CTCK nào hoạt động hiệu quả nhất trong quý 3/2021?
Thị trường tiếp tục sôi động, công ty chứng khoán (CTCK) theo đó ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý 3/2021. Đà tăng chung là kết quả tất yếu đối với CTCK, tuy nhiên, tận dụng thiên thời - địa lợi thế nào thì phải tùy thuộc vào từng công ty.
Khối CTCK tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý 3/2021. Theo dữ liệu của VietstockFinance, tổng doanh thu hoạt động của 78 CTCK đạt hơn 18.8 ngàn tỷ đồng, gấp hơn 2.2 lần cùng kỳ. Lợi nhuận cũng theo đó tăng mạnh, lãi ròng của khối này đạt gần 5.9 ngàn tỷ đồng trong quý 3, gần gấp đôi so với cùng kỳ.
Doanh thu và lợi nhuận của CTCK trong quý 3/2021
Đvt: Tỷ đồng
Tuy vậy, so với quý 2 thì đà tăng trưởng của các CTCK đã chững lại. Doanh thu hoạt động quý 3 chỉ tăng 4% so với quý trước, trong khi lãi ròng giảm nhẹ 2% so với quý trước.
Nhìn về tổng thể, môi giới và cho vay là hai mảng đóng góp chính trong quý 3 cho các CTCK.
Doanh thu môi giới, cho vay và lãi tự doanh quý 3/2021 của khối CTCK
Đvt: Tỷ đồng
Doanh thu môi giới quý 3 đạt hơn 5.3 ngàn tỷ đồng, tăng 7% so với quý trước và gấp 3.3 lần cùng kỳ.
Lãi từ cho vay và phải thu đạt hơn 3.9 ngàn tỷ đồng, tăng 18% so với quý trước, gấp 2.5 lần cùng kỳ.
Trong khi mảng tự doanh thì thua sút so với quý trước. Lãi tự doanh của các CTCK trong quý 3 ở mức hơn 2.2 ngàn tỷ đồng, giảm 33% so với quý trước. So với cùng kỳ, lãi tự doanh tăng 18%.
Diễn biến này đến từ tình hình thị trường quý 3 không thuận lợi bằng quý trước đó. Trong quý 2, VN-Index tăng gần 16% lên mức 1,408.5 điểm. Đà đi lên chững lại trong quý 3 khi chỉ số VN-Index có nhịp giảm sâu về vùng 1,270 điểm và kết quý 3 với mức giảm hơn 5%, đạt 1,342 điểm. Tuy vậy, thị trường vẫn giữ được sự sôi động. Giá trị giao dịch trên 2 sàn niêm yết đạt bình quân giá trị thanh khoản trên 25 ngàn tỷ đồng, tương đương quý trước.
Những CTCK hoạt động hiệu quả nhất
Nhìn chung, môi trường kinh doanh quý 3 vẫn rất thuận lợi đối với các CTCK. Nhờ tình trạng nghẽn lệnh được giải quyết từ tháng 7/2021 cũng như sức hấp dẫn của kênh chứng khoán vẫn được duy trì, thị trường liên tục lập các mức điểm kỷ lục mới. Thanh khoản cao kỷ lục cũng như tài khoản chứng khoán mở mới liên tục ở mức cao.
Để đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh, ta xét đến Tỷ lệ hiệu quả hoạt động = Kết quả hoạt động/Doanh thu hoạt động trừ lỗ tài sản FVTPL. Tỷ lệ này càng cao cho thấy CTCK hoạt động càng hiệu quả ở các mảng kinh doanh chính.
Trong số 78 CTCK, có tới 50 CTCK báo lãi tăng trưởng quý 3/2021 so với cùng kỳ, 5 CTCK chuyển lỗ cùng kỳ thành lãi. Đà tăng chung là kết quả tất yếu đối với CTCK khi thị trường đi lên và sôi động. Tuy nhiên, tận dụng thiên thời - địa lợi thế nào để đạt hiệu quả cao thì phải tùy thuộc vào từng CTCK.
Ở nhóm CTCK có vốn trên 1,000 tỷ đồng, vị trí hoạt động hiệu quả nhất trong quý 3 thuộc về Chứng khoán Asean (Aseansc) với tỷ lệ hiệu quả hoạt động tới 93%, liền sau là Chứng khoán VIX và Chứng khoán FPTS (FTS), tỷ lệ hiệu quả hoạt động lần lượt đạt 80% và 75%.
Tuy dẫn đầu về lợi nhuận toàn nhóm trong quý 3, song, Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) chỉ xếp thứ 4 về hiệu quả hoạt động kinh doanh chính.
Top 20 CTCK hoạt động hiệu quả nhất - Nhóm vốn điều lệ trên 1,000 tỷ
Đvt: Tỷ đồng
Ở nhóm vốn điều lệ từ 300 - 1,000 tỷ đồng, Chứng khoán Smart Invest là CTCK dẫn đầu về hiệu quả hoạt động với tỷ lệ hiệu quả hoạt động lên tới 94%. Tương tự, Chứng khoán APEC (APS) cũng có tỷ lệ ở mức này.
Các vị trí sau thuộc về Chứng khoán APG và Chứng khoán AIS.
Ở nhóm này, tỷ lệ hiệu quả hoạt động có sự phân hóa mạnh. Nhiều công ty có tỷ lệ khá thấp và chênh lệch đáng kể so với nhóm dẫn đầu.
Top CTCK hoạt động hiệu quả nhất - nhóm vốn điều lệ từ 300 - 1,000 tỷ
Đvt: Tỷ đồng
Ở nhóm CTCK có vốn dưới 300 tỷ đồng, Chứng khoán Liên Việt (LVS) dẫn đầu về hiệu quả hoạt động với tỷ lệ cách biệt so với các công ty còn lại. Chứng khoán HVS có tỷ lệ hiệu quả hoạt động cao nhưng thực chất quy mô lợi nhuận lại chỉ ở mức 100 triệu đồng.
Top CTCK hoạt động hiệu quả nhất - nhóm vốn điều lệ dưới 300 tỷ
Đvt: Tỷ đồng
Hiệu quả đến từ đâu?
Điểm chung của nhiều CTCK có tỷ lệ hiệu quả hoạt động đứng top kể trên là tự doanh tích cực trong quý 3.
Chẳng hạn nguồn đóng góp chính cho lợi nhuận của TCBS, Smart Invest, là lãi tự doanh từ mảng trái phiếu doanh nghiệp.
FPTS có quý hoạt động hiệu quả nhờ khoản đầu tư vào MSH. Cuối tháng 9/2021, Công ty ghi đánh giá chênh lệch tăng hơn 530 tỷ đồng với MSH. Trong khi đó, APS ghi lãi tự doanh lớn nhờ các cổ phiếu IDJ, API.
Đối với Aseansc, mảng môi giới ghi doanh thu đột biến trong quý 3 (đạt gần 37 tỷ đồng, gấp 9 lần cùng kỳ và tăng gần 60% so với quý trước). Bên cạnh đó, mảng tự doanh cũng đóng góp lớn với khoản lãi 74 tỷ đồng, chi phí tự doanh chỉ hơn 5 triệu đồng. Các khoản đầu tư chủ lực của Aseansc là ABI, SGP, HTM, TCB…
Tuy vậy, vẫn có những trường hợp không đến từ tự doanh. Quý 3/2021, APG ghi doanh thu lớn từ môi giới chứng khoán (gần 21.6 tỷ đồng) và tư vấn đầu tư chứng khoán (30 tỷ đồng) trong khi chi phí môi giới chỉ 2 tỷ đồng và thậm chí không ghi nhận chi phí tư vấn đầu tư chứng khoán. Với những con số trên, dễ hiểu khi CTCK này lọt top kinh doanh hiệu quả. Song điều khó hiểu là các khoản doanh thu này đến từ đâu, nhất là khoản tư vấn đầu tư chứng khoán.
Liên quan tới APG, trong quý 3, công ty này được thị trường hết sức quan tâm với thương vụ liên quan nhóm cổ phiếu Louis.
Tương tự, AIS cũng ghi nhận khoản tư vấn đầu tư tài chính 70 tỷ đồng, không phát sinh chi phí, nhờ vậy mà trở thành một trong những CTCK hoạt động hiệu quả nhất.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận