menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Huyền My

Cuộc ‘soán ngôi’ của các ngân hàng tư nhân

Các ngân hàng tư nhân như Techcombank, VPBank, ACB, HDBank tiếp tục cho thấy tốc độ bứt phá mạnh mẽ với kết quả kinh doanh vượt trội trong 9 tháng đầu năm 2019.

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) công bố đạt 8.860 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng đầu năm 2019, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức lợi nhuận của Techcombank hiện chỉ đứng sau Vietcombank (17.612 tỷ đồng) và Agribank (9.700 tỷ đồng).

Tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng của Techcombank đã giúp ngân hàng này vượt qua các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước lớn như BIDV và có thể cả Vietinbank, dù ngân hàng này chưa công bố báo cáo tài chính.

Techcombank không phải trường hợp cá biệt. Từ năm 2018 đến nay, các ngân hàng tư nhân cho thấy sự bứt phá mạnh mẽ về kết quả kinh doanh. Lợi nhuận của nhóm ngân hàng tư nhân, theo đó, cũng dần đuổi kịp và vượt qua các ngân hàng cổ phần quốc doanh.

VPBank là ngôi sao khác trong ngành đã vươn lên mạnh mẽ trong vài năm gần đây. Sau 9 tháng đầu năm ngân hàng này đạt gần 7.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng trưởng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lợi nhuận của VPBank tăng mạnh sau một quý 3 kinh doanh hiệu quả. Kết thúc 9 tháng, tổng thu nhập hoạt động hợp nhất của VPBank đạt 26.333 tỷ đồng, tăng 19,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đóng góp lớn nhất vào tổng thu nhập hoạt động của toàn ngân hàng tiếp tục là nguồn thu nhập lãi thuần, đạt 22.428 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Đóng góp hơn một nửa vào nguồn thu nhập lãi thuần của VPBank đến từ công ty cho vay tiêu dùng FE Credit.

Lợi nhuận của VPBank được cải thiện còn đến nhờ hoạt động tiết giảm chi phí. Riêng trong quý 3, VPBank đã cắt giảm 304 nhân viên và tính từ đầu năm, số lượng nhân viên của nhà băng này đã giảm 690 người. Nhờ đó, chi phí hoạt động không tăng so với cùng kỳ thúc đẩy lợi nhuận ngân hàng trước dự phòng trong quý vừa qua tăng mạnh.

Một ngân hàng cổ phần khác là MB cũng đã tăng trưởng lợi nhuận 27% trong 9 tháng đầu năm 2019, đạt 7.616 tỷ đồng. Quy mô tổng tài sản của MB cũng tăng trưởng nhanh và sắp vượt ngưỡng 400 nghìn tỷ đồng

Theo báo cáo của MB, các mảng kinh doanh của ngân hàng đều tăng trưởng tích cực, riêng thu nhập lãi thuần tăng 26% đạt 13.111 tỷ đồng. Hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán lần lượt có lãi 2.312 tỷ, 472 tỷ, 421 tỷ, tăng tương ứng 37%, 56% và 50%. Lãi từ hoạt động khác cũng tăng mạnh 46% lên 1.579 tỷ đồng, chủ yếu nhờ thu hồi nợ đã xử lý.

Sau Techcombank và VPBank, hàng loạt các ngân hàng tư nhân khác cũng báo cáo lợi nhuận ở mức cao như ACB (5.561 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ); HDBank (3.400 tỷ đồng, tăng 50%); VIB (2.915 tỷ đồng, tăng 70%); TPBank (2.404 tỷ đồng, tăng 50%),…

Sự hụt hơi của các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước như BIDV và Vietinbank do các ngân hàng này phải dành nguồn lực để xử lý nợ xấu trong khi tăng trưởng bị giới hạn bởi nguồn vốn kinh doanh.

Ngay trước khi bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược Hàn Quốc, BIDV công bố lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ, đạt 7.0.28 tỷ đồng. Lợi nhuận của BIDV sụt giảm do phải trích lập dự phòng lớn cho các khoản nợ xấu. Tới cuối quý 3, tỷ lệ nợ xấu của BIDV đã tăng từ 1,9% lên 2,09%. Trong đó nợ có khả năng mất vốn lên đến 12.194 tỷ đồng, tăng 70% so với hồi đầu năm.

Dù là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất, lên tới 1,42 triệu tỷ đồng, song sau khi trích lập dự phòng, lợi nhuận trước thuế của BIDV đứng sau hàng loạt những cái tên tư nhân như Techcombank, MB, VPBank.

Chất lượng tài sản là một trong những lý do chính khiến hoạt động của các ngân hàng quốc doanh sa sút. Vietinbank dù chưa công bố báo cáo tài chính, song khó có thể kỳ vọng một quý 3 bứt phá của ngân hàng khi ngay từ quý 2 trước đó, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đã giảm nhẹ so với cùng kỳ do chi phí trích lập dự phòng tăng cao.

Cả BIDV và Vietinbank đều đang “khát vốn”, khiến ngân hàng khó có thể mở rộng hoạt động cho vay. Tuy nhiên, BIDV hiện đã hoàn tất thỏa thuận bán 603 triệu cổ phần cho KEB Hana Bank để thu về hơn 20.000 tỷ đồng, thương vụ đang được thực hiện những bước cuối cùng.

Với Vietinbank, ngân hàng vẫn chưa tìm được lời giải cho bài toán tăng vốn. Để giải quyết vấn đề trước mắt, cả BIDV và Vietinbank đã thực hiện nhiều đợt phát hành trái phiếu dài hạn để bổ sung vốn cấp 2 từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, theo quy định, dư địa tăng vốn cấp hai bị khống chế bởi quy mô vốn cấp một. Vì vậy, giải pháp trái phiếu chỉ là bước đi tình thế của ngân hàng để giải quyết một phần khó khăn trong ngắn hạn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả