Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua
Mặc dù thị trường có tuần tăng mạnh cả điểm số lẫn thanh khoản, nhưng các cổ phiếu được đưa ra khuyến nghị chỉ diễn biến lình xình, chủ yếu tăng chưa tới 5%.
* MBS khuyến nghị nắm giữ dành cho cổ phiếu NLG
Chúng tôi đánh giá NLG hoàn toàn có thể vượt qua giai đoạn khó khăn của ngành hiện nay nhờ chiến lược đúng đắn. Trong năm 2023, NLG tập trung triển khai các dự án trung cấp như Mizuki Park, chung cư Akari và Ehomes Southgate. Các dự án này sẽ giúp doanh số bán hàng không bị ảnh hưởng mạnh như các đối thủ trong ngành. Do đó, chúng tôi đưa ra khuyến nghị nắm giữ đối với NLG.
Sau những phiên tăng mạnh và giao dịch sôi động những ngày cuối tháng 4 – đầu tháng 5, cổ phiếu NLG đã rung lắc và quay đầu điều chỉnh nhẹ trong tuần qua, bên cạnh thông tin Giám đốc điều hành Công ty đăng ký bán ra 100.000 cổ phiếu. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên giảm nhẹ và 2 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu NLG giảm 250 đồng (-0,73%) từ mức giá 34.100 đồng/CP xuống 33.850 đồng/CP.
* VCBS khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu HPG
VCBS ước tính EPS forward 2032 của HPG là 1.246 đồng/CP, tương ứng P/E forward là 17,2 lần. Hiện nay do tình hình kinh doanh của ngành vẫn đang trong giai đoạn khó khăn và còn nhiều rủi ro hiện hữu đặc biệt là giá thép có khả năng sẽ tiếp tục giảm, chúng tôi khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu HPG với giá mục tiêu điều chỉnh xuống còn 18.000 đồng/CP.
Nhóm cổ phiếu thép nói chung và HPG nói riêng đã có tuần hồi phục, đặc biệt là phiên giao dịch nổi bật ngày cuối tuần 12/5. Trong đó, với việc đón nhận 1 phiên giảm nhẹ và 4 phiên tăng giá, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu HPG tăng 900 đồng (+4,2%) từ mức giá 21.450 đồng/CP lên 22.350 đồng/CP.
* VCSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu PVS
Chúng tôi giữ nguyên giá mục tiêu cho Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS – sàn HNX) ở mức 33.000 đồng/cổ phiếu và duy trì khuyến nghị mua.
Nhận định của VCSC khá chuẩn xác khi PVS có tuần giao dịch khởi sắc cùng thanh khoản sôi động hơn khi có những phiên khớp 4-6 triệu đơn vị. Thống kê với việc đón nhận 4 phiên tăng nhẹ và 1 phiên đứng giá tham chiếu, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PVS tăng 1.100 đồng (+4,38%) từ mức giá 25.100 đồng/CP lên 26.200 đồng/CP.
* PHS khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu OCB
Sử dụng phương pháp định giá chiết khấu thu nhập thặng dư (Residual Income) và P/B, chúng tôi xác định giá trị hợp lý đối với mỗi cổ phiếu OCB là 24.800 đồng/CP. Đồng thời, khuyến nghị mua đối với cổ phiếu này.
Thị trường đã có tuần giao dịch với nhiều tín hiệu tích cực, đặc biệt là dòng tiền có dấu hiệu quay lại với nhóm cổ phiếu bluechip, trong đó nhóm cổ phiếu ngân hàng nói chung cũng đã tìm lại sự khởi sắc. Cổ phiếu OCB không nằm ngoài xu hướng chung của ngành khi ghi nhận 3 phiên tăng, 1 phiên giảm và 1 phiên đứng giá, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu OCB tăng 750 đồng (+4,76%) từ mức giá 15.750 đồng/CP lên 16.500 đồng/CP.
* PHS khuyến nghị mua đối với cổ phiếu MBB
Sử dụng phương pháp định giá chiết khấu thu nhập thặng dư (Residual Income) và P/B, chúng tôi xác định giá trị hợp lý đối với mỗi cổ phiếu MBB là 27.800 đồng/CP. Khuyến nghị mua đối với cổ phiếu này.
Cũng như người anh em cùng ngành, cổ phiếu MBB đã lấy lại đà hồi phục trong tuần qua. Cụ thể, với việc đón nhận 3 phiên tăng nhẹ và 2 phiên đứng giá tham chiếu, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu MBB tăng 550 đồng (+3,04%) từ mức giá 18.100 đồng/CP lên 18.650 đồng/CP.
* VCSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu HDG
Chúng tôi nâng giá mục tiêu cho CTCP Tập đoàn Hà Đô (HDG) thêm 5% lên 40.800 đồng/cổ phiếu và duy trì khuyến nghị mua.
Là một trong những mã bất động sản khá bền trong gần 1 tháng qua, cổ phiếu HDG tiếp tục có tuần giao dịch khởi sắc. Cụ thể, với việc đón nhận 5 phiên tăng liên tiếp, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu HDG tăng 1.750 đồng (+5,26%) từ mức giá 33.250 đồng/CP lên 35.000 đồng/CP.
* VCSC khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu POW
Chúng tôi duy trì giá mục tiêu cho Tổng công ty Nhiệt điện Dầu khí (POW) là 14.800 đồng/cổ phiếu nhưng điều chỉnh khuyến nghị từ mua thành khả quan do giá cổ phiếu của công ty đã tăng 9% trong 2 tháng qua.
Cũng như hầu hết các cổ phiếu trên sàn, POW cũng có tuần giao dịch khởi sắc. Thống kê với việc đón nhận 1 phiên giảm, 1 phiên đứng giá tham chiếu và 3 phiên tăng nhẹ, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu POW tăng nhẹ 350 đồng (+2,68%) từ mức giá 13.050 đồng/CP lên 13.400 đồng/CP.
* VND khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu VRE
Chúng tôi tăng giá mục tiêu của VRE thêm 8,8% lên 41.100 đồng/CP nhờ chuyển đổi định giá sang năm 2023 và điều chỉnh dự báo lợi nhuận ròng cho năm 2023/2024 tăng 7,3%/giảm 4,7% (WACC 13,1%, lãi suất phi rủi ro 4%). Đồng thời, khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu VRE.
Vincom Retail đã có báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 khả quan với doanh thu thuần tăng trưởng 42% và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 171% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1.024 tỷ đồng. Tuần vừa qua, cổ phiếu VRE cũng đã đảo chiều hồi phục trong xu hướng chung của thị trường. Thống kê với việc đón nhận 1 phiên giảm nhẹ và 4 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VRE tăng 1.000 đồng (+3,68%) từ mức giá 27.150 đồng/CP lên 28.150 đồng/CP.
* SSI, VCSC và BVSC cùng khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu PNJ
SSI cho rằng áp lực lạm phát tiếp tục gia tăng trong quý II/2023 của CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ – sàn HOSE) do giá điện và phí dịch vụ công có thể tiếp tục tăng lên, trong khi việc làm và xuất khẩu vẫn yếu. Do đó, lợi nhuận ròng có thể giảm trong quý II/2023, ảnh hưởng đến giá cổ phiếu trong ngắn hạn. Các nhà đầu tư dài hạn có thể cân nhắc tích lũy cổ phiếu trong khi giá giảm, do tiềm năng tăng trưởng của PNJ và vị thế tài chính tương đối an toàn (D/E là 0,18x trong Q1/2023).
Bên cạnh đó, VCSC giảm 7% giá mục tiêu dành cho cho CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) và duy trì khuyến nghị khả quan.
BVSC duy trì giá mục tiêu với PNJ ở mức 92.200 đồng/CP (Upside: 21%). Ở mức giá hiện tại, PNJ đang giao dịch tại P/E là 11,6x (giữa 2024) và 10,7x (2024), so với trung bình 5 năm là 18,0x. BVSC ưa thích PNJ với vị thế dẫn đầu thị trường và câu chuyện dài hạn nhờ sự mở rộng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu ở Việt Nam.
Trái với nhận định của các công ty chứng khoán, cổ phiếu PNJ đã ngược dòng thị trường và quay đầu điều chỉnh sau những phiên tăng cuối tháng 4. Thống kê với việc đón nhận 4 phiên giảm nhẹ và 1 phiên đứng giá tham chiếu, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PNJ giảm 1.200 đồng (-1,57%) từ mức giá 76.200 đồng/CP xuống 75.000 đồng/CP.
* VND khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu BVH
Duy trì khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu điều chỉnh là 60.000 đồng/CP, dựa trên P/B 2023 là 2,0 lần, thấp hơn mức trước đó là 2,2 lần, chủ yếu để phản ánh kỳ vọng tăng trưởng phí BH và lợi suất đầu tư thấp hơn trong 2024.
Nhận định của VND cũng không mấy thành công khi cổ phiếu BVH không được như kỳ vọng trong bối cảnh thị trường chung có tuần tăng vọt. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên giảm nhẹ, 1 phiên đứng giá tham chiếu và 2 phiên tăng nhẹ, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu BVH nhích nhẹ 100 đồng (+0,22%) từ mức giá 45.900 đồng/CP lên 46.000 đồng/CP.
* MBS khuyến nghị nắm giữ dành cho cổ phiếu SZC
Chúng tôi sử dụng phương pháp định giá chiết khấu dòng tiền NPV theo từng dự án và lĩnh vực kinh doanh của công ty, giá trị cổ phiếu SZC đạt mức 33.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng với mức PE là 17,6 lần và PB là 2,2 lần, cao hơn so với trung bình ngành do tiềm năng tăng trưởng từ quỹ đất cho thuê KCN còn lớn, đất ở mới bắt đầu khai thác. Đồng thời, khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu này.
Cổ phiếu SZC vẫn duy trì sự khởi sắc từ giữa tháng 4 đến nay, dù đà tăng không quá lớn. Thống kê với việc đón nhận 1 phiên giảm nhẹ, 1 phiên đứng giá tham chiếu và 3 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu SZC tăng 2.200 đồng (+6,78%) từ mức giá 32.450 đồng/CP lên 34.650 đồng/CP.
* MBS khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu QTP
Sử dụng phương pháp định giá chiết khấu dòng tiền vốn chủ sở hữu và so sánh PE, PB trung bình các doanh nghiệp nhiệt điện trên thị trường, giá trị cổ phiếu QTP xác định ở mức 17.500 đồng/cổ phần. Đồng thời khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu này.
Trong tuần tới, QTP sẽ chốt danh sách cổ đông để tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2023 và diễn biến cổ phiếu này vẫn duy trì đà tăng từ cuối tháng 4 đến nay. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên giảm nhẹ, 1 phiên đứng giá tham chiếu và 2 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu QTP tăng nhẹ 300 đồng (+1,96%) từ mức giá 15.300 đồng/CP lên 15.600 đồng/CP.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận