‘Điểm mặt’ những ngân hàng được nới room tín dụng
Ngày 7/9, bốn "ông lớn" ngân hàng và một số ngân hàng thương mại (NHTM) tư nhân có điểm chấm tốt hoặc tham gia tái cơ cấu đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp thêm hạn mức tín dụng từ 1 - 4%.
Theo đó, Sacombank (STB) được cấp thêm room tín dụng năm nay là 4%; Agribank là 3,5%; HDBank (HDB) 3,4%; MB (3,2%); OCB (3,1%); VIB (3%). Vietcombank và Techcombank cùng được cấp thêm 2,7%; TPBank được bổ sung thêm 1,2%. Một số ngân hàng khác cũng được nới room nhưng ở mức khiêm tốn hơn.
Theo Vietcombank, hạn mức tín dụng mới của ngân hàng này cả năm nay là 17,7%. Tính đến hết tháng 8/2022, Vietcombank đã tăng trưởng tín dụng 14,7% so với đầu năm. Do đó, ngân hàng còn dư địa cho vay mới tối đa khoảng 32.000 tỷ đồng trong những tháng còn lại của năm.
Với quy mô dư nợ Top đầu hệ thống, Agribank cũng vừa được nới thêm room 3,5% so với mức cũ là 7%; đồng nghĩa ngân hàng này còn dư địa khoảng 50.000 tỷ đồng để tung ra thị trường đến hết năm. Tính trên tổng quy mô dư nợ hơn 400.000 tỷ đồng vào cuối quý II/2022, Sacombank còn dư địa tăng trưởng hơn 11.000 tỷ đến hết năm sau khi được cấp thêm room 4% so với hạn mức cũ là 7%.
Đây là lần đầu tiên NHNN đồng loạt nới hạn mức tín dụng cho một số tổ chức tín dụng (TCTD) trong năm nay. Các năm trước, NHNN thường có 1 - 2 đợt nới room trong năm, sau khi đã giao mức trần cho từng đơn vị vào đầu năm.
Trong thông tin báo chí sáng 7/9 của NHNN, nhà điều hành không nêu rõ những ngân hàng nào được nới room tín dụng. Tuy nhiên, việc điều chỉnh room tín dụng đợt này của ngân hàng vẫn dựa trên đơn đề nghị của các NHTM và căn cứ điểm xếp hạng của NHNN như: Kết quả xếp hạng từng TCTD theo Thông tư 52 (đã được sửa đổi, bổ sung); xem xét một số yếu tố cụ thể hóa chủ trương, định hướng điều hành của Chính phủ, NHNN như: TCTD tham gia hỗ trợ xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Theo NHNN, tính đến hết tháng 8/2022, tăng trưởng tín dụng đạt 9,91%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ hai năm trước. Các NHTM gần đây cũng đã chạm trần tăng trưởng tín dụng được cấp từ đầu năm khiến người dân và doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay. Với ưu tiên kiểm soát lạm phát, NHNN vẫn kiên định mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm quanh mức 14%. Dư địa tăng trưởng tín dụng của cả hệ thống còn lại hơn 4%, có thể phần nào giải toả “cơn khát” tín dụng nhưng khó lòng đáp ứng được hết nhu cầu vào mùa kinh doanh cao điểm cuối năm.
“Nhu cầu vốn của doanh nghiệp hiện nay rất lớn. Doanh nghiệp cần vốn nhiều để nhập nguyên liệu, trang trải hoạt động của bộ máy và trả lương cho người lao động, đặc biệt, doanh nghiệp cũng cần vốn để xây dựng thương hiệu, tham gia hội chợ, giao thương nhằm quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường. Việc các ngân hàng thương mại được tăng cung tín dụng và áp dụng lãi suất cho vay hợp lý chính là liều thuốc kích thích để doanh nghiệp phục hồi và duy trì sản xuất kinh doanh từ nay đến cuối năm; đồng thời đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế - xã hội”, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho biết.
Với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tối thiểu 14%, trong 4 tháng cuối năm, sẽ có khoảng 457.000 tỷ đồng được phân bổ về cho các NHTM. Đây chính là dư địa để các ngân hàng đưa ra các giải pháp tín dụng hiệu quả, giúp doanh nghiệp đến gần hơn với vốn vay.
Trước đó TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết: Trước nguy cơ lạm phát chi phí đẩy nghiêm trọng do giá đầu vào tăng cao, nếu nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ làm lạm phát chi phí đẩy bị khuếch đại lên; ngược lại, nếu siết chặt sẽ làm cung giảm, đồng nghĩa giá sẽ tăng. Do vậy theo ông Lê Xuân Nghĩa, duy trì sự ổn định của chính sách tiền tệ là hành xử phù hợp nhất của cơ quan điều hành trong giai đoạn này.
“Với lộ trình về lâu dài, NHNN cần bỏ cấp room tín dụng. Việc cấp room chỉ nên được coi là giải pháp tạm thời trong thời gian 1 đến 2 năm nữa”, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho biết. Còn nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược NHNN, ông Phạm Xuân Hòe cho rằng: Trong khi nhu cầu vốn đang rất cần sau 2 năm dịch bệnh, hạn mức tín dụng được kiểm soát quá chặt chẽ, “đạp phanh” vào nỗ lực phục hồi kinh tế.
Theo ông Phạm Xuân Hoè, vốn cho nhu cầu phục hồi sản xuất kinh doanh đang rất lớn, nhiều khách hàng đang bị ngưng trệ, giảm khả năng phục hồi quy mô sản xuất kinh doanh do NHTM là hết room tín dụng. Hàng loạt người mua nhà đang bị chủ đầu tư phạt vì chậm nộp tiền cũng vì ngân hàng nói hết room tín dụng.
Về mặt pháp lý, nếu đã có các công cụ khác gián tiếp để kiểm soát mức cung tín dụng ra nền kinh tế tốt hơn, nhưng cơ quan quản lý Nhà nước vẫn phải tiếp tục can thiệp bằng công cụ hành chính mạnh mẽ vào công việc kinh doanh của các tổ chức tín dụng cũng là một doanh nghiệp kinh doanh trong nền kinh tế là không bình đẳng với doanh nghiệp khác và không phù hợp với giai đoạn hiện nay. “Từ thực tiễn này, cộng với việc lạm phát ở Việt Nam là lạm phát chi phí đẩy chứ không phải từ chính sách tiền tệ, tôi cho rằng đã đến lúc từ bỏ sử dụng công cụ hạn mức tín dụng”, ông Phạm Xuân Hoè cho biết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận