Điều xảy ra sau tuyên bố cứng rắn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ
Chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ làm thị trường chao đảo sau khi nâng triển vọng lạm phát và phát tín hiệu sẽ cắt giảm lãi suất ít hơn vào năm tới. Cổ phiếu châu Á giảm xuống mức thấp nhất trong ba tháng khi các nhà đầu tư chờ đợi dữ liệu lạm phát quan trọng của Mỹ có thể làm giảm bớt hoặc làm trầm trọng thêm mối lo ngại về áp lực giá cả.
Thị trường biến động dịp cuối tuần
Trong ngày mở cửa 20/12, thị trường chứng khoán đánh dấu mức biến động. Chứng khoán Mỹ gần như không đổi, đánh mất đà phục hồi ban đầu sau mức giảm mạnh trong phiên trước đó. Điều này xảy ra sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự báo cắt giảm lãi suất ít hơn dự kiến và lạm phát sẽ cao hơn vào năm tới.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones (.DJI) tăng 15,37 điểm, tương đương 0,04%, lên 42.342,24. S&P 500 (.SPX) mất 5,08 điểm, tương đương 0,09%, xuống 5.867,08 và Nasdaq Composite (.IXIC) mất 19,92 điểm, tương ứng 0,10%, xuống 19.372,77.
Chỉ số Dow Jones khó có thể thoát khỏi chuỗi giảm giá kéo dài 10 phiên, chuỗi giảm dài nhất kể từ năm 1974.
Chỉ số cổ phiếu biến động mạnh dịp cuối tuần.
Chỉ số Dow và S&P 500 chứng kiến mức giảm phần trăm trong ngày lớn nhất kể từ đầu tháng 8, trong khi Nasdaq chứng kiến mức giảm hằng ngày lớn nhất kể từ tháng 7. Thị trường biến động sau khi Fed tuyên bố chỉ cắt giảm 0,25 điểm % hai lần vào năm 2025, ít hơn so với dự báo hồi tháng 9.
Chỉ số biến động CBOE (.VIX) - thước đo nỗi sợ hãi của Phố Wall - đóng cửa ở mức 24,09 sau khi chạm mức 27,62 trong phiên giao dịch trước (mức cao nhất trong 5 tháng rưỡi qua).
Tại châu Á, chỉ số MSCI rộng nhất của cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương bên ngoài Nhật Bản (.MIAPJ0000PUS) giảm 0,4% và hướng tới mức giảm hằng tuần là 2,6%.
Nikkei của Nhật Bản (.N225) tăng 0,2% và tăng tới 16% trong năm nay. Điều này một phần là do đồng yên yếu, mất giá 12% trong năm nay, lần nữa nhận được cảnh báo can thiệp từ chính quyền Nhật Bản.
Các cổ phiếu blue chip của Trung Quốc (.CSI300) giảm 0,3%. Hang Seng của Hong Kong (.HSI) tăng nhẹ 0,2%. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc giữ nguyên lãi suất cho vay chuẩn, phù hợp với kỳ vọng của thị trường.
Giá vàng dự kiến sẽ giảm 1,9% trong tuần này xuống còn 2.598 USD/ounce.
Điều gì sẽ xảy ra?
Fed làm thị trường chao đảo sau khi nâng triển vọng lạm phát và phát tín hiệu sẽ cắt giảm lãi suất ít hơn vào năm tới. Điều này khiến các nhà đầu tư phải vội vã xem xét chính sách của Fed ảnh hưởng đến lãi suất toàn cầu trong tương lai.
Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết lạm phát đi ngang trong năm nay và gợi ý Ngân hàng Trung ương Mỹ có thể chỉ cắt giảm lãi suất hai lần trong năm 2025, ít hơn hai lần so với mức được đưa ra vào tháng 9 vừa qua.
Dữ liệu kinh tế đồng bộ với quan điểm của Fed, với số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu hằng tuần giảm nhiều hơn dự kiến. Tổng sản phẩm quốc nội trong quý III được điều chỉnh tăng 3,1% so với mức 2,8% được báo cáo trước đó.
Tim Ghriskey - chiến lược gia danh mục đầu tư cấp cao tại Ingalls & Snyder ở New York - cho biết: "Rõ ràng điều này gửi đi thông điệp lãi suất sẽ không giảm nếu lạm phát không tiếp tục giảm. Lạm phát tăng nhẹ do lo ngại đối với Fed. Thị trường đang lo lắng vì động thái trên".
Ngoài ra, ngân hàng trung ương toàn cầu nhấn mạnh tính độc lập trong các quyết định chính sách tiền tệ. Đồng USD mạnh hơn do lãi suất cao hơn. Mức thuế quan có khả năng gây lạm phát từ Tổng thống đắc cử Donald Trump khiến triển vọng nới lỏng chính sách trên toàn thế giới không chắc chắn.
Bà Qian Wang - nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Vanguard - cho biết: “Fed có quan điểm cứng rắn hơn dẫn đến đồng USD mạnh hơn và thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu”.
Chính sách của Fed tác động mạnh đến thị trường toàn cầu, đặc biệt là ở châu Á.
Bà Qian Wang cho biết điều này đặc biệt đúng ở nhiều thị trường mới nổi như châu Á. “Tôi nghĩ các ngân hàng trung ương ở châu Á nói chung đang hướng tới nới lỏng. Tuy nhiên, việc Fed sẽ duy trì mức cao trong thời gian dài hơn sẽ ảnh hưởng đến tình hình nới lỏng” - Qian Wang nói,
Trước mắt, lập trường thận trọng của Fed khiến hầu hết tiền tệ châu Á chao đảo. Đồng USD đứng ở mức cao nhất trong hai năm với chỉ số đạt mức 108,45 so với các đồng tiền chính khác.
Đồng yên Nhật giảm 0,74% xuống 155,94 yên so với đồng bạc xanh, chạm mức thấp nhất trong một tháng. Đồng won Hàn Quốc dao động gần mức yếu nhất kể từ tháng 3/2009.
Đồng euro giảm 1,3% trong tuần ở mức 1,0364 USD, đe dọa mức hỗ trợ quan trọng là 1,0331 USD/1 USD. Đồng bảng Anh mất 1% trong tuần xuống còn 1,2489 USD và đang trên bờ vực phá vỡ mức quan trọng là 1,2484 USD.
Tại Trung Quốc, cơ quan chức năng làm thị trường ngạc nhiên khi ra tín hiệu thay đổi lập trường chính sách tiền tệ ôn hòa hơn. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tìm cách chuyển đổi lập trường chính sách từ "thận trọng" sang "nới lỏng vừa phải" - cụm từ Trung Quốc chưa từng sử dụng kể từ thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Các nhà phân tích cho biết triển vọng điều chỉnh của Fed về việc cắt giảm lãi suất trong tương lai khó có thể ảnh hưởng lớn đến lộ trình nới lỏng chính sách của ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC), mặc dù có thể gây áp lực lên đồng nhân dân tệ.
“PBOC cần tập trung vào việc chống giảm phát. Chúng tôi không nghĩ rằng chính sách lãi suất trong nước sẽ bị ảnh hưởng nhiều bởi quyết định lãi suất của Fed, dù là trong ngắn hạn hay dài hạn”, Edmund Goh - giám đốc thu nhập cố định Trung Quốc tại Abrdn - cho biết.
Hao Zhou - chuyên gia kinh tế trưởng tại Guotai Junan International - cho biết PBOC có thể muốn tập trung vào các yếu tố trong nước. “Nếu Fed cắt giảm mạnh hơn, PBOC có nhiều dư địa để cắt giảm hơn. Vì vậy, tôi không nghĩ Fed sẽ là vấn đề lớn đối với PBOC, điều này có nghĩa là đồng nhân dân tệ sẽ chịu áp lực mất giá”, chuyên gia nói thêm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường