Công ty con của HDG xây nhà máy điện mặt trời trên đất quy hoạch dự trữ khoáng sản quốc gia
Theo kết luận Thanh tra Chính phủ liên quan thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện 7 (QHĐ7) và QHĐ7 điều chỉnh, công ty con của CTCP Tập đoàn Hà Đô (HOSE: HDG) vi phạm quy định về xây dựng nhà máy điện trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Cụ thể, Thanh tra Chính phủ cho biết CTCP Hà Đô Bình Thuận (nay là Công ty TNHH Hà Đô Bình Thuận) – công ty con của HDG, là chủ đầu tư của nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 4, đã xây dựng nhà máy trên đất dự trữ khoáng sản quốc gia khi chưa có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai, vi phạm quy định tại các quyết định cho thuê đất của UBND tỉnh Bình Thuận (việc cho thuê đất trong thời gian này để các công ty thực hiện các trình tự thủ tục ký hợp đồng mua bán điện, tập kết vật tư thiết bị thi công, xin phép xây dựng, triển khai các thủ tục hành chính cho công việc phụ trợ khác). Trách nhiệm thuộc về CTCP Hà Đô Bình Thuận.
Liên quan đến việc xây dựng các dự án điện mặt trời, điện gió trên đất quy hoạch dự trữ khoáng sản quốc gia, tại văn bản ngày 17/03/2023 của UBND tỉnh Bình Thuận giải trình và làm rõ các nội dung trong dự thảo kết luận thanh tra, trong đó có nêu “UBND tỉnh Bình Thuận đã lập phương án điêu chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định và được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 69/NQ-CP ngày 30/05/2018 để thực hiện các dự án điện gió, điện mặt trời...; UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ có nhiều văn bản thông nhất quan điểm để tỉnh Bình Thuận đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo trên mặt khu vực dự trữ khoáng sản và giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh cục bộ khu vực dự trữ khoáng sản”. Tuy nhiên, Nghị quyết số 69/NQ-CP không thể hiện cụ thể như nội dung giải trình nêu trên; chưa điều chỉnh cục bộ khu vực dự trữ khoáng sản để xây dựng các dự án năng lượng tái tạo.
Dù vậy, trong quá trình thi công đến ngày vận hành thương mại, hầu hết chủ đầu tư đã khắc phục vi phạm, tuy nhiên, các vi phạm trên có ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án để nhà máy vận hành thương mại trước ngày 01/07/2019, ngày 01/01/2021 đối với dự án điện mặt trời; trước ngày 01/11/2021 đối với dự án điện gió để được áp dụng cơ chế khuyến khích (giá FIT áp dụng trong 20 năm).
Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 4 và chủ đầu tư có gì?
Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 4 có diện tích 58.1 ha, tổng mức đầu tư 1,100 tỷ đồng. Nhà máy đã đóng điện Trạm Biến áp 22/110kV vào ngày 28/05/2019, hòa lưới phát điện ngày 31/05/2019 và chính thức được Công ty Mua bán Điện thuộc Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam (EVN) công nhận ngày vận hành thương mại là 04/06/2019.
Về chủ đầu tư, CTCP Hà Đô Bình Thuận thành lập và tháng 06/2016 với tên ban đầu là Công ty TNHH Năng lượng Tái tạo Bách Nhật. Vốn điều lệ 10 tỷ đồng, do ông Ngô Chí Thiện góp 43%, ông Nguyễn Ngọc Linh góp 42%, Nguyễn Đức Tuấn (giữ chức Giám đốc) nắm 15% còn lại.
Tháng 08/2017, HDG chính thức đưa doanh nghiệp này trở thành công ty con sau khi sở hữu 75% vốn điều lệ. Cùng lúc đó, tên doanh nghiệp đổi thành CTCP Hà Đô Bình Thuận. HDG liên tiếp đổ vốn vào công ty con này, đến tháng 02/2019, vốn điều lệ của CTCP Hà Đô Bình Thuận tăng lên 318 tỷ đồng, trong đó HDG nắm 76%.
Sau khi nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 4 khánh thành vào tháng 07/2019, Hà Đô Bình Thuận chuyển đổi loại hình từ CTCP sang TNHH vào tháng 8 với cơ cấu cổ đông gồm ba tổ chức: HDG nắm trực tiếp 76%, CTCP ZaHưng (công ty con HDG) nắm 14%, CTCP Đầu tư An Lạc nắm 10%.
Đến tháng 11/2021, HDG chuyển toàn bộ 76% vốn của Hà Đô Bình Thuận cho công ty con khác chuyên về mảng năng lượng là CTCP Năng lượng Hà Đô.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận