Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng (MASCO): Thoát lỗ sau 2 năm đại dịch
Năm 2022, Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng ghi nhận tổng doanh thu đạt 106 tỷ đồng, lãi sau thuế tăng 126,8% so với năm 2021.
Khi đại dịch COVID-19 cơ bản đã được kiểm soát, các chỉ tiêu về du lịch, dịch vụ của ngành du lịch Việt Nam nói chung và của Đà Nẵng nói riêng đã tăng trưởng trở lại, kéo theo đó là sự tăng trưởng của ngành Hàng không, thương mại, giao thông, dịch vụ…
Hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ Hàng không, CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng (MASCO, mã: MAS) ghi nhận sự phục hồi trở lại từ việc tăng trưởng chung của ngành hàng không trong năm 2022.
Theo Báo cáo tài chính quý IV năm 2022, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt gần 30 tỷ đồng (tăng 3,5 lần so với cùng kỳ). Giá vốn bán hàng cũng tăng lên 26 tỷ đồng nên lãi gộp bán hàng và cung cấp dịch vụ 3 tháng cuối năm MASCO đạt 3,8 tỷ đồng.
Ngược lại, doanh thu hoạt động tài chính quý IV/2022 giảm 72% còn 7,6 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính tăng lên 487 tỷ đồng.
Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của MASCO trong quý cuối cùng của năm 2022 đạt hơn 1,4 tỷ đồng. Đây là kết quả khá lạc quan so với con số âm 6,8 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Lãi ròng sau thuế là 1,61 tỷ đồng (tăng 268%).
Lũy kế cả năm 2022, theo Báo cáo tài chính năm 2022, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 106,8 tỷ đồng, tăng mạnh so với năm 2021 (tăng 227%) và vượt 104% kế hoạch đề ra. Doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 104 tỷ đồng, tăng 133%.
Tổng doanh thu năm 2022 MASCO đạt 106 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu hoạt động sản xuất kinh doanh như cung ứng suất ăn máy bay cho các hãng Hàng không, bán hàng thương mại tại các sân bay miền Trung, đào tạo nghề lái xe ôtô, môtô... mang về 104 tỷ đồng cho Công ty (tăng gần gấp 3,5 lần so với năm 2021chiếm hơn 99% tổng doanh thu).
Tuy nhiên, năm 2022 cũng là năm đầy biến động của nền kinh tế thế giới, cuộc xung đột quân sự Nga và Ukraine khiến giá nguyên, vật liệu và hàng hóa tăng cao, chi phí nguyên, nhiên liệu và hàng hóa chiếm hơn 30% tổng chi phi sản xuất kinh doanh của Công ty, cùng với việc lạm phát tăng cao do nhu cầu phục hồi của các quốc gia sau đại dịch đã làm cho tổng chi phí của công ty tăng 56,86%.
Tuy vậy, doanh thu tăng cao vẫn đủ bù đắp chi phí cho MASCO. Kết quả, MASCO báo lãi sau thuế 1,268 tỷ đồng, tăng 126,8% so với con số -14,837 tỷ đồng trong năm 2021.
Tuy đây không phải là con số lớn so với giai đoạn trước năm 2021 nhưng là cột mốc đánh dấu sự hồi phục của MASCO nói riêng cũng như các doanh nghiệp trong ngành hàng không nói chung.
Theo đó, MASCO cho hay, năm 2022, đại dịch COVID-19 đã được kiểm soát, các chuyến bay quốc nội tăng trưởng rất cao, các chuyến bay quốc tế cũng đã mở lại từ tháng 4/2022, vì vậy các lĩnh vực kinh doanh của Công ty hồi phục và tăng trưởng cao hơn rất nhiều so với năm 2021. Nhờ doanh thu tăng nên đã bù đắp hết các chi phí nên Công ty chuyển từ lỗ sang lãi năm 2022.
Đồng thời, Công ty cũng tiếp tục chính sách kiểm soát chặt chi phí, tiết kiệm tối đa các chi phí biến đổi, nên tốc độ tăng chi phí năm 2022 là 56,87%, trong khi tốc độ tăng doanh thu là 104,16%.
Trong năm 2022, tổng tài sản của Công ty giảm 10,53% so với năm trước, tương ứng đạt 67,788 tỷ đồng. Nhìn chung về cơ cấu năm 2022, tài sản ngắn hạn chiếm 29,68% tổng tài sản, trong đó phần lớn đến từ các khoản phải thu (chiếm 46,5% tài sản ngắn hạn) và hàng tồn kho (chiếm 24,26% tài sản ngắn hạn). Tỷ trọng tài sản dài hạn chiếm 70,32% tổng tài sản, tài sản cố định chiếm phần lớn (khoảng 93,10%) trong tài sản dài hạn.
Trong năm 2022 tài sản ngắn hạn chỉ giảm nhẹ 0,18%, nguyên nhân do tiền và các khoản tương đương tiền giảm 42,28%; các khoản phải thu tăng 32,69% do các lĩnh vực hoạt động của Công ty đã trở lại bình thường, các dịch vụ cung ứng cho các hãng hàng không không còn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nữa…
Tài sản dài hạn năm 2022 cũng giảm xuống 14,28% so với năm trước nguyên nhân do tài sản cố định giảm 18,73% chủ yếu đến từ giá trị hao mòn của các tài sản cố định.
Về nợ phải trả, tại ngày 31/12/2022, tổng nợ phải trả của MASCO giảm còn 40,08 tỷ đồng, trong đó 36,44 tỷ đồng nợ ngăn hạn và 3,64 tỷ đồng nợ dài hạn. Vốn chủ sở hữu không thay đổi nhiều, chỉ tăng nhẹ 0,2% so với cùng kỳ năm trước.
Các phải thu ngắn hạn của khách tăng mạnh lên 7,37 tỷ đồng. Trong đó, khoản phải thu của CTCP Hàng không Jetstar Pacific Airlines là 498 triệu đồng, CTCP Hàng không Đông Dương 1,48 tỷ đồng, Hãng Hàng không Vietjet Air 1,13 tỷ đồng và CTCP Hàng không Tre Việt 936 triệu đồng.
Đáng chú ý, MASCO trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi đối với CTCP Hàng không Đông Dương, CTCP Hàng không Jetstar Pacific và Học viên bộ đội tại TTDN Đã Nẵng với tổng số tiền là 2,55 tỷ đồng. Đây đều là các khoản phải thu đã quá hạn hơn 3 năm.
Theo MASCO, Công ty đang duy trì các chỉ số tài chính khởi sắc sau 2 năm phòng chống đại dịch COVID-19. Cụ thể hệ số khả năng thanh toán ngắn hạn tăng từ 0,48 lên 0,55; tương tự hệ số khả năng thanh toán nhanh cũng tăng từ 0,37 lên 0,42 lần. Hệ số nợ/tổng tài sản giảm từ 63,5% xuống 59,13%, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu cũng giảm từ 173,99% xuống 144,68% vào cuối năm 2022. Hệ số khả năng sinh lời trong năm 2022 đều chuyển từ âm thành dương.
Tại ngày 31/12/2022, vay và nợ thuê tài chính của MASCO tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, chi nhánh Đà Nẵng là 11,7 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Đà Nẵng là 1,46 tỷ đồng
Đánh giá chung năm 2022, MASCO cho biết, hoạt động kinh doanh của ngành Hàng không nói chung và của Công ty nói riêng diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, nhu cầu du lịch, giao thông, vận chuyển quay lại làm cho hoạt động kinh doanh của Công ty trở nên thuận lợi hơn.
Thông tin trong Báo cáo thường niên năm 2022, MASCO cho biết kế hoạch tổng doanh thu đề ra trong năm 2023 là 158 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 6,615 tỷ đồng. Để thực hiện được điều này, Công ty sẽ tiếp tục giữ vững ổn các loại hình kinh doanh đã xác định là chiến lược của Công ty, ưu tiên hàng đầu cho các lĩnh vực kinh doanh liên quan đến dây chuyền vận tải hàng không và kinh doanh thương mại tại các cảng hàng không miền Trung.
CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng được thành lập năm 2005 trên cơ sở cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, lĩnh vực kinh doanh chính là chế biến suất ăn máy bay, kinh doanh thương mại và dịch vụ, đào tạo lái xe ô tô và mô tô. Tổng Công ty Hàng không Việt Nam hiện nắm giữ 36,11% cổ phần.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường