lập trình viên tại Việt Nam. Ngoài ra, chi phí phát triển phần mềm của lập trình viên tại Việt Nam thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác, với 18 USD/h, bằng 64% tại các quốc gia châu Á và 10% tại Mỹ.
Theo dự báo của Fitch Solutions, quy mô thị trường công nghệ thông tin Việt Nam (bao gồm các hạng mục về thiết bị phần cứng và giải pháp phần mềm) sẽ đạt 208.000 tỷ đồng trong năm nay và 370.000 tỷ đồng vào năm 2026, tương đương mức tăng trưởng kép 15%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận