Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển nhà Tây Hồ: Vay lãi cao từ “người nhà”, rút ruột tài sản Nhà nước
Thay vì vay vốn tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tài chính vi mô hay quỹ tín dụng nhân dân... với lãi suất từ 6% đến 7%/năm, lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển nhà Tây hồ lại huy động vốn từ “người nhà” và trả với lãi suất 24%/năm, cùng với đó là sự hợp tác đầu tư “lòng vòng”, trái quy định.
Cần làm rõ động cơ và việc huy động vốn
Bà Nguyễn Thị Nhung (địa chỉ tại Vinhomes Long Biên, Hà Nội) - Cổ đông của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển nhà Tây Hồ (Công ty Tây Hồ) có địa chỉ tại số 2 ngõ 9 Đặng Thai Mai, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết: Bà tiếp tục gửi đơn tố cáo Công ty Tây Hồ có dấu hiệu phạm tội tham nhũng khi huy động vốn của con cháu, người nhà lãnh đạo với lãi suất không đúng quy định gây thất thoát tài sản Nhà nước nhằm trục lợi cá nhân.
Theo Quyết định số 2416 ngày 18/11/2019 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về mức lãi suất cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng theo quy định tại Thông tư 39/2016 quy định: Tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn là 6,0%/năm, quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất cho vay là 7,0%/năm.
Thế nhưng, thay vì tiến hành thủ tục vay vốn đối với các với các đơn vị này để được vay với lãi suất từ 6% đến 7%/năm như quy định nêu trên, ngày 20/1/2020 ông Đặng Quang Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty ký Quyết định số 01/QĐ-HĐQT và ông Tân Tú Hải - Tổng Giám đốc Công ty Tây Hồ ký ban hành Thông báo công khai số 28-02/TB về việc điều chỉnh lãi suất huy động vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Theo 2 văn bản này, Công ty điều chỉnh lãi suất vay là 24%/ năm, kỳ hạn vay là 12 tháng trở lên, trong khi đó công ty lại vay 10 tỷ đồng của con gái ông Tân Tú Hải là Tân Minh Trang và vay 5 tỷ đồng của con dâu bà Chu Thị Ngọc Ngà là Nguyễn Thị Cẩm Tú.
Riêng đối với 2 khoản vay này, đến ngày 20/1/2021, Công ty đã phải chịu 3.600.000.000 đồng (Ba tỷ sáu trăm triệu đồng chẵn) tiền lãi. Trong khi đó, nếu công ty vay 15 tỷ đồng với lãi suất 7%/năm của các tổ chức tín dụng thì chỉ phải trả 1.050.000.000 đồng tiền lãi một năm. Như vậy chỉ riêng đối với 2 khoản vay trên, lãnh đạo Công ty đã làm thất thoát 2.550.000.000 đồng của Nhà nước và cổ đông của Công ty, có dấu hiệu cấu thành tội phạm “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Với những nội dung trên dư luận đặt ra nhiều nghi vấn: hành vi trên có động cơ mục đích là gì? Thực hư sự cần thiết Công ty Tây Hồ cần huy động vốn và nếu cần, vì sao không vay vốn của các tổ chức tín dụng hay ngân hàng nhà nước để được hưởng lãi suất có lợi cho Nhà nước và các cổ đông của Công ty Tây Hồ?
Dấu hiệu cấu kết rút tiền của Nhà nước và cổ đông để trả lãi cho đối tác góp vốn
Tương tự như đối với trường hợp Hợp tác đầu tư kinh doanh với Công ty Thăng Long, ngày 13/9/2017 Công ty Tây Hồ đã ký Thỏa thuận Hợp tác kinh doanh số 31/2017/TTHTKD với Công ty Cổ phần Kinh doanh bất động sản Tây Hồ.
Theo đó, Công ty Cổ phần Kinh doanh bất động sản Tây Hồ đã góp 22.280.940.000 đồng để hợp tác kinh doanh hạ tầng lô đất CC01, CC04, CC05 tại Khu đô thị mới Quế Võ. Việc hợp tác kinh doanh này khi chưa xây dựng hạ tầng là trái với quy định tại Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Đồng thời Công ty Tây Hồ đã trả lãi cho khoản góp vốn của Công ty Cổ phần Kinh doanh bất động sản Tây Hồ một cách trái phép. Đáng lưu ý bà Chu Thị Ngọc Ngà – Trưởng Ban Kiểm soát Công ty Tây Hồ lại là Tổng giám đốc của Công ty Cổ phần Kinh doanh bất động sản Tây Hồ.
Khoản 9 Điều 3 Luật Đầu tư năm 2014 quy định về hợp đồng hợp tác kinh doanh như sau: “Hợp đồng hợp tác kinh doanh là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế”. Điểm a Khoản 2 Điều 19 Nghị Định 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ cũng quy định: “Bên tham gia góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết quy định tại điểm này chỉ được phân chia lợi nhuận (bằng tiền hoặc cổ phiếu) trên cơ sở tỷ lệ góp vốn theo thỏa thuận trong hợp đồng”.
Thế nhưng, ngày 10/12/2020, ông Tân Tú Hải lại thay mặt HĐQT Công ty Tây Hồ ký Quyết định số 19/QĐ-HĐQT về việc trả lãi khoản vốn góp theo thỏa thuận hợp tác kinh doanh với Công ty Cổ phần Kinh doanh bất động sản Tây Hồ. Theo quyết định này, Công ty Tây Hồ phải trả lãi cho khoản 22.280.940.000 đồng mà Công ty Cổ phần Kinh doanh bất động sản Tây Hồ đã góp vào dự án với lãi suất tương đương của Ngân hàng BIDV áp dụng cho thời hạn vay ngắn hạn 9 tháng.
Như trên đã nêu, việc hợp tác kinh doanh là phân chia lợi nhuận phân chia sản phẩm, được cùng ăn, lỗ cùng chịu, vì sao Công ty Tây Hồ lại chịu trả lãi cho Công ty Cổ phần Kinh doanh bất động sản Tây Hồ? Phải chăng bà Chu Thị Ngọc Ngà là Trưởng Ban Kiểm soát Công ty Tây Hồ lại chính là Tổng Giám đốc của Công ty Cổ phần Kinh doanh bất động sản Tây Hồ nên hai bên đã phối hợp thực hiện việc này?
Với những việc làm trái nguyên tắc và trái quy định của pháp luật nêu trên, có hay không việc rút tiền của Công ty Tây Hồ để chia nhau, gây thiệt hại đến tài sản Nhà nước và cổ đông? Có hay không dấu hiệu phạm tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo Điều 219 bộ Luật Hình sự 2015? Trách nhiệm của Chủ tịch HĐQT Đặng Quang Tuấn và Tổng Giám đốc Tân Tú Hải như thế nào?
Đề nghị cơ quan chức năng liên quan sớm vào cuộc, làm rõ dấu hiệu sai phạm tại Công ty Tây Hồ để đảm bảo công bằng cho các cổ đông và tính thượng tôn của pháp luật.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận