Cuộc đua vốn ngành chứng khoán thêm gay cấn, có công ty tăng gấp 16 lần
Đường đua tăng vốn của các công ty chứng khoán đang vô cùng nhộn nhịp, trước thềm vận hành hệ thống giao dịch mới KRX và nâng hạng thị trường.
Hàng loạt công ty chứng khoán tiếp tục công bố kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu.
Ngày 13/3, UBCKNN cho biết đã nhận được đầy đủ hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu của Chứng khoán Kafi.
Theo phương án phát hành, Chứng khoán Kafi dự kiến chào bán 100 triệu cổ phần với giá chào bán 10.000 đồng/cp, tỷ lệ thực hiện quyền 3:2 (cổ đông sở hữu 3 cổ phiếu được mua thêm 2 cổ phiếu mới).
Thời gian thực hiện dự kiến hoàn thành trước ngày 30/4. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ Chứng khoán Kafi sẽ tăng thêm 1.000 tỷ đồng, từ 1.500 tỷ đồng lên mức 2.500 tỷ đồng.
Chứng khoán Kafi tiền thân là Chứng khoán Hoàng Gia, từng một lần đổi tên thành Chứng khoán Globalmind Capital trước khi có tên như bây giờ. Theo báo cáo quản trị công ty năm 2023, Chứng khoán Kafi có một cổ đông lớn CTCP Uniben với lượng nắm giữ 33,75 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 22,5%. Uniben là tổ chức có liên quan đến ông Trần Tuấn Minh - thành viên HĐQT đồng thời của Uniben và Kafi. Cá nhân ông Minh cũng đang nắm giữ 1,125 triệu cổ phần tại Kafi, chiếm 0,75% vốn.
Chứng khoán BOS (mã chứng khoán ART) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 với nội dung đáng chú ý là phương án phát hành 50 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho tối đa 20 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và/hoặc nhà đầu tư chiến lược để tăng vốn điều lệ. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ sau khi chào bán sẽ tăng từ hơn 969 tỷ lên hơn 1.469 tỷ đồng.
Giá chào bán được ủy quyền cho HĐQT quyết định nhưng không thấp hơn 10.000 đồng/cp. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý 3, quý 4 năm 2024, sau khi nhận được sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Toàn bộ số tiền thu được từ đợt chào bán sẽ được sử dụng cho mục đích bổ sung nguồn vốn cho hoạt động cho vay kỹ quỹ (margin).
Chứng khoán BOS là công ty chứng khoán từng có nhiều mối quan hệ với ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC. Cổ phiếu của doanh nghiệp này đang bị đình chỉ giao dịch do vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin, giá đóng cửa phiên cuối cùng chỉ có 1.300 đồng/cp.
Sau nhiều lần trì hoãn, cuối tháng 11/2023, Chứng khoán BOS đã công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2022, báo cáo thường niên 2022, báo cáo soát xét bán niên 2023. Công ty cũng mới công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2023 và đang chuẩn bị tổ chức ĐHĐCĐ thường niên; cho thấy nỗ lực đưa cổ phiếu trở lại giao dịch.
Tại ĐHĐCĐ bất thường tổ chức ngày 12/3 vừa qua, Chứng khoán Guotai Junan Việt Nam (mã IVS) đã thông qua phương án chào bán 69,35 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1, tức cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được mua 1 cổ phiếu phát hành thêm. Tổng giá trị huy động tính theo mệnh giá khoảng 693,5 tỷ đồng.
Giá chào bán được ủy quyền cho HĐQT xác định cụ thể, căn cứ theo điều kiện thực tế khi thực hiện thủ tục phát hành. Như vậy nếu hoàn tất đợt phát hành, IVS sẽ tăng vốn điều lệ lên gấp đôi, đạt mức 1.387 tỷ đồng.
Tại ĐHĐCĐ thường niên tổ chức ngày 8/4 tới, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC, mã VDS) dự kiến trình cổ đông thông qua 2 đợt phát hành cổ phiếu với tổng số lượng tối đa 114 triệu cổ phiếu, qua đó nâng vốn điều lệ từ 2.110 tỷ đồng hiện tại lên 3.240 tỷ đồng.
Đợt đầu tiên, VDSC muốn phát hành 33 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2023 (24,15 triệu cổ phiếu) và phát hành ESOP (8,85 triệu cổ phiếu). Tỷ lệ thực hiện quyền nhận cổ tức là 100:11,5, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận 11,5 cổ phiếu mới.
Giá phát hành ESOP là 10.000 đồng/cổ phiếu. 50% cổ phiếu ESOP bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm và 50% còn lại trong vòng 2 năm.
Sau khi hoàn thành đợt tăng vốn trên, công ty sẽ chào bán riêng lẻ 81 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược hoặc/và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Giá chào bán riêng lẻ không thấp hơn giá trị thị trường tại thời điểm chào chào bán hoặc giá trị sổ sách của VDSC tại thời điểm gần nhất, ủy quyền cho HĐQT phê duyệt. Lượng cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng từ 1-3 năm.
Chứng khoán VIX (mã VIX) ngày 14/3 công bố nghị quyết HĐQT thông qua việc chia trả cổ tức năm 2023 và kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu trình ĐHĐCĐ thường niên 2024.
Theo đó, HĐQT Chứng khoán VIX dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch chia cổ tức năm 2023 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 10%; đồng thời phát hành cổ phiếu tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 10%.
Với vốn điều lệ hiện ở mức 6.694 tỷ đồng, nếu thực hiện thành công 2 phương án nói trên, VIX sẽ tăng vốn lên 8.033 tỷ đồng.
Chứng khoán Vietcap (mã chứng khoán VCI) cũng mới công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2024 (dự kiến tổ chức ngày 2/4 tới), trong đó có nội dung trình cổ đông ba phương án tăng vốn.
Một là phát hành 4,4 triệu cổ phiếu ESOP cho người lao động công ty với giá 12.000 đồng/cp. Hai là phát hành gần 133 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 30%, tương ứng tỷ lệ thực hiện quyền 10:3 (cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu sẽ nhận được 3 cổ phiếu phát hành thêm). Ba là chào bán gần 144 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư trong và ngoài nước có năng lực tài chính, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Nếu hoàn thành cả ba phương án trên, vốn điều lệ của VCI sẽ tăng từ 4.375 tỷ đồng lên gần 7.200 tỷ đồng.
Kế hoạch tăng vốn mạnh nhất trong đợt này là Chứng khoán LPBank (LPBS). Công ty thông báo ngày đăng ký cuối cùng và xác nhận danh sách người sở hữu chứng khoán để thực hiện quyền mua cổ phiếu vào ngày 15/3. Thời gian thực hiện chuyển nhượng quyền mua cổ phiếu từ 18-22/3.
Theo phương án phát hành, LPBS sẽ chào bán tối đa 363,8 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ, với tỷ lệ 1.000:14.552, tức cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu sẽ được mua 14.522 cổ phiếu mới. Giá phát hành 10.000 đồng/cp. Nếu thành công, vốn điều lệ Chứng khoán LPBank sẽ gấp gần 16 lần, từ 250 tỷ đồng hiện tại lên 3.888 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường